Nhãn

KHỞI NGHIỆP HAY HỌC ĐẠI

 



"Có bao giờ mày nghĩ đến việc tự tử không?" Đó là câu hỏi bạn nói với tôi để bắt đầu câu chuyện.

5 năm trước tôi và bạn cùng chung một xuất phát điểm. Hai đứa có khá nhiều điểm tương đồng nên đôi khi đi chung, nhiều người vẫn hay so sánh hai đứa. Xét về khả năng, tôi và bạn cũng có những điểm chung, bạn có tài nào thì tôi có tài đó, ngang tài ngang sức, mỗi người một vẻ, thật khó để so sánh ai hơn ai. Nhưng một điểm tôi hơn bạn chính là tôi học giỏi hơn.

Khi bạn và tôi tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học đại học còn bạn thì tự lập nghiệp kinh doanh. Hai chúng ta đều thích kinh doanh nhưng cách làm lại khác nhau. Điểm cuối sự nghiệp hai đứa đều mơ giống nhau nhưng cách thực hiện nó thì lại khác. Tôi có phần ngưỡng mộ bạn bởi bạn chọn cách khởi nghiệp, sống với đam mê của mình ngay khi có thể còn bản thân tôi vẫn do dự, suy tính. Tôi tự an ủi cho sự yếu kém đó bằng suy nghĩ con đường khởi nghiệp của bạn có thể thành công đấy nhưng so với việc tôi đi học đại học thì con đường khởi nghiệp sau này của tôi sẽ dài hơn, sẽ đi xa hơn bạn. Bạn và tôi ngầm cố gắng để chứng tỏ bản thân mình thành công hơn người kia.

Và giờ đây, khi có dịp ngồi lại bên nhau để chia sẻ hành trình của mình. Tôi thật sự cảm thấy mình thua bạn rất nhiều. Tôi không ngờ một người nhỏ nhắn như bạn giờ đây lại có thể gồng gánh cả gia đình, thậm chí cả gia đình của anh chị mình. Tôi không ngờ một người không được học về quản trị, kinh tế hay kế toán mà lại có thể tính toán cách kinh doanh, xoay vòng vốn mà chính tôi khi nghe bạn nói mà lỗ tai cứ bùng nhùng. Tôi không ngờ một người mỏng manh như bạn lại có thể đương đầu với những sóng gió mà chính bản thân bạn thấy không biết tại sao bạn lại vượt qua được. Và tôi không ngờ một người như tôi lại thua bạn nhiều đến thế.

Tôi đã tốt nghiệp đại học mà vẫn phải để cho ba mẹ lo lắng về công ăn việc làm của mình. Tôi cũng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng bản thân tôi lại không có được cái liều trong kinh doanh như bạn. Như lời bạn chia sẻ: bạn rất liều, bạn nghĩ cứ làm đi rồi tính tiếp và chắc chắn thành công, hay táo bạo hơn là, không ai ăn thịt người đâu, mình không trả nợ nổi thì mình khất, mình trả dần. Tôi thật lòng ngưỡng mộ tinh thần đó của bạn. Và bạn cũng đủ cần cù, đủ bản lĩnh và khéo léo để vượt qua những thách thức cuộc sống. Từ con số không, bạn đã có được số vốn mà chính bản thân tôi cũng không dám nghĩ tới.

Bạn có chia sẻ: nếu đến năm 30 tuổi, sự nghiệp của bạn không thành công, bạn sẽ từ giã cõi đời, còn nếu thành công, bạn sẽ dành quãng đời còn lại để phục vụ tha nhân. Đúng là tuổi trẻ, sức trai thì phải vẫy vùng khắp bốn bể mới không phải tiếc nuối về những việc mình chưa làm. Nhưng tôi không đồng tình việc bạn nhắc đến chuyện từ bỏ mọi thứ mà ra đi nhẹ nhàng như vậy, nhưng tôi tin với những gì bạn có và trải nghiệm vào lứa tuổi này thì đến năm 30 tuổi, bạn sẽ thành công. Mong rằng lúc đó hai chúng ta sẽ lại có buổi trò chuyện về hành trình thành công của mình bạn nhé!

Buổi trò chuyện bên tô hủ tiếu trong góc hẻm thoi thóp ánh đèn

0h00 ngày 06/9/2016

TẬN HƯỞNG THÀNH QUẢ CUỘC SỐNG

 



"Nhiều bạn trẻ lấy việc làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa làm phương châm sống. Bạn có đồng tình với phương châm đó không?"

Đầu tiên, cho phép em được bỏ qua phần chào hỏi ban giám khảo, khán giả hay nói khán giả vỗ tay cổ vũ cho mình để câu giờ trong khi suy nghĩ câu trả lời.

