Nhãn

LỘ TRÌNH HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI MẤT GỐC

 


Khuyến cáo: Đây là những điều mình học hỏi và trải nghiệm riêng của mình. Nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Hãy đón nhận với tinh thần cởi mở, chọn lọc.

(những link video chưa đầy đủ và sẽ được cập nhật theo tiến trình, bạn có thể theo dõi nếu thấy phù hợp)


NGHE LÀ CHÌA KHÓA CỦA VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ


Ngôn ngữ là một chuỗi những âm thanh không ngắt quãng. Để hiểu được ta cần giải mã nó bằng cách tách rời tiếng nói thành những đơn vị có thể xử lý được. Khi lần đầu tiên bạn nghe Tiếng Anh, bạn chỉ nghe được mấy âm thanh xì xì, nghe có vẻ hỗn tạp và âm nào cũng giống âm nào, chẳng khác nhau cái gì thì làm sao phân biệt được thành từng từ (Nếu bạn đã học Tiếng Anh mà quên đi trải nghiệm này, hãy thử nghe một thứ tiếng bạn chưa từng học để xem bạn có nhận thấy thế không). Tách rời âm thanh thành những đơn vị có thể xử lý được nghĩa là phân biệt được những âm trong đó. Ví dụ khi bạn nghe câu nói: “Good morning” thì trước hết bạn phải nghe rõ được ba âm /ɡʊd/ /ˈmɔːr/ và /nɪŋ/. 

Tiếp theo là bước gán nghĩa cho chúng bằng cách đối chiếu với kho lưu trữ trong não. Kho lưu trữ này đối với người lớn là quá trình học hỏi, còn với đứa trẻ có thể là việc nghe và ghi nhớ từ giao tiếp của người lớn. Nếu như không được dạy và dịch nghĩa từng từ như người lớn thì đứa bé sẽ lấy dữ liệu ba âm đó đối chiếu với những gì nó đã từng nghe được. Nó từng nghe âm /ɡʊd/ rất nhiều và trong những tình huống như thế nào để hiểu nghĩa của nó. Nó đã từng nghe người ta ghép /ɡʊd/ và /ˈmɔːr/ lại với nhau để tạo thành từ chưa để biết rằng hai âm này có thể tạo thành từ có nghĩa không. Và so với tất cả những gì nó từng nghe thì nó biết rằng người ta không ghép hai âm này thành một từ. Vậy thì /ɡʊd/ là một từ có ý nghĩa riêng biệt và /ˈmɔːr/ là bắt đầu của một từ khác. Nó lại tiếp tục xem /ˈmɔːr/ có nghĩa không và /ˈmɔːr/ có ghép với /nɪŋ/ không. Qua đó thì nó biết trong câu đó có 2 từ và ý nghĩa của 2 từ là gì và khi 2 từ đó đi với nhau thì thể hiện ý nghĩa gì.

Hai quá trình này kể ra thì có vẻ phức tạp và tốn thời gian. Nhưng bộ não của đứa trẻ có khả năng làm được điều đó rất nhuần nhuyễn.

Vậy thì khi bắt đầu học một ngoại ngữ, người lớn cũng trải qua hai quá trình này. Nên việc luyện nghe để nhận ra các âm và phân biệt ranh giới giữa các từ là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng người lớn thì có khả năng học chủ động, nghĩa là chúng ta có thể không cần học như đứa trẻ mà có thể học từ vựng (từ đó phát âm như thế nào và mang nghĩa gì…).

Do đó, bước đầu tiên là luyện nghe và học từ vựng.

Luyện nghe thì nên nghe những tài liệu có lời thoại. Nghĩa là học từ những tài liệu có bản ghi âm và lời thoại ghi sẵn. Bằng việc vừa nghe vừa nhìn lời thoại, chúng ta sẽ phân tách âm thanh thành những từ và ghi nhớ dễ dàng hơn (chưa kể chúng ta có thể đọc và luyện viết khi nhớ mặt chữ).

Trong giai đoạn này, không nhất thiết phải hiểu người ta đang nói gì. Chỉ cần nghe để làm quen với âm thanh, từ này ghi như vậy thì đọc làm sao, cách ngắt nghỉ, phân tách các từ, các câu, ngữ điệu lên xuống, tông giọng như thế nào. Quá trình nghe này tạm gọi là nghe bị động, có thể nghe khi đang làm việc, trên tàu xe hoặc trong khi ngủ. Lâu lâu bất chợt ta nghe được đoạn âm thanh nào đó mà nhận ra đoạn đó là một từ hay vài từ trong đó là được (không hiểu nghĩa cũng không sao).

Khi nhận diện được âm thanh của từ rồi thì để tăng hiệu quả, ta có thể luyện âm và học từ vựng và ngữ pháp trong quá trình nghe bị động này.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

TIẾNG ANH NGHE CHỦ ĐỘNG: 

https://bit.ly/nghetienganhchudong

TIẾNG ANH NGHE THỤ ĐỘNG: 

http://bit.ly/tienganhthudong


LUYỆN  ÂM


Như đã nói, nghe là chìa khóa bước vào cánh cửa ngôn ngữ. Việc luyện âm cũng cần đi từ việc luyện nghe.

Nói đến luyện âm thì nhiều người nghĩ phải biết đặt lưỡi ở đâu, khẩu hình miệng như thế nào, thanh quảng rung ra sao… Nhưng tất cả những thứ đó đều là lý thuyết cần thực hành rất nhiều.

Bạn có cần chỉ cho đứa trẻ những quy tắc khẩu hình để phát âm không. Hay bạn chỉ lặp lại từ để trẻ bắt chước phát âm theo. Do đó, đầu tiên vẫn là nghe nhiều.

Mỗi ngôn ngữ có những hệ thống bảng âm khác nhau và sự kết hợp những âm này tạo ra từ. Nên để nghe được từ thì phải nghe được những âm này. Nghe được thì mới bắt chước phát âm theo được. Những âm này được thể hiện trong bảng phiên âm quốc tết IPA.

Cần phải phân biệt chữ cái viết và âm (hệ thống phiên âm quốc tế IPA). Chữ viết chỉ biểu hiện ngôn ngữ viết, không hoàn toàn thể hiện âm thanh. Có những từ viết giống nhau nhưng phát âm khác, có những từ phát âm khác giống nhau nhưng chữ viết lại khác và số lượng chữ viết và âm cũng không bằng nhau.

Ví dụ từ "is" có 2 chữ cái và âm cũng có 2 âm  /ɪz/

"this" có 4 chữ cái nhưng có 3 âm /ðɪs/

"six" có 3 chữ cái nhưng có 4 âm /sɪks/

Như thế để phát âm được từ, ta dựa vào phiên âm của nó và nên học IPA của ngôn ngữ đó.

Trong Tiếng Anh có hơn 40 âm. Rất may là có những âm khá tương đồng với tiếng Việt nên cũng dễ nhận biết và phát âm. Còn lại những âm không tương đồng trong phát âm tiếng Việt thì chúng ta cần luyện nghe và tập phát âm những âm này. Đặc biệt có những âm khá giống nhau nên cần phải tập luyện nhiều để có thể phân biệt được. Từ đó sẽ nghe và nói tốt hơn.

Nếu đã nghe và thử nghiệm phát âm nhiều lần mà không được thì bạn có thể tham khảo những tài liệu hướng dẫn ngữ âm (khẩu hình phát âm). Nhưng vẫn cần nhớ, nghe nhiều để phân biệt sự khác nhau của các âm và luyện tập phát âm, thử nghiệm nhiều lần xem cách nào sẽ giúp mình phát âm gần giống âm bản ngữ nhất.

Và việc bạn chưa thể phát âm chuẩn như người bản ngữ cũng là điều hết sức bình thường. Đừng gò ép bản thân quá mức mà hãy chăm chỉ tập luyện và đánh giá đúng khả năng của bản thân.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

LUYỆN  ÂM: http://bit.ly/luyenam


HỌC TỪ VỰNG


Từ vựng và ngữ pháp là hai thứ cấu thành nên ngôn ngữ (các từ vựng được liên kết, sắp xếp thành câu và biến đổi theo nguyên tắc ngữ pháp). Cho nên, việc học từ vựng là bắt buộc và số lượng từ vừng bạn có cũng thể hiện trình độ ngoại ngữ của bạn.

Ta có thể lấy từ vựng trong bài nghe bị động để tra cứu và lập thành một danh sách từ vựng để học.

Từ vựng có thể chia làm ba loại: từ vựng học thuật, bài báo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành; từ vựng văn học; và từ vựng đời sống hàng ngày. Chúng có những từ chung nhưng cũng có những khác biệt nhất định. Tùy vào mục đích học ngôn ngữ của bạn mà chọn loại từ vựng nào và lấy nguồn học từ đâu. Hoặc có thể lấy từ vựng ở bất cứ nguồn nào bạn hứng thú, miễn là nó có phát âm của từ và có bối cảnh cụ thể.

Một từ có thể có nhiều nghĩa nên việc học từ trong bối cảnh cụ thể có thể giúp ta ghi nhớ chính xác hơn ý nghĩa và cảm xúc của từ đó. Trong một bối cảnh thì một từ chỉ mang một ý nghĩa nhất định nên không nhất thiết phải học thuộc hết tất cả nghĩa của một từ. Học từ trong bối cảnh nghĩa là nhớ được sự tương tác của từ đó với những từ cùng chung bối cảnh. Khi từ đó được đặt chung với những từ khác trong bối cảnh cụ thể này ta sẽ nhớ ngay đến nghĩa đang sử dụng của từ.

Ví dụ, “tôi có một cái bàn bạc” với “ tôi có một buổi bàn bạc”. Trong hai câu này, từ “bàn bạc” có hai nghĩa khác nhau và phải dựa vào những từ khác ta mới hiểu đúng nghĩa của nó trong từng trường hợp.

Do đó, học thuộc những câu ví dụ chứa từ mới muốn học sẽ giúp hiểu chính xác nghĩa của từ và ghi nhớ sâu.

Trong giai đoạn mới học này, việc đặt câu và tự dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngoại ngữ khác có thể giúp bạn ghi nhớ nhưng cũng có những rủi ro vì có thể bạn chưa biết sử dụng chính xác từ hoặc sẽ thiếu tự nhiên do bạn không chắc người bản ngữ có nói như thế không. 

