Theo Kreitner (1995), "động lực là một quá trình tâm lí
mà nó định hướng các hành vi cá nhân theo mục đích nhất định". Theo
Higgins (1994), "động lực là lực đẩy từ bên trong cá nhân để đáp ứng các
nhu cầu chưa được thỏa mãn". Nói đơn giản động lực là sự thôi thúc bản
thân hành động. Thường thì sự thôi thúc đó đến từ cảm giác thích thú, hứng khởi
khi hành động hoặc vì né tránh những điều không thích nên phải hành động. Hành
động vì yêu thích thì luôn dễ dàng và chắc cũng không cần đặt câu hỏi lấy động
lực ở đâu. Nhưng nghiệt ngã một cái là chúng ta thường phải làm những điều bản
thân không thích hay cảm thấy khó khăn khi ép mình hoàn thành một mục tiêu nào
đó.
Vậy thì kiếm đâu ra động lực khi làm điều mình không thích?
Như đã nói thì động lực gắn liền với cảm xúc yêu thích hoặc né tránh nỗi đau, hậu
quả khi không làm. Một đứa trẻ ngồi vào bàn học toán vì nó yêu thích môn toán,
nó cảm giác mỗi lần suy nghĩ giải một bài toán như một chuyến phiêu lưu đầy hứng
thú. Nhưng một đứa trẻ ghét toán thì nó vẫn phải ngồi giải toán vì nó không muốn
bị điểm kém hoặc chỉ vì nó sợ mẹ mắng, cô la khi không hoàn thành bài tập. Nó
né tránh cảm giác khó chịu khi bị la mắng nên chấp nhận cảm giác khó chịu khi
ngồi giải toán. Vậy thì đối với nó cảm giác bị la mắng đáng sợ hơn cảm giác giải
toán. Tất nhiên là nó chọn cái nào dễ chịu hơn rồi. Thế thì một cách để có động
lực là lấy nỗi sợ, nỗi đau, sự mất mát khi không hành động làm động lực để thực
hiện. Mỗi lần con cái phạm lỗi, cha mẹ thường đánh mắng nó để nó sợ mà lần sau
không tái phạm. Lần sau, khi nó muốn làm điều gì cha mẹ không cho phép, nó nhớ
lại những đòn ron kinh hoàng mà không dám làm. Lấy cảm giác mất mất, đau khổ
khi không hành động làm động lực thực hiện nó có tác dụng nhưng nó không phải là
cách hay.
Một người vì sợ bị trừng phạt nên không dám hành động. Vậy
khi không có ai giám sát hay không có những áp chế thì nó sẽ hành động như thế
nào. Chẳng phải bản thân trở thành “những con lừa” rồi sao. Cảm giác né tránh cảm
giác tiêu cực sẽ gây ra nhiều nỗ sợ và trở thành con người nhút nhét, dè dặt,
khó dám làm những điều mới, sáng tạo. Và một cách nào đó, khi bản thân dùng những
cảm xúc tiêu cực đó để hành động thì nó cũng khiên cưỡng nên kết quả không thể
vượt trội mà thậm chí còn “làm cho có”. Việc lặp đi lặp cảm giác tiêu cực đó vô
tình cũng tạo nên lực hấp dẫn thu hút những điều tiêu cực. Thế thì cách tốt hơn
để tìm kiếm động lực là lấy cảm giác yêu thích, hứng thú, cảm giác tích cực.
Vậy thì làm sao có sự yêu thích làm điều mình không muốn. Đầu
tiên phải nói là mục đích phải làm việc đó là gì. Chắc chắn nó phải mang lại
cho bản thân điều gì bản thân mong muốn thì mình mới làm. Vậy thì hãy chuyển điều
đó thì động lực tích cực. Một đứa trẻ có thể nghĩ nó sẽ bị mẹ đánh khi không
làm bài tập thì nó cũng có thể tưởng tượng mẹ nó sẽ rất vui khi nó hoàn thành
xong bài tập. Điểm lưu ý là đừng tưởng tượng và mong chờ kết quả mĩ mãn mà bản
thân nhận được từ người khác. Vì mình không thể đoán được hay kiểm soát cảm
xúc, hành động của họ. Nên nếu họ không cho cái mình mong chờ thì mình sẽ thất
vọng và làm giảm động lực hành động của mình ở những lần sau. Đứa trẻ đó có thể
lấy động lực làm mẹ vui lòng để làm bài tập vì khi nó khoe với mẹ bài tập vừa
làm xong, dù mẹ nó không khen nó, không mỉm cười thì nó cũng nghĩ là mẹ nó vui
và thế là nó đạt được điều nó muốn. Nếu mẹ nó mỉm cười và khen nó thì nó sẽ vui
hơn và lần sau có động lực để làm bài hơn.
Nghĩ đến những thành quả, cảm giác sung sướng khi hoàn thành
công việc là cách hay để tạo động lực hành động. Nhưng sẽ tuyệt hơn khi bản
thân luyện được khả năng làm việc mà không bị cảm xúc chi phối. Có thể làm việc
mình chán cũng như việc mình thích, dù vui hay buồn cũng vẫn làm việc bình thường.
Điều đó thật sự không dễ chút nào. Với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và cảm
hứng thì càng khó nữa. Nhưng khi tâm trạng không muốn làm việc thì cũng nên thử
làm những việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi cảm xúc cao như ngồi đánh máy lại tài
liệu hay tranh thủ làm việc nhà... Như thế vừa không để thời gian chết vừa luyện
cho bản thân sự hăng hái làm việc không ngừng.
Đôi khi dám cho phép bản thân nghỉ ngơi cũng là một khả năng. Giữa một đống việc
mà bản thân mệt mỏi không muốn làm thì hãy cảm đảm cho bản thân nghỉ ngơi hoàn
toàn. Nghĩa là cảm đảm gạt bỏ mọi lo lắng, suy nghĩ để bản thân thư giản, nghỉ
ngơi tái tạo trí lực. Một bản nhạc thư giãn, một giấc ngủ say trong chiếc giường
êm ái đôi khi hiệu quả hơn cật lực ngồi lê lết làm cho xong việc.
Và nếu dù đã nghỉ ngơi, dùng cảm xúc tiêu cực hay tích cực
làm động lực mà bản thân vẫn không hành động thì cũng là chuyện bình thường.
Quan sát bản thân xem vì sao lại như vậy. Có phải việc bạn làm chưa phải việc cần
thiết và cấp bách không? Khi bản thân không ép mình vào chân tường thì chưa biết
khả năng của mình như thế nào. Nước đến chân mới nhảy cũng chẳng sao. Khi đó sẽ
tự khắc có động lực hành động. Dù kết quả không như mong muốn thì nó cũng là một
trải nghiệm tích góp để lần sau mình sẽ hành động sớm hơn. Bị vài cú tát đau điếng
thì bản thân cũng sẽ thức tỉnh. Nhưng như đã nói, nhiều đóa hoa hồng vẫn sẽ tốt
hơn vài cú tát. Hãy tích góp những thành công nho nhỏ để có động lực làm những
việc lớn lao. Và khi mọi thứ trở thành thói quen hay đức tính của mình thì sẽ
không cần đặt câu hỏi “kiếm động lực đâu ra” nữa.