Em xin phép được trả lời câu hỏi của mình.

Em luôn có quan điểm: người thông minh, nhanh nhạy là người biết đâu là điểm dừng. Bởi vì dừng lại quá sớm đôi khi khiến ta tiếc nuối và sự vô độ, xa đà nhiều lúc lại rất tai hại. "Làm việc hết mình" ở đây, em xin được chia sẻ là việc cống hiến hết khả năng để tạo ra những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, khẳng định bản thân và mưu ích cho xã hội trong giới hạn của bản thân (sức khỏe, tri thức, tài năng...). Còn việc "hưởng thụ tối đa" thì chỉ nên là "tận hưởng công việc mình đã làm". Ở đây là việc thưởng thức (enjoy) cuộc sống, không nhất thiết là hưởng thụ những của cải, vật chất mà lao động đem lại.

Không phải sống trong giàu sang, tiện nghi, uy quyền mà người ta nói là mình đang tận hưởng cuộc sống. Chỉ khi nào biết đủ, biết đủ cả trong lúc thiếu thốn, gian nan thì người ta mới thật sự đang tận hưởng cuộc sống. Còn nếu lao mình vào kiếm tiền, vun vén cho cuộc sống vật chất bản thân thì người ta chỉ đang mang những gánh nặng tham vọng, khao khát vơ vét thật nhiều cho mình thì có cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mà nói rằng họ đang tận hưởng cuộc sống không. Thưởng thức mọi thứ cuộc sống mang lại, dù thiếu thốn, khó khăn thì người ta mới đang sống để tận hưởng. Phải có sự hài lòng với thực tại và một trái tim biết yêu thương thì người ta mới biết cách thưởng thức cuộc sống. Còn không, mọi sự hưởng thụ của họ chỉ là những vô cảm. Ví như việc một ca sĩ nổi tiếng post lên trang cá nhân của mình tấm hình đang ngồi trong siêu xe thưởng thức champagne kế bên một người lao động nghèo khổ.

Bản thân mỗi người khi lao động hết mình đều có quyền tận hưởng thành quả của mình. Nhưng điều em muốn hướng tới là sự sẻ chia đối với mọi người, sẻ chia niềm vui thành quả, sẻ chia những gì dư thừa so với mức nhu cầu cần thiết của bản thân. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu thương mà một hoa hậu cần có.

Em xin hết.


(Câu hỏi vòng thi của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa Hậu Việt Nam 2016)

30/8/2016

CUỘC SỐNG LUÔN TỒN TẠI THỨ GỌI LÀ CÔNG BẰNG?

 



Sáng nay tôi xem The Face, một chương trình đang thu hút hiện nay. Họ nói những người chơi có tố chất, tài năng, thể hiện xuất sắc nhưng vẫn phải dừng cuộc chơi, rằng chương trình dàn dựng hay thiếu công bằng đối với thí sinh... Bản thân tôi thì thấy rằng: một khi bạn đã tham gia cuộc chơi thì bạn phải chấp nhận quyền quyết định thuộc về ban tổ chức.

Nếu tôi là thí sinh, tôi có thể được chọn vì tài năng hay tôi có điều chương trình mong muốn, nhưng người khác có thể được chọn chỉ vì mối quan hệ hoặc chỉ vì ban tổ chức thích chọn họ, đơn giản chỉ thế thôi, không cần phải lý giải cho tôi biết và cũng không cần phải thể hiện sự công bằng nếu như đó không phải là điều họ mong muốn. Và tôi được đi đến tập mấy cũng là công bằng với tôi rồi, bởi tôi đến đây không phải vì tôi quá xuất sắc, quá tài năng mà chỉ đơn giản là họ đã chọn tôi. Những điều tôi học hỏi, những trải nghiệm và những gì tôi thể hiện cho người khác thấy mới là điều quan trọng. Nếu tôi thấy cuộc chơi nào đó không công bằng và tôi tìm kiếm sự công bằng ở đấy thì tôi nên ra đi.

Còn nếu tôi là khán giả truyền hình, tôi không thích chương trình dàn dựng, bất công hoặc đơn giản thí sinh tôi thích bị loại, tôi có thể không theo dõi nữa. Không tranh cãi, không chỉ trích về vấn đề mình không thích là lựa chọn làm mình vui nhất.

Khi đứng trước một vấn đề không như mong muốn, người ta có thể lựa chọn: chấp nhận, thay đổi hoặc từ bỏ.

Còn bạn đang băn khoăn: liệu rằng trong cuộc sống này có tồn tại hay không chữ "công bằng" thật sự, hay mọi thứ trên đời đều chỉ là tương đối thì tôi xin được chia sẻ thêm quan điểm của mình.