Ví dụ, câu nói “Anh ấy đã từ bỏ hy vọng trở thành bác sĩ”, tiếng Anh có thể diễn đạt như sau: “He abandoned his hope of becoming a doctor”. Câu này nếu dịch sát từ vựng ra thì có nghĩa là “Anh ấy đã rời bỏ hy vọng của anh ấy của việc trở thành bác sĩ”. Bạn thấy sự khác biệt trong ngôn từ khi dùng diễn tả một ý nghĩa tương đồng không. Đó là lý do tôi thích dịch từng từ để biết cách diễn đạt của họ.

 Nếu ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì có rất nhiều lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt. Nhưng ta có biết chắc chắn người bản ngữ hay dùng cách nào chưa? Vậy nên hãy học từ những ví dụ thực tế của người bản ngữ để nói tự nhiên hơn.

Điều tiếp theo là hãy học với cảm xúc và mọi giác quan của bản thân, hạn chế dùng ngôn ngữ mẹ để để diễn đạt nghĩa của từ. Ngôn ngữ dùng để diễn tả mong muốn, cảm xúc của con người nên khi học từ vựng diễn tả những mong muốn, cảm xúc đó thì hãy tái hiện và ghi nhớ chúng cùng với nhau. Bạn học từ “chua” thì hãy nhớ đến vị giác chua là như thế nào, khi ăn chua thì cơ thể phản ứng ra sao để bạn phải tự nhiên thốt lên “chua quá”. Đến khi gặp trường hợp ăn chua, bạn sẽ thốt câu đó ra một cách tự nhiên đầy biểu cảm.

Bạn học từ “apple” thì bạn không nhất thiết phải học “apple” là “quả táo”. Bạn chỉ cần tưởng tượng ra một quả táo đỏ, tròn, căng bóng ra làm sao, vị ăn của táo đó như thế nào. Lần sau khi nghe ai nói “apple” hình ảnh quả táo liền hiện ra mà bạn không cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ.

Đó là đối với những từ tượng hình, tượng thanh, những từ có khái niệm cụ thể. Còn những từ trừu tượng, khó giải thích khác thì đành chấp nhận gán cho nó nghĩa tiếng mẹ đẻ. Nhưng hãy đặt nó trong bối cảnh cụ thể và luyện tập sử dụng thường xuyên để quá trình chuyển ngữ được nhanh chóng và sử dụng nó lưu loát hơn.

Đó cũng là những điều khiến tôi thấy việc học ngoại ngữ qua phim khá phù hợp. Nhân vật trong phim sử dụng từ ngữ thông dụng hàng ngày, lời thoại tự nhiên kèm biểu cảm khi nói… Nhưng đừng sa đà vào việc xem phim mà không tập trung học nhé! Chỉ cần xem từng phân cảnh và học cách diễn đạt, từ vựng cần, không nhất thiết phải xem hết phim đâu.

Và điều đặc biệt quan trọng trong việc học từ vựng là sự lặp lại ngắt quãng. Nghĩa là phải lặp đi lặp lại từ vựng nhiều lần (lặp lại) và lâu lâu lại ôn lại (ngắt quãng) thì sẽ ghi nhớ được lâu dài.

Bạn có thể viết một danh sách những từ mới, đọc từ trên xuống vài lần để ghi nhớ. Khi đọc, không phải đọc kiểu “apple” là “quả táo”... mà chỉ cần đọc tiếng Anh và trong đầu hình dung ra quả táo như tôi đã nói (nghĩa là hình dung ra ý nghĩa của từ cùng lúc với phát âm). Đối với những từ chưa nhớ thì lại viết sang một danh sách khác, đọc tiếp vài lần nữa cho đến khi nhớ. Vài ngày sau lại lấy ra đọc tiếp. Sự lặp lại này sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn và có thể gợi nhớ dễ hơn để sử dụng khi cần.


Bạn có thể tham khảo danh sách học từ vựng qua những video này:

3000 TỪ TIẾNG ANH THÔNG DỤNG: http://bit.ly/3000tutienganhthongdung


Một điều lưu ý là có những từ phải đi với những từ khác để tạo thành cụm từ có nghĩa. Đối với những cụm từ này, ta phải học thuộc lòng cả cụm và cách sử dụng nó. Những thành ngữ, động từ đi với giới từ… cũng có thể tạm xem là cụm từ.


Bạn có thể tham khảo danh sách học cụm từ và thành ngữ thông dụng qua những video này (cập nhật sau)


NGỮ PHÁP


Ngữ pháp có thể tạm xem là chất điều hòa các từ vựng với nhau: trật tự sắp xếp của từ, sự hài hòa của động từ với chủ ngữ (chia động từ)…

Nhưng đừng xem ngữ pháp là những công thức như toán học, phải học thuộc lòng quy tắc chỉ để làm bài kiểm tra trên giấy, thấy có từ này trong câu thì áp dụng quy tắc này, khi áp dụng quy tắc này thì thêm cái này bỏ cái kia, biến đổi vế câu, đẩy ra trước, kéo ra sau…

Trẻ em không cần học ngữ pháp vẫn nói chuyện rất tự nhiên, thuần thục. Bí quyết vẫn là học thuộc lòng câu.

Chẳng ai trước khi nói phải nghĩ xem mình dùng thì nào, chia động từ ra sao. Đợi rặn ra được một câu thì người nghe đã bỏ đi rồi. Và nhất là, một giây có thể nói ra đươc ba từ thì thời gian đâu mà kịp suy nghĩ người nói đang nói thì hiện tại hay quá khứ, thời gian đâu mà xử lý thông tin để bắt kịp nhịp nói của đối phương.

Do đó, ngữ pháp không phải cứ hiểu và thuộc lòng nguyên tắc và làm bài tập thuần thục là được. Ta cần học thuộc cả những câu nói và biết ngữ pháp của câu văn đó. Khi cần diễn tả ý đó thì nói nguyên câu đó ra, không cần suy nghĩ moi móc từ vựng ra, rồi lại áp dụng quy tắc ngữ pháp vào. Mọi thứ đều tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn, và đều chính xác. Bạn “cảm nhận” ngữ pháp, giống như một người nói tiếng Anh bản ngữ.

Đó cũng là lý do tôi khuyên nên học từ vựng theo tình huống, theo câu ví dụ, vừa học từ vựng, luyện nghe, nói, đọc và áp dụng cả ngữ pháp.

Và để biết được những câu đó sử dụng ngữ pháp gì thì tất nhiên ta phải học ngữ pháp. Nhưng ý tôi muốn nói là: không nhất thiết phải ngồi tụng ngữ pháp như tụng kinh. Chỉ đơn giản học để hiểu có cấu trúc ngữ pháp này và khi nhìn vào một câu, ta biết nó dùng ngữ pháp gì. Việc phân tích ngữ pháp trong những câu hay gặp cũng giúp ghi nhớ rồi. Còn nếu bạn thích ngồi làm bài tập ngữ pháp cũng được. Nhưng nếu làm xong và học thuộc nguyên câu đó và vận dụng nó trong đời sống thì sẽ giúp bạn sử dụng câu chuẩn ngữ pháp cách thuần thục hơn.

Vẫn quay lại vấn đề cũ là việc nghe, đọc nhiều.


Bạn có thể tham khảo video học ngữ pháp dưới đây:

http://bit.ly/nghenguphap


LUYỆN NÓI


Quá trình nói cần phải có ý nghĩ trong đầu, sau đó cần sự vận dụng các bộ phận tạo âm thanh của miệng, thanh quảng để phát ra câu nói. Nếu trong một cuộc hội thoại thì bạn cần nghe hiểu đối phương trước, sau đó mới phát sinh ý tưởng và nói ra.

Như thế, muốn nói được bạn cần phải nghe hiểu trước. Sau đó phải phát âm đúng. Hai điều này, chúng ta đã có thời gian luyện tập trước đó rồi.

Trong quá trình luyện nghe, có phải bạn đã được học cách người bản ngữ nói chuyện như thế nào rồi phải không. Giờ bạn chỉ việc học nói lại theo họ thôi. Nếu bạn luyện nghe đủ nhiều thì việc ghi nhớ cũng dễ dàng bởi vì âm thanh đó đã được não lưu trữ. Chỉ cần nghe vài từ là bạn biết đoạn tiếp theo là gì. Như kiểu bạn xem phim và bị ám ảnh bởi những câu nói của nhân vật.

Nhưng một điều quan trọng cần biết là khu vực lưu trữ dữ liệu nghe và nói hoàn toàn khác nhau. Nên việc bạn nghe được không quyết định bạn sẽ nói được. Cũng may là những điều bạn nói không rộng bằng những điều bạn nghe. Bởi bạn chỉ nói những điều của bản thân và những thứ bạn quan tâm. Khi nói về gia đình, công việc thì bạn chỉ nói về gia đình của bạn, công việc của bạn, vốn từ, cấu trúc chỉ có thể. Nói cách đơn giản, có những câu nói bạn sẽ nói đi nói lại một cách thuộc lòng để diễn tả bản thân về một vấn đề nào đó. Nhưng khi nghe thì bạn lại phải nghe biết bao nhiêu cuộc đời kể về họ, nên vốn nghe phải nhiều hơn.

Còn đối với những vấn đề bạn không quan tâm, không tìm hiểu thì chắc chắn bạn sẽ không có gì để nói, cả trong tiếng mẹ đẻ cũng vậy, thậm chí bạn còn chẳng muốn nói đến.

Như thế đừng áp lực vì phải học nói về tất cả mọi thứ trên đời.

Theo dẫn chứng đó, chúng ta cần phải cá nhân hóa từ vựng khi học để nói. Nghĩa là khi học thì biết từ này mình hay dùng khi nào, câu nào bản thân sẽ dùng khi nói và luyện nói đi luyện nói lại câu đó. Để khi muốn diễn đạt ý đó, ta đã có sẵn câu cửa miệng để nói. Nhưng như đã nói là hạn chế tự dịch từ tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần học những cách nói của người bản xứ.

Một phương pháp khá hiệu quả là nghe người bản ngữ nói và nhại lại. Nghe nhiều nguồn tài liệu, luyện nghe thật nhiều, bạn sẽ biết người bản ngữ nói như thế nào.

Và một điều quan trọng nhất là hãy tự tin nói. Bạn phải chấp nhận trở thành một người ngây thơ như một đứa bé, có khi bị xem là ngớ ngẩn để dám nói ngoại ngữ bất chấp. Đây mới thật sự là năng khiếu của những người giỏi ngoại ngữ, họ nói mà không sợ sai, chứ không phải họ có năng khiếu học ngoại ngữ như nhiều người thường nghĩ.

