Nếu để ý thì bạn sẽ thấy trên cover trang fanpage của mình có đề dòng chữ “Hãy đón nhận những thông điệp tích cực, phù hợp với tinh thần cởi mở, chọn lọc”. Đó là điều mình muốn nói đầu tiên trên hành trình phát triển bản thân của mỗi người.
Chúng ta sinh ra và lớn lên trong cơ thể khác nhau về tâm
sinh lý, những hoàn cảnh, môi trường, sự giáo dục, trải nghiệm cũng khác nhau
nên mỗi người sẽ có những tính cách, quan điểm, nhận thức khác nhau. Những gì
chúng ta có ở hiện tại là kết quả tích lũy của cả một quá trình phát triển. Nếu
bản thân cứ khư khư ôm chặt những điều đó và cho rằng những điều đó luôn đúng đắn
và thế là đủ cho hành trình phát triển của mình thì chúng ta mãi là con người của
hiện tại, liệu có phát triển?
Nếu muốn bản thân hôm nay tốt hơn hôm qua thì bản thân phải
mở lòng đón nhận những điều mới, tốt đẹp hơn, khác với những gì xưa cũ để nâng
tầm bản thân. Do đó, bước đầu tiên là phải lắng nghe, học hỏi. Chỉ đơn giản là
lắng nghe, nghe xem ý kiến, quan điểm của người khác như thế nào. Phải lắng
nghe với tinh thần cởi mở, nghĩa là không phán xét đúng sai, không ở trong trạng
thái phòng thủ, chống đối khi thấy ý kiến, quan điểm của người khác không giống
mình, cũng không tán thưởng, nhiệt liệt hưởng ứng khi thấy họ đồng quan điểm với
mình. Chỉ đơn giản là nghe để thấy rằng trên đời này cũng có người suy nghĩ
khác hoặc giống mình. Rồi từ đó mới xem xét quan điểm đó tại sao khác mình, tại
sao mình cũng có cùng quan điểm đó. Khi hiểu được tận gốc vấn đề, mình sẽ ngộ
ra được điều gì đó để phát triển bản thân tốt hơn.
Còn nếu bản thân không hiểu rõ được quan điểm nào đó cũng
không sao. Đơn giản là hiện tại quan điểm đó chưa phù hợp với mình hoặc bản
thân chưa đủ kiến thức và trải nghiệm để hiểu những điều đó. Nếu thấy nó hay và
ý nghĩa thì cứ giữ đó, đến một lúc nào đó bản thân sẽ tự hiểu và ứng dụng được
trong cuộc sống.
Đó là những thông điệp tích cực. Còn nếu là những điều tiêu
cực và bản thân biết chắc chắn là sai lầm thì tất nhiên bản thân phải phản bác
nhưng vẫn với tinh thần xây dựng, văn minh nếu nó không gây hại hay đi ngược lại
luân thường đạo lý. Cũng chẳng cần đối phương phải hiểu ra ngay và thay đổi, bởi
chính mình cũng đã có thể chấp nhận ngay quan điểm khác mình chưa. Mình thấy có
trách nhiệm phải lên tiếng thì lên tiếng, thế thôi.
Hãy hiểu rằng tất cả những điều sách báo được phép lưu truyền
bởi vì giá trị của nó thì tất cả những điều đó đều đến từ thực tế, từ những trải
nghiệm xương máu của tác giả. Nó rất thực tế, ít nhất là đối với tác giả, người
đã trải qua những chuyện đó. Sở dĩ ta có thể phán rằng: “đó chỉ là lý thuyết
suông” thì chắc chắn là do ta chưa biết ứng dụng nó trong cuộc sống hoặc nó
chưa phù hợp với ta ở giai đoạn này. Hãy mở lòng đón nhận và thử áp dụng trong
cuộc sống, chọn lọc những điều phù hợp với mình. Đừng đóng sầm cơ hội phát triển
bản thân lại chỉ vì nghĩ rằng nó là lý thuyết suông không thực tế.
Giống việc thử ăn một món lạ. Nhiều người nói nó ngon nhưng
vì ta chưa ăn bao giờ, ta thấy màu sắc hoặc ngửi mùi không hấp dẫn, nhiều dầu mỡ
hoặc không có đặc điểm giống những món khoái khẩu của mình nên ta từ chối thử
nó. Nhưng khi hiểu được cảm nhận về món ăn chỉ dựa vào những món ta đã ăn qua
thì có phần hạn hẹp, ta có thể mở lòng thử một chút, biết đâu nó hợp khẩu vị của
ta. Còn trường hợp biết món đó chứa thực phẩm bản thân dị ứng hoặc nó không tốt
cho sức khơẻ thì tất nhiên là không ăn rồi.
Như bài viết này hoặc những bài khác trên fanpage, hãy đón
nhận những thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi
mở, chọn lọc. Luôn tự hỏi mình đã hiểu rõ thông điệp chưa và đừng bám vào mặt
chữ, lời nói mà đôi co, chất vấn, bởi ngôn ngữ cũng có mặt hạn chế của nó. Bản
thân mình luôn tự thấy: không phải mình không có kỹ thuật viết hoặc không biết
truyền tải, nhưng thật sự ngôn ngữ đôi khi chưa thể diễn tả hết những gì mình
muốn chia sẻ. Nên một lần nữa, hãy dùng trái tim để cảm nhận và đón nhận những
thông điệp tích cực, phù hợp hoàn cảnh của bản thân với tinh thần cởi mở, chọn
lọc.