Có lúc tôi nghĩ cuộc đời thật không công bằng. Những sinh linh chưa kịp sinh ra đời thì đã bị sự ích kỷ của bố mẹ mà tước đoạt của em sự sống. Những em bé sắp sinh đâu được chọn lựa sinh ra trong gia đình giàu sang hay nghèo khó, tri thức hay bình dân, gia đình yên ấm hay lục đục... Những đứa trẻ mới sinh đâu có tội tình gì mà phải trân mình chịu đựng những căn bệnh hiểm nghèo hay phải nhìn đời bằng một thân thể khiếm khuyết... Và khi vào đời, nó lại thấy biết bao điều bản thân nó cho là bất công: người hiền thường chịu thiệt thòi, kẻ ăn chơi thì được dư dật trong khi nhiều người cầy cuốc khổ cực mà phải chạy vạy từng miếng ăn... Phải chăng cuộc đời này không tồn tại công bằng hay chính bản thân tôi chỉ toàn thấy những điều bất công?

Nhưng trải qua thời gian, tôi nghĩ tại sao bản thân mình cứ phải sống trong bất mãn, muộn phiền khi nghĩ rằng cuộc đời toàn bất công. Tôi dần học được cách chấp nhận và nhìn nhận cuộc sống này chỉ tồn tại thứ công bằng tương đối. Công bằng hay không công bằng chỉ do bản thân mình lượng định. Nếu suy nghĩ khác đi, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác tích cực hơn, bản thân sẽ thấy được sự công bằng trong đó, và điều quan trọng vẫn là bản thân sẽ cảm thấy dễ chịu và vui vẻ hơn.

Rồi đến thời điểm hiện tại, tôi có thể nói cuộc đời này luôn công bằng. Những thứ "tôi là", "tôi có", những điều xảy đến với tôi đều mang một ý nghĩa của nó và nó dành riêng cho một mình tôi, và thế là đủ cho tôi. Khi bản thân tôi thấy đủ thì còn điều gì bản thân tôi thấy là không công bằng nữa. Người ta thường thấy bất công khi họ ôm ấp và vơ vét quá nhiều thứ và khi những thứ họ mong muốn không đạt được, họ thất vọng và cảm thấy cuộc sống bất công với họ.

Đúng là mọi thứ trên đời đều mang tính tương đối và chỉ nơi Đấng Tạo Hóa mới tồn tại sự trọn hảo. Vậy một Đấng Tạo Hóa luôn công bằng lại đối xử không công bằng với tôi ư? Tôi không nghĩ như vậy. Nếu tất cả những gì tôi nhận được trong cuộc sống chỉ toàn bất công thì những bất công đó tôi sẽ chẳng có khi tôi không được đón nhận sự sống nhưng không này, qua sự quảng đại của cha mẹ tôi. Tôi đã làm gì để nhận được sự sống này mà tôi còn đòi hỏi mình phải là người có ngoại hình, có gia thế và sống trong gia đình giàu có, hạnh phúc, thế này thế kia. Những thứ đó tôi nói tôi không thể chọn lựa chỉ bởi vì tôi đón nhận một cách nhưng không từ cha mẹ tôi. Vậy tại sao tôi lại oán trách thân phận của mình hay oán hờn cha mẹ mình khi họ không cho tôi thứ tôi mong muốn mà bản thân tôi không nghĩ lại: cha mẹ tôi đang chịu đựng những gì tôi gây ra cho họ, có lẽ, cuộc đời họ sẽ tốt hơn nếu họ không cho tôi ra đời. Vậy là sự sống, thân phận mà tôi nhận được đã là công bằng đối với tôi.

Và tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời tôi, dù tốt hay xấu ở phương diện này hay phương diện khác, trong nhìn nhận của tôi nó đều rất công bằng vì nó phù hợp để rèn luyện tôi, cho tôi những trải nghiệm, những bài học và cơ hội hoàn thiện mình và đạt được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Nếu tôi nhận thấy bản thân tôi không nhận được những gì xứng đáng với cố gắng, năng lực của mình hoặc người kia chẳng có gì hơn tôi mà họ lại nhận được thứ tôi muốn là tôi đang đánh giá thiếu công bằng và đôi khi là tôi đang ghen tị với họ. Đánh giá một cách khách quan, tôi đã nỗ lực hết sức mình và thể hiện điều đó để mọi người nhìn nhận chưa? Và dù kết quả đạt được là gì thì tôi cũng đã công bằng với chính mình và đủ để tôi tự hào và ngẩng cao đầu. Còn quyết định thuộc về người khác thì đó là quyền của họ, họ đưa ra đánh giá và chọn lựa theo cách của họ, đó là công bằng của họ.