Nhưng bạn hãy để ý mà xem, những người ngoại quốc họ rất vui khi có người học ngôn ngữ của họ. Và những sai lầm của bạn chỉ là sự ngớ ngẩn dễ thương làm họ thích thú, chứ không hề có sự phán xét, chê trách nào ở đây. Bởi vì người Việt hay khen chê, đánh giá những người muốn học ngoại ngữ nên mới tạo ra rào cản khiến chúng ta sợ nói, sợ sai sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Cho nên nếu có điều kiện hãy luyện nói thật nhiều với những người mà bạn tin tưởng, nếu có người yêu ngoại quốc càng tốt, bạn sẽ luyên thuyên cả ngày và trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ cải thiện đáng kể.

Nhưng nếu không được thế thì luyện tập một mình cũng không phải là không có hiệu quả. Bạn có thể nói chuyện một mình, nói ra những suy nghĩ của bản thân và nhất là tập chuyển sang suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Bạn đã luyện suy nghĩ bằng ngoại ngữ thì việc nói ra cũng sẽ dễ dàng hơn.


LUYỆN ĐỌC


Đọc là kỹ năng giải mã mặt chữ. Đọc chủ yếu là kỹ năng của mắt và nó phụ thuộc vào việc ghi nhớ hình ảnh. Những con chữ trên giấy như những hình ảnh đối chiếu với kho dữ liệu từ vựng của bạn để giải mã ý nghĩa của nó. Đọc to chỉ là việc kết hợp giữa việc đọc bằng mắt và phát âm ra. Cho nên mình sẽ tập trung nói về việc đọc bằng mắt.

Trong quá trình luyện nghe như đã nói, chúng ta đã vừa nghe vừa nhìn lời thoại, như thế chúng ta cũng đã luyện được kỹ năng đọc. Việc đọc nhiều, nhìn đi nhìn lại mặt chữ cũng giúp ghi nhớ từ vựng tốt hơn, nhất là đặt từ vựng đó trong văn cảnh bài đọc cụ thể.

Các bạn có thấy trẻ em học nghe nói 6 năm trời, sau đó khi lên lớp một mới bắt đầu học đọc không? Nhưng người lớn chúng ta không cần như trẻ em bởi chúng ta đã có khả năng đọc rồi. Ở đây tôi chỉ một lần nữa phải nhắc lại, phải bắt đầu bằng việc vừa nghe vừa đọc thật nhiều. Và việc đọc cũng bắt đầu từ từng từ, cụm từ, rồi mới đến câu đơn, câu ghép, rồi đoạn văn, bài văn… Việc luyện đọc cũng cần nhiều thời gian không kém. 

Đọc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng luyện tập đọc nhiều hay không. Nhiều người lớn vẫn đọc chữ bản ngữ chậm do không có thói quen đọc. Vậy nên chẳng có bí quyết đọc nào cả ngoài việc đọc nhiều. Khi bạn đọc đủ nhiều thì bạn cũng sẽ có kỹ năng đọc lướt, đọc quét… như mọi người hay cho đó là kỹ năng đọc.

Nên nhớ đọc ở đây là việc đọc văn bản bằng ngoại ngữ mà hiểu được chứ không phải nhìn chữ rồi dịch sang tiếng mẹ đẻ. Nên việc dịch khi đọc sẽ không phải rèn luyện kỹ năng đọc.


LUYỆN VIẾT


Viết là kỹ năng cuối cùng và khó nhất. Viết ở đây không chỉ đơn giản là viết đúng chính tả từ hay viết được một câu, mà là viết một bài sao cho logic, cho hay. Giống việc bạn học tập làm văn, không phải ai nghe hiểu và nói, đọc được thì đều có thể viết văn hay. Viết cũng cần luyện tập. Bạn học tập làm văn và ngữ văn 12 năm trời, bạn thấy mình đã viết giỏi chưa?

Và việc luyện viết lại liên hệ mật thiết với việc đọc. Đọc càng nhiều viết càng hay. Đọc để biết nhiều cấu trúc, cách diễn đạt ý hay, đọc nhiều để có cảm nhận về ngôn ngữ viết. Cho nên học đọc đủ nhiều sẽ cải thiện được kỹ năng viết.


Tóm lại là cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được rèn luyện song hành và bổ trợ cho nhau. Và bí quyết học tốt ngôn ngữ đó là vừa nghe vừa đọc và luyện tập thật nhiều.

Chúc các bạn học tốt!



Bài học từ sách “ĐỌC VỊ BẤT CỨ AI” (phần 1)

 



LIỆU ĐỐI PHƯƠNG CÓ ĐANG CHE GIẤU ĐIỀU GÌ?


Thủ thuật 1: Đọc tâm trí, xem người đó có thoải mái khi nghe vấn đề đó không?

– Hỏi bâng quơ người đó có biết sự việc đó không


– Nói suy nghĩ của mình về vấn đề đó cho người đó nghe


– Nói với họ người quen của mình đang gặp vấn đề đó để xem lời khuyên của họ


Thủ thuật 2: Gọi bác sĩ Bombay

Một người sẽ có mức độ quan tâm như nhau tới điều mà họ không biết trước nhưng dồn sự chú ý vào điều họ biết hoặc đang che giấu. Sau đó vờ qua điều khác.


– Cung cấp cho đối tượng những lựa chọn tương đương nhau. Nếu sự chú ý của người ta hướng về một phía, việc anh ta có điều che giấu liên quan đến chuyện đó là hoàn toàn có thể.


– Nếu với người đó toàn bộ dữ kiện mình có nhưng thay đổi một vài điểm quan trọng. Nếu hắn làm thì hắn sẽ biết toàn bộ chuyện nên sẽ tập trung vào dữ kiện sai.


Thủ thuận 3: Bạn đang nghĩ gì?

Thông báo cho người đó về sự việc đó. Người bị nghi ngờ nhầm sẽ dễ dàng nổi giận vì cho rằng mình bị xúc phạm, còn người mắc lỗi sẽ mặc định cho mình trạng thái phòng ngự và tìm cách thuyết phục mình không làm.


Thủ thuật 4: Lảng tránh hoặc biểu lộ

Nói với họ người làm việc này hay có thái độ/thói quen này. Nếu không làm, họ sẽ bác bỏ ý kiến này. Nếu làm, họ sẽ lẳng lặng không làm thái độ/ thói quen đó, dù trước đó họ có làm thái độ/ thói quen đó.


Thủ thuật 5: Đề phòng sẽ gây ra hành động dại dột

– Thông báo với người tình nghi và người cộng sự (được cài vào) rằng 1 trong 2 người là thử phạm. Gắn 1 đặc điểm vào thủ phạm. Nếu người tình nghi quan tâm, để ý người cộng sự thì vô tội. Nếu họ không để ý vì họ là người làm nên có đặc điểm đó thì là thủ phạm.


– Đối với một nhóm người thì thông báo: người phạm lỗi bị phạt, người khác được thưởng. Nếu người nào hào hứng tham gia và hỏi thưởng cái gì… thì họ vô tội. Người phạm lỗi sẽ khép nép, im lặng từ đầu đến cuối.


Thủ thuật 6: Bạn sẽ làm chuyện đó thế nào?

Khi biết được cách thức phạm tội và đó là cách làm duy nhất, dễ dàng nhất, ta hỏi họ: nếu bạn là tội phạm, bạn sẽ làm thế nào? Nếu họ trả lời thẳng thắn cách làm đúng thì họ vô tội. Bằng không, họ sẽ trả lời lòng vòng, sai cách.

NHỮNG ĐIỀU TRƯỚC KHI HỌC NGOẠI NGỮ NÊN BIẾT - phần 1 - ĐỘNG LỰC HỌC NGOẠI NGỮ

 


Trải qua thời gian tiếp xúc và học tiếng Anh, Pháp, Đức, Thái và những người bạn học tiếng Hàn, Trung, Nhật… (chỉ tiếp xúc và học chứ mình chưa dám nhận là giỏi nhé) tôi nhận ra vài điều giống nhau giữa các ngôn ngữ và hình thành quá trình học một ngoại ngữ mới cho bản thân.

Điều đầu tiên khi làm bất cứ điều gì, không chỉ riêng việc học ngoại ngữ bạn cần phải làm đó chính là xác định động lực, tại sao bạn muốn học ngoại ngữ đó. Và việc xác định mục tiêu này cần cụ thể và xuất phát từ mong muốn nội lực bên trong của bản thân. Điều gì khiến bạn không học ngoại ngữ là không thể sống tốt được.

Với một đứa trẻ, đứa nào cũng phải biết nói để giao tiếp, thể hiện mong muốn với người lớn. Có bao giờ bạn thấy một đứa trẻ bực bội, nằng nặc đòi bạn làm cái gì cho nó mà vì không thể nói cho bạn hiểu để đáp ứng nhu cầu của nó chưa. Nó cũng ức chế và đó sẽ là động lực để nó phải tập nói. Khi bạn tập nói cho nó thì có phải bạn dùng cách “gọi ba đi” rồi bạn mới cho nó bánh hay làm gì cho nó không? Đó là lúc bạn thúc đẩy nó phải học nói.

Ta lại nói do trẻ em có môi trường nên nó học được. Nhưng bạn có thấy những người dù ở nước nói tiếng Anh nhưng họ lại dùng tiếng bồi hoặc không nói được tiếng Anh không? Là bởi vì họ sống cùng người Việt hoặc chỉ cần biết vài từ thông dụng hay dùng trong đời sống để mua bán với người nước ngoài là đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ nên họ không có động lực học.

Bạn đã bao giờ có mục đích học tiếng Anh để có cơ hội đi nước ngoài, để thay đổi công việc tốt hơn, thậm chí có những người được hứa hẹn vị trí nếu cải thiện được trình độ tiếng Anh. Ấy thế mà bạn hừng hực nhiệt huyết được mấy ngày rồi lại thấy nản. Đó có phải là bởi vì nếu không có tiếng Anh, không có công việc mới tốt hơn, sống ở Việt Nam thì cuộc sống bạn vẫn ổn. Như thế bạn sẽ thấy khó khăn của việc học tiếng Anh nặng nhọc hơn công việc hay hoàn cảnh sống của bạn hiện tại. Từ đó bạn cũng không còn động lực học nữa.

Vậy thì muốn có động lực bên trong và duy trì được động lực đó, bạn phải nghĩ rằng nếu mình không biết tiếng Anh thì mình không thể sống tốt lên được. Ở đây mình chỉ nói thế để chúng ta có động lực thôi. Chứ thật ra không có tiếng Anh thì cuộc sống của bạn vẫn ổn, tùy mục tiêu cuộc sống của bạn là gì.

Như kiểu của vài giáo viên dạy Tiếng Anh, họ bắt buộc phải trau dồi trở thành những người giỏi Tiếng Anh thì họ mới có thể sống bằng nghề đó. Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp chờ đợi bạn và cuộc đời bạn sẽ thay đổi như thế nào khi học có Tiếng Anh. Đừng vì tạm chấp nhận cuộc sống hiện tại mà bỏ đi mục tiêu trau dồi tiếng Anh hàng ngày. Cực nhọc bây giờ nhưng đổi lại tương lai tươi sáng dài hạn còn hơn là cứ sống nhàn nhàn như vầy đúng không?

Cũng có những người mục đích của họ đơn giản là có thể xem phim tiếng Anh mà không cần phụ đề. Và nếu mệt mỏi khi học tiếng Anh mà học nghĩ thời nay đầy trang web có phụ đề và họ vẫn thoải mái xem như thế thì chắc họ cũng sẽ không tiếp tục học. Nếu có nghĩ thế thì nên ngưng xem phim phụ đề cho đến khi chịu học tiếng Anh.

Có những người muốn nghe nhạc hoặc đu theo idol nào đó thì cũng nên lấy đó là động lực. Thay vì theo dõi những bài báo, bài phỏng vấn, video về idol đó bằng tiếng Việt thì hãy chuyển sang xem tiếng Anh. Không hiểu thì phải học để hiểu. Lấy idol làm động lực. Hãy thúc bản thân, biến những đam mê, sở thích đó thì mục tiêu giúp ích cho bản thân.

Nhưng trên hết, hãy nhớ “đường xa mới biết ngựa hay” cũng không nên ép bản thân quá để thấy áp lực mà nên biết sức học và hoàn cảnh của bản thân để có lộ trình học phù hợp.

Khi xác định rõ động lực bên trong rồi thì bắt đầu tiếp cận ngôn ngữ đó. Những bước tiếp theo như thế nào mình sẽ chia sẻ trong những bài sau nhé. Chúc mọi người tận hưởng quá trình trau dồi ngoại ngữ.


VUI NHANH HAY GIÁO DỤC LÂU DÀI

 


Chiếc xe 52 chỗ chở 18 người chúng tôi đến một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Vĩnh Long. Để đến với ngôi trường tiểu học Tân Mỹ B, thầy cô phải đón chúng tôi bằng những chiếc xe máy để vượt qua con đường dài hơn 3km, nhỏ hẹp, lọt tỏm giữa khoảng trống mênh mông của những ruộng lúa xanh ngát.


Phải về những vùng quê như thế này tôi mới được sống lại cảm giác yêu quý, kính trọng thầy cô của những đứa trẻ làng. Chỉ cần thấy thầy cô chạy xe ngang qua, chúng nó liền đứng nghiêm chào hỏi lễ phép. Thế mới thấy nghề giáo cao quý thế nào. Mê chi cái hào nhoáng tiện nghi của đô hội mà cố sức bám trụ, chạy chọt để dạy ở thành phố, cứ về quê, tuy nghèo nhưng cái tình người, tình nghề vẫn mãi tươi xanh.


Đến trường, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây là ngôi trường đa số là học sinh dân tộc Khơ-me. Nơi đây giáo dục cũng được quan tâm nhưng do đời sống người dân nghèo khó, cơm không đủ no, nhà không đủ ấm thì ai mà quan tâm con cái học hành ra sao. Nhìn những đứa nhỏ vui tươi cười đùa trong cái thiếu thốn đó mà cảm thấy chạnh lòng.


Sau khi phân chia các phần quà cho các bé, chúng tôi ra sân để bơm bong bóng và phát cho những bạn nhỏ. Đối với những đứa bé vùng phát triển, có lẽ chúng nó sẽ chẳng màng đến việc xin xỏ mấy cái bong bóng nhàm chán. Nhưng đối với bọn trẻ ở đây, chúng thật sự thích thú đến nỗi chen lấn nhau để lấy. Tiếng nài nỉ “con nữa thầy” ” cho con đi chú” khiến tôi ước mình có thể phân thân để đáp ứng nhu cầu của tụi nó.


Biết rằng đến đây để làm một cái trung thu vui vẻ cho các bé. Nhưng mong muốn của tôi lại cao hơn. Tôi muốn tạo ra một kỷ niệm thay đổi cách ứng xử của tụi nhỏ. Tôi buồn khi những đứa bé đã có bong bóng chơi rồi nhưng vẫn chen lấn xin thêm, mặc cho những người bạn của mình vẫn đứng đó chờ đợi được chạm tay vào quả bong bóng. Tôi hy vọng tinh thần sẻ chia, biết đủ thường vui sẽ được ươm mầm cho những thế hệ mới này. Nhưng đáng buồn hơn là cả những phụ huynh cũng đứng ra bảo chúng tôi cho con họ trước. Ngay cả họ cũng như thế thì ai là người truyền thụ cho chúng cái đạo lý quan tâm người khác kia.


Dù đã cố nở nụ cười trên môi để trông thân thiện nhưng cái cảm xúc bất đồng với hành động của những người xung quanh khiến tôi trông giận dữ. Tôi không muốn bọn trẻ cứ lộn xộn, chen lấn nhau như thế, chúng phải học cách xếp hàng và tuân thủ quy định . Thật không ngờ, chỉ sau khi tôi băt tụi nó xếp hàng thì một hàng dọc đã hình thành. Chúng nó ngoan dễ sợ. Nhân đây cũng xin lỗi tụi con vì đã quá khắt khe và chưa thân thiện với tụi con làm cho buổi trung thu chưa thật sự hoàn hảo. Và cũng xin lỗi câu lạc bộ, có lẽ mình đã làm méo mó hình ảnh của người làm tình nguyện. Nhưng dù chỉ là khoảng cách, bản thân vẫn muốn tạo ra những bài học lâu dài. Có thể bây giờ tụi nhỏ chưa hiểu tại sao phải xếp hàng, nhưng rồi khi lớn lên, chúng nó phải sống theo những quy định thì hy vọng chúng nó sẽ nhớ đến kỷ niệm ngày hôm nay.


Chính vì thấy tôi hơn căng với bọn trẻ nên một chị trong đoàn đến để làm không khí dịu xuống. Và đến tối, tôi và chị đã có giờ tâm sự với nhau. Tôi tâm sự những dự định tình nguyện tương lai của mình và chị chia sẻ rất nhiều chuyện. Điều đọng lại cho tôi khiến tôi phải ghi nhớ đó là: dù tâm trạng của mình như thế nào, hoàn cảnh của mình như thế nào, mình cũng phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của mình (học hành, đi làm, bổn phận với gia đình, người thân…) và dù mong muốn giúp đỡ người khác là tốt nhưng phải đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và nhu cầu của những người trong gia đình.


Tôi thấy mình thật nhỏ bé và khả năng hạn hẹp, làm sao tôi có thể sống với lý tưởng quá xa vời như vậy. Ngài đòi hỏi con nhiều quá hay chính con đang ảo tưởng về bản thân mình???


Tình Nguyện trung thu tại trường tiểu học Tân Mỹ B, Trà Môn, Vĩnh Long, ngày 10-11/9/2016

SỐNG TRỌN VẸN CUỘN ĐỜI CỦA MÌNH

 


Sống cuộc đời của mình để người khác được sống cuộc đời của họ.
Con người sống trong cộng đồng và có sự ràng buộc, ảnh hưởng nhất định với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mình phải hy sinh cuộc đời của mình cho người khác hay phải quản việc của họ nếu điều đó không xuất phát từ mong muốn tốt lành của bản thân. Bởi khi đó, sự hy sinh này sẽ kèm với điều kiện người kia phải thế này thế kia. Chính vì điều đó lại khiến cho người khác không thể tự do sống cuộc đời của họ.
Đôi khi người ta dùng danh nghĩa vì yêu thương, quan tâm nên mới lo lắng, muốn người khác phải sống thế này thế kia. Đúng là ở phương diện của bản thân thì sống như thế là tốt thật, nhưng đối với người khác, điều đó chưa chắc đã tốt và phù hợp với mong muốn của họ.
Có bao giờ ta nhìn nhận lại điều ẩn chứa bên trong "vỏ bọc vì yêu thương đó" là vấn đề gì nơi bản thân không? Vì muốn tốt cho sức khoẻ của người yêu nên hay cằn nhằn, bắt họ bỏ hút thuốc. Điều đó xuất phát vì tình yêu hay vì lý do nào khác nơi bản thân mình (vì mình không thể chịu nổi mùi thuốc...). Nếu vì tình yêu thì có lẽ người đó sẽ tìm hiểu vì sao người yêu hút thuốc, vì áp lực công việc, vì thói quen... Từ đó mà giải quyết vấn đề bên trong đó của người yêu, khiến họ có mong muốn bỏ thuốc: chia sẻ áp lực, từ từ cùng họ vượt qua thói quen hút thuốc... Cằn nhằn, ép buộc có khiến họ tình nguyện bỏ thuốc không hay chỉ khiến cuộc sống của mình và người đó thêm nặng nề. Nếu đã cho họ đủ tình yêu mà họ vẫn không thay đổi thì bản thân mình, một là chấp nhận, hai là ra đi. Ra đi hay chấp nhận bên họ đều là hành động sống vì cuộc đời của mình chứ không phải vì hy sinh, chịu đựng vì họ. Đến bản thân họ còn không muốn cuộc đời của họ tốt hơn thì sự hy sinh của mình có giúp họ sống tốt hơn không?
Mặt khác, khi đã quá yêu thương, bao bọc người khác thì có phải mình đã tước đi quyền va vấp, trải nghiệm và trưởng thành của họ. Rồi một ngày không còn ta, họ sẽ sống thế nào?
Cho nên, tôi tin chắc rằng nếu bản thân tập trung sống tốt cuộc đời của mình thì mọi người xung quanh đều có thể sống cuộc đời của họ.

BÀI HỌC CẢM NHẬN QUA PHIM BỐ GIÀ

 


Một câu nói được nhắc lại rất nhiều từ Quắn: “mỗi người một cuộc sống, bớt sống giùm người khác”. Câu nói này cũng được Dì Cẩm Lệ nói với bố già. Và tôi nghĩ, ngoài đề cao tình cảm gia đình thì đó cũng chính là thông điệp mà bộ phim muốn nhắn gửi.

 

Quắn nhắc câu nói đó nhiều lần, có lẽ Quắn đang sống theo phương châm đó. Nhưng theo tôi, Quắn cũng chưa sống đúng tinh thần này khi mong muốn, thúc ép bố già sống theo cách của Quắn. Những gì mình thấy tốt với bản thân mình, chưa chắc đã tốt với người khác. Cuộc sống của mỗi người, nếu họ đủ khả năng quản lý cuộc đời họ thì để họ sống của đời của họ.