Công bằng cũng có tính tương đối. Đối với tôi như này là công bằng, nhưng đối với người khác thế kia mới là công bằng. Vậy thì có bất công hay không vẫn nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu muốn công bằng theo cách của mình, bản thân phải giành được quyền quyết định. Khi đó, thế nào là công bằng và đối xử như thế nào là lựa chọn của bạn.

Người ta thường đòi hỏi người khác phải công bằng với mình mà bản thân mình thì đã thật sự công bằng với bản thân, công bằng với người khác để tạo dựng sự công bằng cho cuộc sống này chưa?

Đối với chính mình, tôi thường chọn những thứ dễ dãi nhưng tai hại cho bản thân để từ chối những điều khó khăn nhưng mang lại ích lợi. Như thế tôi đã thực sự công bằng với bản thân mình. Công bằng là người khác phải đem đến cho tôi những điều tốt nhất mà tôi lại không cố gắng đối xử với bản thân cách công bằng. Tôi đã nỗ lực như thế nào để đạt được điều mà tôi nói theo lẽ công bằng tôi phải có bởi tôi xứng đáng.

Trong mỗi hoàn cảnh, dù ngặt nghèo hay khó khăn đến đâu, bạn cũng có quyền lựa chọn cách ứng xử và giải quyết nó. Đứng trước thách thức lớn nhất là sống chết, bạn vẫn có thể lựa chọn chết vinh hay là sống nhục. Thế đã là công bằng cho bạn.

Và đôi khi, công bằng là việc tôi phải bỏ đi cái tôi, sự ích kỷ để thực thi công bằng đối với người khác. Không xét đoán, tôn trọng cuộc sống và quyết định của người khác là đang thể hiện sự công bằng. Giúp đỡ, chia sẻ với mọi người để mình và mọi người đều cảm thấy cuộc đời này thật công bằng.

Tại sao sự công bằng trong cuộc đời mình lại trao phó hay phụ thuộc vào người khác mà không phải bạn là người tạo nên sự công bằng cho chính mình. Ý tôi muốn nói là sự tự chủ.

Căn phòng 861/27/10, 28/8/2016

TONY BUỔI SÁNG-KHAO KHÁT VẪY VÙNG BIỂN LỚN

 



Người ta nói: cuộc đời của một con người sẽ thay đổi khi họ đọc một cuốn sách hay gặp được một người phù hợp. Tôi nghĩ mình đã gặp được Người đó và tôi cũng đọc được cuốn sách đó-Tony Buổi Sáng.

Sự thay đổi đó có thể hiện tại những người xung quanh tôi chưa nhận ra bởi tôi đâu phải là người đa nhân cách, chỉ cần tích tắc là có thể thay đổi được ngay. Sự thay đổi nào cũng cần quyết tâm và thời gian, sự đào luyện không ngừng để hướng đến con người hoàn thiện mà bán thân hướng tới. Sự nóng vội và nghĩ rằng bản thân có thể đổi thay được ngay và giữ vững điều đó chỉ là sự ảo tưởng và đôi khi khiến ta chai lỳ trong cảm thức tự mãn về bản thân mà không canh tân chính mình. Nhưng chính trong bản thân mình, tôi cảm nhận mình đang làm mới chính bản thân mình. Từng tế bào trong cơ thể hay sự thể hiện rõ nhất là từng nơ-ron từ từ biến đổi mạnh mẽ khiến cho tư duy, lối sống của tôi cũng đổi mới. Nói như thế có thể chỉ là cách nói cường điệu nhưng chỉ khi nào bạn chạm tới và cảm nhận, bạn sẽ thấy những năng lượng trong bạn được thức tỉnh và dâng trào mạnh mẽ khiến bạn phải thay đổi, phải biến đổi... Tôi dám nói như thế bởi tôi đã gặp được Người và đọc được cuốn sách khiến tôi thức tỉnh. Còn trong giới hạn của bài viết này, tôi xin chia sẻ những điều tôi có thể cảm nhận trong cuốn Cà phê cùng Tony và Trên Đường Băng của tác giả Tony Buổi Sáng.

Không phải sự tình cờ mà tôi đọc một cuốn sách. Chính thời gian loay hoay kiếm việc khiến tôi chông chênh, mất định hướng về cuộc đời mình. Và trong sự mất phương hướng đó, tôi đã tìm được kim chỉ nam cho mình. Có lẽ chính là thời điểm, hoàn cảnh khiến tôi khao khát tìm ra lối thoát nên tôi mới cảm nhận được sự ý nghĩa mà cuốn sách đó đem lại.