 

Người mà tôi thấy, dù không thể hiện nhiều nhưng sống đúng tinh thần đó, chính là Dì Cẩm Lệ và bé Bù Tọt. Cẩm Lệ cũng là nhân vật tôi thích nhất bộ phim và là nhân vật duy nhất có mảng hài mà khiến tôi cười.

 

Cẩm Lệ thương bố già nhưng không đòi buộc bố già phải lấy mình, chỉ quan tâm, chăm sóc vì điều đó xuất phát từ tình yêu và cảm thấy vui với việc đó. Cẩm Lệ không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của bố già, nhiều lúc muốn mắng chửi những người làm tổn thương bố già nhưng lại thôi, vì không có danh phận. Khi khuyên bảo Quắn xin lỗi cha mình sau cuộc cãi vã trong bữa tiệc tân gia, Cẩm Lệ cũng nói rõ là cho phép Dì nhiều chuyện, chứ không lấy danh nghĩa người lớn mà phán xét Quắn là người sai và phải làm thế này thế kia. Khi hai cha con cãi nhau vì cả hai im lặng mà bán nhà thì Cẩm Lệ vẫn trung lập, không ở tư cách người yêu Bố già để bảo vệ bố già mà la mắng Quắn, cũng không lấy tư cách một người hiểu Quắn mà trách móc bố già. Cẩm Lệ chỉ phân định tình huống đó nên giải quyết làm sao. Chính câu nói “mày lo hàng của mày đi, hàng của tao để tao lo” thể hiện rõ cách giải quyết của Diễm Lệ. Rồi khi Bố già tỏ tình, Cẩm Lệ thể hiện rất tinh tế sự vui sướng, hạnh phúc có chút bẽn lẽn, đáng yêu của mình, không cần che đậy, làm giá. Và còn rất nhiều tình tiết thể hiện Cẩm Lệ đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình và cho phép người khác sống cuộc đời của họ.

 

Bé Bù Tọt cũng sống rất tốt cuộc đời của mình, không cần phân định đâu là ba mình, đâu là ông nội. Chỉ biết một điều mình dành tình cảm cho ai nhiều và mong muốn của bản thân là gì. Nếu mãi trách cứ tại sao ông ngoại che giấu thân phận, tại sao ba không thương con thì có phải cuộc đời Bù Tọt sẽ tồi tệ và cuộc sống của những người khác cũng khó thở sao? Yêu thương là yêu thương, không phải vì người đó là ông nội hay cha đẻ. Người lớn thường bị những trách nhiệm, danh xưng của mối quan hệ mà lãng quên yêu thương mới là gốc rễ.

 

Cũng theo đó mà cách thể hiện yêu thương giữa những thành viên trong gia đình mới có vấn đề. Đầu tiên là yêu thương qua sự quát mắng, khó chịu. Nó thể hiện rất rõ trong gia đình bố già, trong dòng họ nhà bố già, thậm chí nó còn thể hiện qua phân cảnh gia đình bạn của Bù Tọt đùn đẩy nhau nghe điện thoại, lớn tiếng với con vì cuộc điện thoại của nó. Điều này chắc chắn cũng tồn tại trong rất nhiều gia đình.

 

Bố già yêu con nhưng hay càm ràm, tự quyết định cuộc sống của Quắn theo cách ông cho là tốt. Và chính Quắn sống trong hoàn cảnh như thế nên cách thể hiện tình yêu với cha mình cũng được xem là học hỏi từ cha: hay càm ràm cha và tự quyết định cha mình phải sống thế nào mới tốt cho cha. Và cả dòng họ bố già đều như thế: sự yêu thương được bao bọc bởi sự quát mắng, khó chịu nhau dù vô tình hay cố ý. Chung quy lại thì người bị tổn thương thì lại làm người khác tổn thương y như vậy. Chính vì yêu thương bị kìm nép mà không biết cách diễn đạt mới phát sinh đòi hỏi thấu hiểu. Câu quát của bố già: “Đù má, tao thương mày” thể hiện rất rõ những yêu thương kìm nén đó. Nếu yêu ai đó mà họ không cảm nhận được thì hãy thay đổi cách yêu, chứ không nên ngừng yêu.

 

Tiếp theo là sự hy sinh: yêu thương thì phải hy sinh. Bố già vì yêu Quắn mà che giấu, nhận con của Quắn là con của mình và làm cha thay cho Quắn. Và khi mọi chuyện được phơi bày thì nhận lại sự trách móc của Quắn. Vấn đề đặt ra là cho Quắn biết sự thật khi cậu mới chia tay người yêu và chán đời đến mức muốn tự tử hay để sự thật bị phơi bày khi cậu đang trên đỉnh của sự nghiệp với bao sự tự hào, sung sướng. Đau khổ, bẽ bàng thì trường hợp nào cũng có và chẳng thể nào so sánh cái nào tốt hơn, hay cái nào bớt đau khổ hơn. Vẫn phải chọn lựa và chấp nhận, và phải hiểu rằng mỗi hoàn cảnh đều có bài học riêng của nó. Giờ chỉ xét việc bố già làm cha hộ Quắn khiến Quắn không biết cách làm cha. Làm sao đòi buộc Quắn phải làm một người cha tốt khi mới biết được sự thật. Chẳng phải bài học của mỗi người thì phải để họ tự trải nghiệm và học lấy, chứ không thể học giùm người khác được. Dù có chỉ họ thế này thế kia thì họ cũng chỉ hiểu và biết thế, phải tự họ trải thì mới nghiệm ra. Cho nên theo tôi, sự hy sinh nào cũng đáng được trân quý. Nhưng yêu thương không nhất thiết phải hy sinh cái mình có để cho người khác chỉ vì mình nghĩ nó tốt cho họ, mà là cho họ cái họ cần với sự tự nguyện, yêu thương của bản thân.

 

Tôi sẽ dùng câu này để phân tích việc cho thận để cứu bố già. Xin thận từ những người trong dòng họ thì họ cho hay không thì đó là sự tự nguyện của họ chứ chẳng ai có thể phán xét “không cho là ích kỷ, không có tình thương”. Người trong dòng họ thì cũng có cấp độ của sự yêu thương. Không thể lấy thận của con mà cho em trai vì con thì quan trọng hơn em, không thể bỏ rơi vợ để cứu anh trai vì vợ quan trọng hơn anh trai...

 

Với tư cách người con, Quắn từ bỏ cái tôi và sự hiềm khích từ trước tới giờ để quỳ gối xin họ hàng cho thận đã rất đáng được trân trọng rồi. Quắn đã làm tất cả những gì có thể để cứu cha mình. Hành động đó của Quắn không mang lại thận cho bố già nhưng nếu bố già biết sự hy sinh đó của Quắn thì nó mới là điều bố già cần, rằng ông biết rằng con trai ông yêu ông giường nào, chứ không nhất thiết con mình phải hy sinh tính mạng vì mình.

 

Không nhất thiết Quắn phải cố chấp bắt cha mình nhận thận của mình. Vì điều đó gây ra xung đột và khó chịu cho hai cha con. Ai cũng muốn ở cương vị của người hy sinh để thỏa sự yêu thương của mình. Nhưng điều đối phương cần vẫn là được yêu thương chứ không phải sự hy sinh của người khác để bản thân cảm thấy có lỗi. Yêu thương không đúng cách sẽ trở thành gánh nặng.

 

Bố già nói với Bù Tọt vô ngủ với Quắn và hãy yêu thương Quắn, đó cũng chính là điều ông muốn Quắn làm cho chính mình. Quắn chỉ cần yêu thương ông trong quãng thời gian còn lại, thế là đủ. Bởi trong tình huống của hai cha con, ai là người hy sinh thì cũng khiến người kia khó lòng thoải mái.

 

Nhưng để thỏa lòng Quắn, cuối cùng ông cũng chấp nhận thận của Quắn. Tưởng rằng Quắn hy sinh thận cho bố nhưng có khi bố già lại là người hy sinh, vì trường hợp cả 2 cha con bình an khá thấp, còn trường hợp một trong hai người chết hoặc cả hai đều chết thì cao hơn. Nếu hai trường hợp xấu xảy ra thì chẳng phải bố già vẫn là người phải chịu đựng đau khổ sao? Cha mẹ thì lúc nào chả hy sinh cho con cái.

 

Cuộc phẫu thuật chỉ là biến cố để hai người học được bài học của mình. Bài học về việc yêu thương cũng cần đúng cách để mỗi người đều hạnh phúc sống trọn vẹn cuộc đời của mình.

 

Nếu nhận xét ngắn gọn thì đối với tôi, đây là bộ phim đáng xem. Bộ phim đặt ra rất nhiều vấn đề trong đời sống và dù mọi người có nhận ra lời giải đáp hay không thì nó cũng đã tạo cảm xúc cho người xem suy ngẫm. Tôi không tham lam mà muốn chia sẻ hết những gì tôi cảm nhận từ bộ phim qua bài viết này, bởi bộ phim tải quá nhiều vấn đề và mỗi nhân vật và tình tiết đều đáng để phân tích. Hãy cảm nhận và yêu thương gia đình nhiều hơn.


TẶNG QUÀ


 

Món quà chứa đựng hai phần: vật chất và tinh thần. Tuỳ thuộc mục đích của người tặng muốn thể hiện điều gì mà quyết định hình thức của món quà. Món quà, tự bản chất nó không quyết định hoàn toàn rằng nó chứa bao nhiêu tình cảm, giá trị vật chất nặng bao nhiêu, mà tùy vào cảm nhận của mỗi người. Dù giá cả đã được xác định trên thị trường nhưng tùy vào kinh tế của người tặng và người được tặng mà món quà đó được xem là đắt tiền hay không. Còn về mặt tình cảm thì càng không thể đo đếm.

Tôi thì luôn đề cao mặt tinh thần và dấu ấn cá nhân nên tôi thích tự mình nghĩ ra những món quà đặc biệt. Dù là tự tay làm hay mua sẵn, tôi cũng sẽ thêm vào đó những điều khác biệt cho món quà. Người nhận sẽ thấy món quà đó dành riêng cho họ, tôi cho đó là nâng cao giá trị tinh thần, còn việc người nhận có cảm nhận như thế nào, tôi không kiểm soát được.