Tôi lướt web tìm việc và thấy tin tuyển trợ giảng cho một trung tâm dạy ielts. Điều đặc biệt khiến tôi tò mò là trong phần yêu cầu công việc có dòng chữ "ưu tiên ứng viên đã đọc qua Tony Buổi Sáng". Thế là tôi phải tìm và đọc Tony Buổi Sáng là cái gì?

Điều đầu tiên phải nói là tôi bị cuốn hút bởi giọng văn hài hước, dí dỏm nhưng sâu sắc của một người từng trải và phóng khoáng. Cứ mỗi lần đọc là tôi lại say sưa thức đêm dù rất buồn ngủ. Và cứ thế, càng đọc tôi lại càng muốn thay đổi nếp sống của mình để vươn ra biển lớn.

Bạn sẽ bắt gặp chính mình trong những tư duy yếu kém hay lối sống tiêu cực, buông thả. Bạn sẽ học hỏi từ những con người cố vươn lên, đè bẹp hoàn cảnh khốn khó của cuộc sống và đã gặt hái được thành công. Bạn mời gọi phải có lối tư duy tích cực, năng động, phải sống phóng khoáng, yêu thương và cho đi  để thay đổi "tư duy tiểu nông" thấp kém. Điều quan trọng là bạn luôn phải vượt lên chính mình, cố gắng học hỏi để tự hào sánh vai với bạn bè quốc tế. Và điều bạn có thể tìm được chính là tư duy làm chủ và định hướng khởi nghiệp.

Có thể bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn thế nữa khi đọc 2 cuốn sách trên hoặc theo dõi Fanpage Tony Buổi Sáng.

HỌC ĐẠI HỌC LÀ QUÃNG THỜI GIAN NÓ TIẾC NUỐI NHẤT

 


Giờ đây ở cái tuổi mà bạn bè nó đã yên bề gia thất thì nó vẫn đang quay cuồng học tiếng Đức để bắt đầu hành trình du học Đức của mình. Có quá trễ với nó hay không thì nó chỉ chặc lưỡi mà nói: nếu thấy trễ mà không làm thì biết đến bao giờ mới làm, còn vứt luôn cái mong muốn đó vào sọt rác thì nó không biết trong đời nó còn bao nhiêu lần hối tiếc vì đã không bắt đầu. Mà nói thật, lâu rồi không tập trung học nên rất cần thời gian tập lại thói quen này.

Nó không biết trong quãng thời gian bốn năm đại học nó đã làm gì mà giờ nó không thể cầm tấm bằng loại khá đó để đi xin việc. Thậm chí khi có người hỏi đã từng học ngành gì, nó cũng không dám trả lời bởi vì khả năng chuyên môn của nó chẳng hề tương xứng với tấm bằng nó đạt được. Hãy thôi hỏi nó học ngành gì, trường gì, bởi vì lỗi chẳng phải ở những kiến thức được giảng dạy, mức độ uy tín, danh tiếng của nhà trường hay khả năng của thầy cô mà ở chính tại người học. Dẫu biết rằng hệ thống giáo dục Đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng tư duy của người học mới quyết định quãng thời gian học đại học có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của họ sau này.

Bốn năm là quãng thời gian không dài so với đời người nhưng nó cũng không ngắn để hình thành hệ tư tưởng sống cũng như lượng kiến thức có thể được tiếp thu. Không quan trọng người ta dạy nó cái gì mà quan trọng là nó muốn học cái gì và phương pháp học của nó ra sao. Nếu thật sự muốn thì nó sẽ tự tìm hiểu và đào sâu kiến thức đó. Trải nghiệm nhiều phương pháp học để biết phương pháp nào giúp nó tiếp thu nhanh, cũng như tiếp nhận được lượng kiến thức lớn và tạo cảm giác hứng thú khi học. Bốn năm chịu khó, chăm chỉ học hành và phát triển bản thân để một quãng thời gian dài sau này hưởng những thành quả cũng đáng để đánh đổi chứ. Học cách đón nhận cảm giác khó chịu khi làm những việc khó khăn cũng là một kỹ năng cần rèn luyện. Mà thật ra cũng chẳng cần nghĩ là đánh đổi nếu biết tận hưởng trọn vẹn từng giây phút: Học ra học, chơi ra chơi.