Đối với tôi, việc tặng quà trước hết phải thoả mãn được người tặng. Nghĩa là giúp đạt được mong muốn của người tặng. Vì muốn thể hiện tình cảm, vì muốn được lòng đối phương... Tôi thường tặng quà vì tôi thích, tôi muốn, chứ không phải vì dịp lễ là phải tặng quà; để được chú ý, yêu thương thì phải biếu tặng. Bởi mọi việc tôi làm đều phải xuất phát từ mong muốn của bản thân, không nhất thiết phải theo số đông. Và nhất là, khi kỳ vọng sẽ nhận được điều gì đáp trả từ quà mình tặng, việc suy nghĩ tặng gì, tặng như thế nào khiến tôi không thoải mái và liệu rằng sau khi tặng quà với tâm thế đó, tôi có đạt được điều mình muốn. Tôi thích dùng tình cảm đổi lấy cảm tình hơn.

Cũng may là tôi không có nhiều mối quan hệ xã hội, vì chạy theo cách sống xã giao thì đôi khi cũng cần phải giao thiệp theo cách mọi người mong muốn.

Cho nên, xin đừng dùng số lượng quà tặng hay lời chúc trong những dịp lễ để đong đếm giá trị bản thân hay tình cảm tôi dành cho bạn. Có khi việc ghi nhớ chúc mừng những ngày lễ đó là do tôi dụng tâm làm vui lòng bạn, mà có thế đi nữa, cũng bởi vì bạn có giá trị đối với tôi. Hãy dùng trái tim để cảm nhận.

Đó cũng là quan điểm của tôi khi ở cương vị người nhận. Quà tặng quan trọng ở tấm lòng. Biết ơn và trân trọng tất cả nhưng không nhất thiết phải có qua có lại nếu như không muốn.


SỢ HÃI ĐAU KHỔ, TỪ CHỐI YÊU THƯƠNG

 


Khi xây hàng rào để bảo vệ căn nhà khỏi kẻ trộm, người ta cũng cản trở những vị khách quý đến viếng thăm. Sợ bị lừa gạt, thất bại, mất mát nên bở lỡ luôn cơ hội.

Không muốn bị đau khổ, tổn thương là cơ chế phòng vệ tự nhiên của mỗi người, nhưng có bao giờ bạn nghĩ chính cơ chế phòng vệ đó cũng sẽ khiến bạn không cảm nhận được hạnh phúc, yêu thương?

Tôi chính là nạn nhân của cơ chế đó.

Tôi sợ hãi những lời phán xét tiêu cực của người khác. Điều đó khiến tôi đau nên tôi học cách phớt lờ chúng. Chính cách phớt lờ đó cũng xảy ra với những lời khen tặng dành cho tôi. Tôi không biết đáp lại lời khen đó như thế nào, tôi không thấy hãnh diện hay vui vẻ như bao người, thậm chí tôi còn cho đó là một lời châm chọc, không thật lòng.

Tôi sợi hãi tiệc tùng vì trong một đám đông, bản thân tôi nghi ngại sẽ trở thành chủ đề để người khác bàn tán. Tôi né tránh những buổi gặp đông người, tôi muốn được an toàn, tôi không muốn gặp những người khinh chê mình. Nhưng tôi dần mất đi niềm vui và cơ hội tiếp xúc với những người yêu thương, những kết nối hỗ trợ mình phát triển. Tôi không biết phải phản ứng như thế nào khi tiệc tùng, tôi co ro bảo vệ mình. Thậm chí những người thân yêu trong gia đình tổ chức một buổi sinh nhật bất ngờ cho tôi, tôi cũng không cảm xúc, không biết phải phản ứng “thế nào mới vui”.

Tôi sợ hãi yêu đương, tôi sợ bị lừa dối. Tôi che giấu rung động với những người tôi không chắc họ sẽ trân trọng tình cảm của mình. Tôi dặn lòng “không yêu, không đau khổ”. Tôi không còn biết rung động và trở nên nghi ngờ liệu tình yêu có thật sự tồn tại.

Và rất nhiều cơ chế “sợ hãi bảo vệ mình” khiến tôi đánh mất luôn những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đè nén sự nhạy cảm, bản năng cảm nhận cuộc sống để bớt đau khổ, tổn thương. Và rồi tôi cũng mất cảm xúc với những yêu thương tốt đẹp.

Để rồi giờ đây, tôi thấy mình nhạt nhẽo và cuộc sống vô vị. Tôi không muốn tiếp tục sống cuộc đời như vậy. Tôi học cách đón nhận đau khổ để biết cách đón nhận hạnh phúc. Tôi học cách chấp nhận mất mất để biết cách đón nhận những điều tốt lành. Tự tôi phải phá vỡ bức tường phòng thủ của mình để chào đón những trải nghiệm của kiếp người. Và rồi tôi nhận ra, đau khổ, mát mất hay những thứ mà tôi sợ hãi bấy lâu nay cũng đều có vẻ đẹp riêng của nó. Nó cho tôi bài học và cho tôi biết trân quý, tận hưởng hạnh phúc, yêu thương trọn vẹn hơn.

Do đó, hãy mở rộng con tim đón nhận tất cả những điều đến với cuộc đời mình, đừng sợ hãi bất cứ điều gì mà bỏ lỡ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.


LẬP KẾ HOẠCH NĂM MỚI


Chỉ với một dòng tin nhắn hỏi thăm “em dạo này sao rồi?”, đứa em chơi chung nhắn lại cho tôi một tràng: nào là tiếng Hàn của e chưa được tốt lắm, em sẽ cố gắng trau dồi, nào là em đang học thêm tiếng Anh buổi tối để thực hiện ước mơ làm tiếp viên hàng không. Đọc tin nhắn của em xong, tôi giật mình: chẳng lẽ mình luôn thúc ép mọi người phải luôn có kế hoạch cuộc sống, phải luôn cố gắng phấn đấu đến nỗi chỉ cần tôi hỏi tới là phải trả lời răm rắp như thế.

 

Đúng thật, trước đây tôi luôn mong muốn mọi người làm gì cũng phải có kế hoạch rõ ràng. Vì chính tôi cũng thế. Nào là kế hoạch học tập, kế hoạch phát triển sự nghiệp, thời gian biểu, tiến trình công việc… Nhưng phải thừa nhận một điều là đa số đều không theo đúng kế hoạch vì hoàn cảnh thay đổi, vì tôi không còn mong muốn và cũng có điều vì tôi không đủ quyết tâm và cảm thấy áp lực khi chạy theo kế hoạch.

 

Đến giờ thì không phải tôi không còn lập kế hoạch mà là tôi linh động hơn và không còn ép mình rập khuôn nữa. Trước khi làm gì, đầu tiên cần làm là trả lời những câu hỏi “tại sao?” Tại sao mình phải làm việc này? Tại sao thế này mà không phải thế kia? Càng trả lời rõ ràng và tận gốc câu hỏi đó thì tôi sẽ biết mình có làm hay không? Phải làm như thế nào và kế hoạch phác thảo ra sẽ phù hợp với tôi hơn. Và đó cũng là cách để xác định rõ mục đích hay động lực thực hiện.

 

Nhưng để đặt ra và trả lời những câu hỏi “vì sao” đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thường thì mọi người nếu không hiểu bản thân hoặc trả lời đại khái thì chỉ là mặt nổi của vấn đề. Bạn muốn lập kế hoạch tập gym và bạn bắt đầu với câu hỏi tại sao bạn muốn tập gym. Nhiều người sẽ trả lời để có sức khỏe tốt hoặc để đẹp hơn. Đó là câu trả lời chưa đi sâu vào vấn đề. Ta tiếp tục hỏi tại sao bạn muốn có sức khỏe tốt, tại sao bạn phải đẹp hơn? Tại sao muốn khỏe đẹp thì phải tập gym mà không thay vì những điều khác? Tại sao phải tập gym ở phòng tập mà không tự tập ở nhà? Liên tục đặt ra những câu hỏi tại sao thì bạn sẽ đến tận cùng vấn đề và ngộ ra nhiều điều để kế hoạch khi bạn lập ra sẽ phù hợp hơn. Và khi môi trường hay vì vấn đề gì đó phải thay đổi kế hoạch thì bạn cũng biết phải thay đổi như thế nào.

 

Sau đó, có rất nhiều công cụ để lập kế hoạch mà bạn có thể tìm thấy chỉ với một lần hỏi google nên tôi sẽ không đề cập. Nào là kế hoạch phải cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, liên quan đến mục đích, giới hạn về thời gian (SMART)... Mà thật ra chính tôi cũng chưa áp dụng hiệu quả nên không biết chia sẻ như thế nào. Không nhất thiết khi muốn lập kế hoạch hay làm gì đó thì phải làm đúng theo những điều chỉ dẫn khuôn mẫu mà bản thân mình không áp dụng được. Hãy để bản kế hoạch đó là của riêng bạn, có thể nó không giống ai, không hoàn hảo nhưng bạn thực hiện được và đạt kết quả mới là điều quan trọng. Kế hoạch lập ra để mình đạt được hiệu quả mong muốn. Nếu thấy nó không hiệu quả thì cũng đừng gò ép bản thân phải theo mà hãy thay đổi để nó phù hợp hơn.

 

Đừng vì cố theo một kế hoạch không phù hợp với mình để rồi nản chí mà bỏ luôn mục tiêu. Quan trọng vẫn là kiên trì theo đuổi mục tiêu và kiên nhẫn với chính mình.


BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

 


Nếu để ý thì bạn sẽ thấy trên cover trang fanpage của mình có đề dòng chữ “Hãy đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp với tinh thần cởi mở, chọn lọc”. Đó là điều mình muốn nói đầu tiên trên hành trình phát triển bản thân của mỗi người.

Chúng ta sinh ra và lớn lên trong cơ thể khác nhau về tâm sinh lý, những hoàn cảnh, môi trường, sự giáo dục, trải nghiệm cũng khác nhau nên mỗi người sẽ có những tính cách, quan điểm, nhận thức khác nhau. Những gì chúng ta có ở hiện tại là kết quả tích lũy của cả một quá trình phát triển. Nếu bản thân cứ khư khư ôm chặt những điều đó và cho rằng những điều đó luôn đúng đắn và thế là đủ cho hành trình phát triển của mình thì chúng ta mãi là con người của hiện tại, liệu có phát triển?