Đáng lẽ quãng thời gian bốn năm đó nó phải làm những điều này chứ không phải đợi đến bây giờ. Nhưng chuyện gì cũng cần trải qua quá trình nhận thức. Nó nhận thức trễ hơn người khác thì giờ nó đi sau người khác là điều hiển nhiên. Nó có chút nuối tiếc nhưng nó đã dũng cảm đứng dậy để sau này không còn mãi tiếc hoài tuổi trẻ. Nó còn trẻ mà. Ừ thì nó tự nhủ mình còn trẻ nên phải bắt đầu sống cho đáng tuổi trẻ.

HÃY HỌC TIẾNG ANH NHƯ MỘT THÓI QUEN

 



Học tiếng Anh có mệt không? Mệt chứ! Nếu dễ dàng thì chắc ai cũng có thể giỏi tiếng Anh hết rồi. Mà thật ra học gì cũng mệt, học gì cũng có cái khó của nó. Nếu bản thân không đam mê, hứng thú hay năng khiếu thì phải chấp nhận một điều là phải kiên trì. Kiên trì cho việc mình làm trở thành thói quen. Khi thành thói quen rồi thì có thể sự cực nhọc sẽ được giảm bớt hoặc ít nhất bản thân sẽ không phải tìm lý do cho sự bắt đầu hay cái cớ để từ bỏ.

 

Giống việc tập cho một đứa trẻ thói quen đánh răng mỗi tối trước khi đi ngủ, mấy ngày đầu chắc chắn nó sẽ lười và hỏi bạn tại sao phải đánh răng mỗi tối, nó không đánh răng được không. Và sẽ viện đủ lý do để trốn việc đánh răng. Nhưng dần dần, ngày nào cũng bị ép đánh răng, không còn cách nào trốn tránh thì nó sẽ quen, sẽ không còn hỏi tại sao hay tìm cách không làm nữa. Và rồi nó trở thành việc làm quen thuộc mỗi tối, thậm chí không làm còn cảm thấy bức bối, thiếu thiếu.

 

Sức mạnh của thói quen là thế đó. Mà nhất là đối với ngôn ngữ thì cần “mưa dầm thấm lâu” và sự rèn luyện liên tục. Nếu mỗi ngày chỉ cần học 5 từ mới thì chắc không cần nỗ lực nhiều. Và tính thử xem, nếu học từ lớp 6 đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì đủ để bạn giỏi tiếng Anh chưa? 365 ngày nhân với 7 năm, nhân với 5 từ vựng mỗi ngày thì số từ vựng bạn có cũng 12.775 từ. Vậy thì điều quan trọng vẫn là tạo thói quen học tiếng Anh mỗi ngày một ít.

 

Nhìn mấy đứa em của tôi đi học phổ thông, tôi nhớ lại quãng thời gian học sinh của mình. Ngày nào cũng chạy xe nửa tiếng đồng hồ để đến trường, dù trời nắng hay trời mưa. Chưa kể những ngày học hai buổi, phải vật vờ lang thang trên trường cả ngày. Phải học thuộc biết bao nhiêu môn học, vậy mà tôi cũng trả qua quãng thời gian đó mà không một lần suy nghĩ sẽ nghỉ học. Hoặc vì nghỉ học thì không biết mình làm gì, phải học cho giống người ta. Hoặc đó chính là thói quen.

 

Thế mà khi đặt vấn đề học tiếng Anh thì năm lần bảy lượt tôi nói ngày mai học, rồi ngày mai lại trở thành ngày mốt. Khất lần khất lượt thì cũng tốn mất mười mấy năm trời. Vậy nên hãy sắp xếp thời gian học tiếng Anh vào thời gian cố định trong thời gian biểu của bạn như việc bạn phải bắt buộc đến trường mỗi ngày khi là học sinh. Và cứ đến giờ đó là ngồi vào bàn học, dù học một từ cũng được, ba từ cũng chẳng sao, miễn sao có học thì sẽ có ngày giỏi. Và đôi khi mệt mỏi hay có việc đột xuất thì cũng chỉ cho phép nghỉ một ngày hay tối đa là hai ngày và tự cam kết là sẽ quay lại học. Đừng cắm đầu cắm cổ học thật nhiều rồi nghỉ ngắt quãng cũng thật lâu. Như thế sẽ không thể tạo thành thói quen được. Và mỗi lần bắt đầu lại rất khó khăn và trí nhớ thì sẽ tinh khôi như ngày đầu chưa học gì.

 

Do đó, hiện nay mỗi tối trên kênh youtube của tôi đều công chiếu video tiếng anh để mọi người tạo thói quen bật lên nghe mỗi tối. Chỉ cần bật chuông thông báo, mỗi tối lúc 21h30 sẽ có thông báo đến youtube của bạn. Và như một thói quen, bạn chỉ cần bật lên nghe. Tập trung nghe hay bật lên bỏ đó đi ngủ cũng được. Miễn sao bản thân cho phép tiếng Anh được thấm vào não và ý thức mình phải trau dồi tiếng Anh mỗi ngày là được. Rồi sẽ đến lúc, việc học tiếng Anh sẽ không còn là việc bạn phải đấu tranh, vật lộn mỗi ngày nữa. Chúc bạn thành công.