Nếu muốn bản thân hôm nay tốt hơn hôm qua thì bản thân phải mở lòng đón nhận những điều mới, tốt đẹp hơn, khác với những gì xưa cũ để nâng tầm bản thân. Do đó, bước đầu tiên là phải lắng nghe, học hỏi. Chỉ đơn giản là lắng nghe, nghe xem ý kiến, quan điểm của người khác như thế nào. Phải lắng nghe với tinh thần cởi mở, nghĩa là không phán xét đúng sai, không ở trong trạng thái phòng thủ, chống đối khi thấy ý kiến, quan điểm của người khác không giống mình, cũng không tán thưởng, nhiệt liệt hưởng ứng khi thấy họ đồng quan điểm với mình. Chỉ đơn giản là nghe để thấy rằng trên đời này cũng có người suy nghĩ khác hoặc giống mình. Rồi từ đó mới xem xét quan điểm đó tại sao khác mình, tại sao mình cũng có cùng quan điểm đó. Khi hiểu được tận gốc vấn đề, mình sẽ ngộ ra được điều gì đó để phát triển bản thân tốt hơn.

Còn nếu bản thân không hiểu rõ được quan điểm nào đó cũng không sao. Đơn giản là hiện tại quan điểm đó chưa phù hợp với mình hoặc bản thân chưa đủ kiến thức và trải nghiệm để hiểu những điều đó. Nếu thấy nó hay và ý nghĩa thì cứ giữ đó, đến một lúc nào đó bản thân sẽ tự hiểu và ứng dụng được trong cuộc sống.

Đó là những thông điệp tích cực. Còn nếu là những điều tiêu cực và bản thân biết chắc chắn là sai lầm thì tất nhiên bản thân phải phản bác nhưng vẫn với tinh thần xây dựng, văn minh nếu nó không gây hại hay đi ngược lại luân thường đạo lý. Cũng chẳng cần đối phương phải hiểu ra ngay và thay đổi, bởi chính mình cũng đã có thể chấp nhận ngay quan điểm khác mình chưa. Mình thấy có trách nhiệm phải lên tiếng thì lên tiếng, thế thôi.

Hãy hiểu rằng tất cả những điều sách báo được phép lưu truyền bởi vì giá trị của nó thì tất cả những điều đó đều đến từ thực tế, từ những trải nghiệm xương máu của tác giả. Nó rất thực tế, ít nhất là đối với tác giả, người đã trải qua những chuyện đó. Sở dĩ ta có thể phán rằng: “đó chỉ là lý thuyết suông” thì chắc chắn là do ta chưa biết ứng dụng nó trong cuộc sống hoặc nó chưa phù hợp với ta ở giai đoạn này. Hãy mở lòng đón nhận và thử áp dụng trong cuộc sống, chọn lọc những điều phù hợp với mình. Đừng đóng sầm cơ hội phát triển bản thân lại chỉ vì nghĩ rằng nó là lý thuyết suông không thực tế.

Giống việc thử ăn một món lạ. Nhiều người nói nó ngon nhưng vì ta chưa ăn bao giờ, ta thấy màu sắc hoặc ngửi mùi không hấp dẫn, nhiều dầu mỡ hoặc không có đặc điểm giống những món khoái khẩu của mình nên ta từ chối thử nó. Nhưng khi hiểu được cảm nhận về món ăn chỉ dựa vào những món ta đã ăn qua thì có phần hạn hẹp, ta có thể mở lòng thử một chút, biết đâu nó hợp khẩu vị của ta. Còn trường hợp biết món đó chứa thực phẩm bản thân dị ứng hoặc nó không tốt cho sức khơẻ thì tất nhiên là không ăn rồi.

Như bài viết này hoặc những bài khác trên fanpage, hãy đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi mở, chọn lọc. Luôn tự hỏi mình đã hiểu rõ thông điệp chưa và đừng bám vào mặt chữ, lời nói mà đôi co, chất vấn, bởi ngôn ngữ cũng có mặt hạn chế của nó. Bản thân mình luôn tự thấy: không phải mình không có kỹ thuật viết hoặc không biết truyền tải, nhưng thật sự ngôn ngữ đôi khi chưa thể diễn tả hết những gì mình muốn chia sẻ. Nên một lần nữa, hãy dùng trái tim để cảm nhận và đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi mở, chọn lọc.


NGƯỜI BÁN HÀNG VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI - OG MANDINO

 






Những bí quyết đúc kết trong mười cuốn sách cổ:


Cuộn thứ nhất: Ngày hôm nay tôi bắt đầu một cuộc sống mới.

Tôi sẽ tạo ra những thói quen tốt và tuyệt đối tuân thủ chúng.

Mỗi sáng thức dậy tôi sẽ tràn đầy sinh lực hơn trước.


Cuộn thứ hai: Tôi sẽ chào đón ngày hôm nay với tình yêu và tôi sẽ thành công.

Tôi sẽ dựa vào tình yêu để đập nát thành lũy của sự hoài nghi và ganh ghét. Tôi sẽ thầm nói: “tôi yêu bạn” với tất cả mọi người.

Và trên hết thảy, tôi sẽ yêu thương bản thân mình. Không bao giờ tôi buông thả bản thân quá mức với những thú vui xác thịt, tôi luôn ấp ủ thân thể với sự trong sáng và điều độ.


Cuộn thứ ba: Tôi sẽ kiên trì đến khi tôi thành công.

Nếu tôi đủ kiên trì, tôi sẽ thành công.


Cuộn thứ tư: Tôi là tạo vật độc nhất vô nhị của tự nhiên.

+ Tôi sẽ vắt kiệt tiềm năng của mình, mở rộng sự hiểu biết, luyện tập, cải thiện và trau chuốt ngôn từ, hoàn thiện cách ứng xử cũng như sự duyên dáng của mình.

+ Tôi sẽ tách biệt hai việc: gia đình và công việc. Nhờ thế, tôi chu toàn cả hai.


Cuộn thứ năm: Tôi sẽ sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

+ Tôi sẽ không phí phạm dù chỉ một khoảnh khắc để than vãn về điều không may của ngày hôm qua, về thất bại hay khổ đau trong quá khứ. Ngày hôm qua đã bị chôn vùi, tôi sẽ không bao giờ nghĩ về nó nữa.

Và cũng không phải nghĩ về tương lai với những cái “có thể”.

+ Tôi sẽ tiêu diệt sự trễ nải bằng hành động, sẽ chôn vùi hoài nghi dưới đức tin, sẽ chia cắt nỗi sợ hãi bằng lòng tin tưởng.


Cuộn thứ sáu: Hôm nay tôi sẽ làm chủ cảm xúc của mình.

Tôi có thể kiểm soát được bất kỳ tính cách nào trỗi dậy trong tôi mỗi ngày. Tôi sẽ làm chủ mọi cảm xúc của mình bằng hành động tích cực và khi tôi làm chủ được cảm xúc, tôi sẽ làm chủ được định mệnh đời mình.


Cuộn thứ bảy: Tôi sẽ mỉm cười với cuộc đời!

+ Chuyện rồi sẽ qua “This too shall pass”

+ Tôi sẽ mãi như một đứa trẻ, bởi chỉ có đứa trẻ mới có thể tôn trọng, đề cao người khác và luôn mỉm cười với mọi người, với mọi hoàn cảnh.

+ Chỉ cần nụ cười vẫn còn trên môi tôi sẽ không bao giờ phải sống trong nghèo đói.


Cuộn thứ tám: Hôm nay tôi sẽ nhân giá trị của mình lên một trăm lần.

+ Chính những thất bại, tuyệt vọng, ngu ngơ và bất khả của tôi sẽ là nơi gieo trồng tốt nhất.

+ Tôi sẽ không tự nghi vấn liệu ước vọng của mình có quá viển vông, xa vời.


Cuộn thứ chín: Tôi sẽ hành động ngày bây giờ.

Hãy để tôi hành động ngay hôm nay dù cho hành động đó không thể mang lại hạnh phúc hay thành tựu, bởi sẽ tốt hơn nếu ta dám hành động và nhận lấy thất bại, còn hơn cứ quanh quẩn mãi trong lúng túng bất lực.


Cuộn thứ mười: Tôi sẽ cầu nguyện để được dẫn đường, và tôi sẽ cầu nguyện như một nhà lái buôn.


Ôi! Đấng sáng tạo của vạn vật, hãy giúp con. Ngày hôm nay con sẽ bước ra ngoài thế giới, trần trụi và đơn độc. Nếu không có bàn tay của Người con sẽ mãi quanh quẩn nơi rất xa con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc.

Con chẳng cầu mong vàng bạc, vải vóc hay cơ hội ngang tầm với khả năng của mình; thay vào đó, hãy chỉ lối cho con, để con có thể đạt được khả năng ngang tầm với mọi cơ hội mà con có.

Người đã dạy cho sư tử và đại bàng cách săn bắt và no đầy với răng và móng vuốt của chúng. Hãy dạy cho con cách dùng ngôn từ để săn bắt và no đầy với tình yêu, để con có thể là con sư tử giữa xã hội loài người và là con đại bàng giữa chốn thương trường.

Hãy luôn giữ cho con khiêm nhường qua trở ngại và thất bại, nhưng đừng che giấu khỏi con phần thưởng của sự chiến thắng.

Hãy giao cho con những nhiệm vụ mà con người đã thất bại, nhưng hãy giúp con gieo được hạt giống thành công từ những thất bại đó. Hãy cho con đối đầu với những nỗi sợ làm sục sôi tinh thần con, nhưng hãy cho con lòng can đảm để bật cười trước sợ hãi.

Xin cho con đầy đủ tháng ngày để đến được mục đích đến cuối cùng, nhưng hãy giúp con sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng còn lại.

Xin khép con vào kỷ luật để con phải nỗ lực không ngừng, nhưng hãy chỉ cho con cách nắm bắt được quy luật cân bằng. Lấp đầy con với sự nhạy bén để nhìn ra cơ hội của mình, nhưng hãy ban cho con tính kiên nhẫn để tập trung vào thế mạnh bản thân.

Hãy để con đắm mình trong những thói quen tốt, khiến những thói quen xấu bị loại đi, nhưng cũng hãy ban cho con lòng thương cảm cho những điểm yếu của người khác.

Hãy cho con thấy được rằng mọi chuyện rồi sẽ qua, nhưng giúp con cảm nhận được may mắn tốt lành khi có được hôm nay.

Hãy cứ phơi bày cho con thấy sự ghét bỏ của xung quanh đối với mình, nhưng hãy lấp đầy con bằng tình yêu để biến mọi người xa lạ thành bạn bè.

Nhưng xin hãy chỉ thực hiện những điều trên nếu Người muốn vậy. Con chỉ là một cá thể nhỏ bé và đơn độc, nhưng Người đã khiến con trở nên khác biệt, chắc hẳn có một nơi đặc biệt dành riêng cho con. Hãy dẫn lối cho con, giúp đỡ con.

Hãy để con trở thành tất cả những gì Người mong đợi.

Hãy giúp đỡ con người nhỏ bé này. Hãy dẫn đường cho con, thưa Chúa Trời.

LÀM SAO BỚT KHỔ - NGỪNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC

 



 Chắc hẳn ai cũng từng nghe câu "Đời là bể khổ". Vậy sống trong cuộc đời, vạn vật đều có nỗi khổ của nó: sỏi đá, cỏ cây, muôn thú, chim trời... bậc sống nào cũng có cái khổ của nó.

 

Đôi khi ta thấy đời mình khổ nên muốn được làm cánh chim trời tự do tung bay nhưng đâu biết rằng để bay được, nó cũng phải nỗ lực đập cánh, vượt lên gió bão. Ta ước mình được làm đoá hoa thoải sức khoe sắc giữa đất trời, nhưng ta có nghĩ hoa cũng phải trải qua những nắng mưa mới bung nở rực rỡ. Ta lại nói chúng không phải lo nghĩ như ta. Nhưng hãy thử là hoa, là chim, nếu vẫn muốn làm bông hoa thơm nhất, đẹp nhất, nếu vẫn mong làm con chim bay giỏi nhất, đẹp nhất thì ta có còn vô tử toả hương, vô tư bay lượn được chăng?

 

Vậy có phải nguồn cơn của đau khổ mà ta nghĩ mình đang chịu đựng chính là sự so sánh. Ta so sánh bản thân với người khác để thấy rằng họ sướng hơn ta, ta khổ hơn họ. Một đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, nó vẫn vui vẻ với cơ thể của nó cho tới khi nó biết so sánh bản thân mình với những đứa trẻ khác. Nó thấy cơ thể nó không được đầy đủ, đẹp đẽ như bạn nó nên nó mong muốn được như bạn nó. Và khi mong muốn không được thoả mãn thì sinh ra uất hờn, khổ đau. Đó là sự tự so sánh.

 

Nếu không mắc phải sự tự so sánh đó thì ta vẫn gặp phải sự so sánh của người khác. Dù vô tình hay cố ý thì những lời so sánh của người khác có khi khiến chúng ta  đánh giá bản thân theo hướng tiêu cực. "Mày thấy con nhà người ta thế này thế kia không". "Con người ta bằng tuổi này thì thế kia thế nọ". "Mày là đồ vô tích sự"... Những sự so sánh đó làm lung lay sự trọn vẹn, tự tin nơi bản thân. Và khiến ta đau khổ vì không được như "con nhà người ta". Nó cho ta niềm tin rằng phải học giỏi, thông minh, xinh đẹp, giàu có... như người này người kia thì ta mới được sự tôn trọng, yêu thương và chỉ có thể ta mới hạnh phúc. Ta chạy đua để đạt được những điều đó nhưng mãi vẫn chưa đủ, ta đau khổ.

 

Chung quy lại, khi có so sánh, nhìn nhận tiêu cực về bản thân thì chúng ta mong muốn có những điều người khác có mà mình không có. Và tiêu chuẩn đem ra so sánh đó trở thành điều kiện để ta có hạnh phúc, khi không có thì ta đau khổ. Vậy để giảm bớt đau khổ thì phải ngừng so sánh tiêu cực về bản thân, chấp nhận những gì bản thân có, những gì bản thân là, dù là phần tốt hay phần chưa tốt.

 

Vậy làm sao để chấp nhận bản thân?

Ta nghĩ rằng mình cũng giống như những người khác nên tại sao họ có cái này, cái kia mà ta không có. Nhưng nếu ta nhìn ra ngoài kia, cũng đều là hoa nhưng có hoa đẹp kiểu này, hoa đẹp kiểu khác, hoa thơm mùi kia, hoa thơm mùi nọ. Chính vì khác biệt đó mà có người thích hoa này, người chê hoa kia. Vậy nếu xem mỗi người là một loài hoa, chẳng phải ta có hương sắc riêng hay sao. Khi người khác không thích ta không phải vì ta không đẹp không thơm. Chỉ bởi vì họ không thích hương sắc này và sẽ có người khác thích sắc hương đó. Thế chẳng phải ta vượt qua được sự so sánh của người khác và tự nhìn nhận, khẳng định giá trị bản thân sao?

Để bản thân không bị dao động trước những so sánh của người khác, ta cần có sự khẳng định giá trị bản thân, biết mình như thế nào, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu để tự củng cố và khẳng định giá trị bản thân với chính mình. Khi người khác có so sánh ta thì họ so sánh đúng, ta trân trọng, họ so sánh chưa đúng, ta biết mà không xem thường bản thân hay đau khổ.

 

Biết rằng những điều đó cần thời gian luyện tập nhưng hãy tin rằng ta sẽ làm được và sẽ giảm được những khổ đau. Hãy bắt đầu từ việc thực hành những điều nhỏ nhặt trong ngày để bản thân thấy nó hiệu quả mà có động lực rèn luyện.

 

"Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng". "Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương".

Dù được chọn lựa hay không, ta cũng không quan trọng mình là loài chim nào, là đoá hoa nào. Chỉ cần ta biết mình là chim thì sống trọn vẹn đời chim, là hoa thì cống hiến đời hoa. Thế là đủ.


NGẠI GÌ KHÔNG THỬ

 




Có một câu nói trong phim Võ Tắc Thiên (Phạm Băng Băng) mà nó tâm đắc đó là: Điều quan trọng không phải là biết nắm bắt cơ hội mà là trang bị kiến thức, khả năng để đáp ứng đầy đủ khi cơ hội đến.


Nhắc đến cơ hội, nó nhìn lại những gì đã trải qua. Có lúc cơ hội tự nhiên mà đến, có lúc nó tự đấu tranh giành lấy cơ hội, có lúc nó nắm được cơ hội, có lúc nó thất bại. Nhưng xét cho cùng, bản thân nó vẫn luôn nỗ lực và học hỏi.


12 năm đi học, nó đều làm lớp phó học tập bởi thành tích học tập của nó. Nhưng đâu đó trong đầu nó lúc đó vẫn nghĩ chức vụ cao nhất trong lớp là lớp trưởng. Và cái nhiệm vụ đi lấy sổ đầu bài là một công việc nhàm chán của “vị trí phó”. Nó mong muốn được làm lớp trưởng nhưng nói nó ra hô hào cả lớp xếp hàng thì nó lại không thích chút nào.


Đến năm lớp 12, thay vì người ta tập trung luyện thi đại học thì nó lại muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp thời học sinh. Ngoài việc tham gia những hoạt động phong trào của trường, nó đề xuất giáo viên chủ nhiệm cho nó tổ chức gameshow vào buổi sinh hoạt lớp và dấu ấn đậm nhất là nó tổ chức thành công cuộc thi nữ sinh duyên dáng của lớp dù ban đầu cô giáo chủ nhiệm cũng hoài nghi về việc tổ chức cuộc thi này. Nó tự tạo ra những cơ hội để bản thân nó phát triển óc tổ chức và sáng tạo.


Đến khi học đại học, khi cả lớp bầu chọn lớp trưởng, không có người được đề cử hay ứng cử, nó tự ứng cử dù mọi người trong lớp không biết nó là ai và nó cũng tự biết thành tích học tập của nó không hơn người khác. Nhưng nó nghĩ đây là cơ hội để nó học hỏi và phát triển nên nó lấy hết can đảm để đứng trước cả lớp nói rằng: nếu mọi người không chọn được lớp trưởng thì hãy để nó làm thử 1 học kỳ, sau đó mọi người sẽ đánh giá và bỏ phiếu lại. Và sau một học kỳ, không ai nhắc lại buổi bỏ phiếu nhưng nó muốn sự công nhận chính thức nên buổi bầu chọn vẫn phải có. Cuối cùng, nó làm lớp trưởng cho đến khi tốt nghiệp. Dù không thể gọi là thành công, nhưng có lẽ, khi nhắc đến nó, những người trong lớp sẽ nhớ đến cách làm việc nguyên tắc của nó.


Rồi khi có đợt tổ chức trại hè trong nhóm sinh viên nó tham gia, dù không được giao cho nhiệm vụ nằm trong ban tổ chức, nó cũng xin được cộng tác để học hỏi kinh nghiệm tổ chức event. Và rồi không hiểu sao, nó lại được lên kế hoạch tổ chức các trò chơi. May mắn là buổi trại diễn ra thành công và không ai có thể phủ nhận thành công đó có sự đóng góp của nó.


Khi nó ra trường và đi xin việc, nó mong muốn được làm event cho Bà Nà Hill. Nó biết rằng nó không có chuyên môn và kinh nghiệm nhưng khi có đợt tuyển dụng, nó vẫn bay ra Đà Nẵng chỉ để nói với nhà tuyển dụng khao khát được học hỏi và phát triển trong lĩnh vực event của nó và nó chấp nhận làm như một thực tập sinh để có cơ hội tiếp xúc với nghề. Nó nói với nhà tuyển dụng: nó đã tổ chức thành công những event nho nhỏ mặc dù trước đó không ai chỉ nó cả, vậy thì nó sẽ không bao giờ có kinh nghiệm khi mà không ai cho nó cơ hội làm bởi vì nó không có kinh nghiệm và mãi mãi nó vẫn là đứa không có kinh nghiệm trong nghề này. Mặc dù rất đồng cảm nhưng họ vẫn cần người có kinh nghiệm hơn là phải đào tạo.


Với một đứa tay ngang như nó, nó chỉ sợ người khác không cho nó cơ hội được học, được làm. Điều nó muốn là được phát triển bản thân với công việc mà nó yêu thích, còn lương bổng là vấn đề thời gian sau khi nó có kinh nghiệm.


Và rồi nó có cơ hội tiếp xúc với ngành bán lẻ thời trang. Nó cứ thế làm điên cuồng để phát triển bản thân. Có lúc nó yêu say đắm ngành này, có khi nó cảm thấy chán ghét kinh khủng; có lúc thời trang là dòng chảy trong người nó, có khi nó chẳng biết gì về thời trang. Một chị bên nhân sự nói nó rằng: nó có cơ hội bước vào ngành này rồi thì cứ kiên trì phát triển nó.


Còn nó thì tự nhủ: nếu bản thân có khả năng thì không sợ thiếu cơ hội. Và nó biết rằng: nó còn phải học hỏi và cố gắng rất nhiều để chinh phục những cơ hội.


Chẳng biết đang viết cái gì tại căn phòng 861, ngày 28/10/2017