 

Kênh youtube của mình: http://www.youtube.com/c/EuRoyOfficial


SUY NGHĨ KHIẾN BẠN KHÓ HỌC ĐƯỢC NGOẠI NGỮ

 


Những câu nói quen thuộc của người không học được ngoại ngữ thường là: “Tiếng Anh khó quá”, “Tôi không thể học được Tiếng Anh”, “Tôi không có năng khiếu ngôn ngữ”. Chính những suy nghĩ đó sẽ khiến bản thân không muốn học hoặc có học thì cũng sẽ cảm thấy đầy mệt nhọc, đòi hỏi cố gắng rất nhiều và sẽ có muôn vàn lý do để bỏ cuộc. Vậy thì muốn chinh phục được Tiếng Anh hay bất kể ngoại ngữ nào, điều đầu tiên nên làm là thay đổi tư duy nếu vướng phải những suy nghĩ đó.

Trước hết phải xác định rằng Tiếng Anh có khó không? Nếu như bạn cố gắng học hoài mà không giao tiếp được bằng Tiếng Anh thì thật khó để trả lời cho bạn tin rằng tiếng Anh không khó. Khó hay dễ nó còn tùy thuộc vào cảm nhận và khả năng của mỗi người. Nhưng bạn thử nghĩ xem tại sao Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, nghĩa là bất cứ người nước nào cũng có thể nói Tiếng Anh. Có thể vì Anh, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới mà họ nói Tiếng Anh nên để giao thương với họ thì buộc các nước khác cũng phải biết Tiếng Anh. Nếu bỏ qua các yếu tố Kinh tế, Chính trị, Văn hóa này kia thì có một điều mà nhiều người phải công nhận là Tiếng Anh, nếu so với tất cả ngôn ngữ trên thế giới thì nó tương đối dễ để những người thuộc ngôn ngữ mẹ đẻ khác có thể học. Số lượng người nói tiếng Anh ngày càng nhiều, nước nào cũng có rất nhiều người nói tiếng Anh, thậm chí còn coi là ngôn ngữ thứ hai. Thế thì có thể đánh giá tiếng Anh là ngôn ngữ dễ học với nhiều người.

Nếu bạn học những ngoại ngữ khác thì chắc bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Tôi đang trong quá trình học tiếng Đức thì tôi cảm nhận tiếng Đức phức tạp hơn tiếng Anh nhiều. Và người Việt có điểm lợi là chữ viết bắt nguồn từ chữ La-tinh nên cách viết và phát âm cũng có thể dễ học hơn những nước dùng hệ chữ khác. Còn nếu bạn thấy những ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn, Thái… dễ tiếp thu hơn tiếng Anh thì tôi cũng đồng ý. Tôi cũng có dịp tiếp xúc với tiếng Thái và tôi thấy nó có nhiều điểm giống tiếng Việt nên dễ học thật. Chắc vì văn hóa Châu Á khá giống nhau nên cách nói chuyện cũng có nhiều nét tương đồng. Nếu bạn thấy ngoại ngữ khác dễ hơn tiếng Anh thì bạn cứ học ngôn ngữ đó. Và tôi tin chắc rằng nếu chinh phục được một ngoại ngữ rồi thì bạn sẽ biết cách học ngôn ngữ khác.

Vậy thì cũng nên loại bỏ suy nghĩ: “Tôi không thể học được tiếng Anh”. Đã nghĩ là không thể thì tại sao phải cố làm, đúng không? Nếu suy nghĩ như vậy thì nhìn đâu cũng thấy khó, học gì cũng thấy mệt. Nên muốn thành công thì bản thân phải tin rằng mình học được. Có đứa trẻ nào nghĩ rằng nó không học được tiếng Việt không? Hay trước sau gì nó cũng nói được nếu nó không bị câm điếc bẩm sinh. Có đứa trẻ nào mà mới bảo “nói ba đi con” là nó phát âm được tiếng “ba” ngay đâu. Nó cũng phải trải qua quá trình nghe mà không hiểu gì, nghe hiểu nhưng không nói được, nói được nhưng sai tè le. Nhưng mà nó đúng cũng nói, sai cũng nói. Hỏi cái này là cái gì, cái kia là cái chi. Luôn lắng nghe và lặp lại lời nói của người lớn. Chẳng bao giờ nó nói nó không học được tiếng Việt đâu, đừng bắt nó nói nữa (à mà nó không biết nói nhưng chắc nó cũng không có suy nghĩ đó đâu nhờ). Vậy thì có lúc người lớn cũng nên học hỏi tinh thần tự tin, dám sai và hoàn thiện dần như trẻ nhỏ. Đừng đóng khung trong suy nghĩ “tôi không thể” mà giới hạn bản thân.

Bạn có thể nói mình không có năng khiếu ngôn ngữ. Tôi đồng ý. Nhưng không đồng nghĩa với việc bạn không thể học ngôn ngữ. Đứa trẻ có đứa hơn 1 tuổi biết nói, có đứa hơn 2 tuổi mới biết nói. Nó còn tùy vào khả năng tiếp thu ngôn ngữ mà ta có thể tạm gọi là năng khiếu. Nhưng tôi nhắc lại đứa trẻ nào cũng nói được nếu nó không bị câm điếc bẩm sinh. Ta chỉ có thể nói rằng nếu có năng khiếu ngôn ngữ thì bạn có thể học ngôn ngữ nhanh hơn người khác, nói hay hơn, hoạt ngôn hơn. Như trong tiếng Việt, dù là tiếng mẹ đẻ nhưng có người cảm thấy khó khăn khi giao tiếp diễn tả bản thân với người khác, chẳng biết nói gì, nhưng cũng có người thích nói, thoải mái nói mọi thứ trên đời; có người viết văn hay, cũng có người thấy khó nhọc khi phải ngồi viết. Nó thuộc về khả năng ngôn ngữ. Nhưng nhìn chung ai sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, dù giỏi hay không giỏi.

Cho nên một câu nói kinh điển là “nếu bạn nói được tiếng Việt thì bạn cũng có thể nói được tiếng Anh”. Vậy thì hãy học đi, “tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh”! Cố lên!!!


ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KÊNH YOUTUBE

 


Gửi những người đã yêu thương và ủng hộ kênh youtube của mình,

Vì một cơ duyên nào đó mà bạn biết đến kênh youtube của mình. Xin gửi một lời cảm ơn chân thành của mình đến các bạn. Mình biết rằng các bạn đến với kênh của mình với mong muốn trau dồi khả năng tiếng Anh. Và khi nhận được sự ủng hộ cũng như những tin nhắn chia sẻ của nhiều người, mình thấy việc mình làm thật ý nghĩa và càng thôi thúc mình cải thiện kênh tốt hơn để có thể giúp ích cho mọi người.

Tính đến thời điểm này cũng gần 2 năm mình bắt đầu đăng tải những video lên youtube. Ban đầu là những clip về cuộc sống thực tập sinh nông nghiệp tại Israel. Tham gia chương trình đó đã góp phần giúp mình phát triển bản thân và định hướng cuộc đời nên mình muốn nhiều người biết đến và tin tưởng tham gia chương trình.

Làm clip về thực sinh Israel hơn 1 năm mà số lượng đăng ký bèo bọt, nhưng vì muốn chia sẻ nên mình vẫn tiếp tục. Rồi mình có post một clip về tiếng Anh khi ngủ để giúp thực tập sinh bên Israel trau dồi thêm. Không ngờ clip này lại được nhiều người biết đến. Thế là mình đã quyết định làm chủ đề tiếng Anh nhẹ nhàng để mọi người nghe trước khi ngủ.

So với định hướng ban đầu của kênh “PHÁT TRIỂN BẢN THÂN VÀ VƯƠN RA THẾ GIỚI” thì tiếng Anh cũng là một phần của hành trình đó.

Giữa muôn vàn kênh học tiếng Anh thì mình tin rằng mọi người có thể tìm thấy những điều bổ ích mình cần. Riêng kênh của mình, mình sẽ làm những điều nhẹ nhàng thích hợp với tính cách của mình. Và đặc biệt là chia sẻ lộ trình học tiếng Anh từ đầu để mọi người có thể tự học tốt nhất.

Nói một chút về hành trình học tiếng Anh của mình để mọi người xem có thể đồng hành cùng mình hay không? Bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 6, tốt nghiệp 12, mình vào đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Thế nhưng từ một đứa tỉnh lẻ vào Sài Gòn học thì mình thấy khả năng tiếng Anh của mình chẳng bằng ai. Hơn nữa hồi cấp 3 toàn học theo kiểu kiểm tra điểm cao là mừng nên nghe nói cực tệ. Càng học càng thấy mình dốt nên sinh ra chán ghét tiếng Anh. Thế mà cũng lê lết ra trường với tấm bằng khá. Chắc do may mắn hoặc biết cách học để làm bài kiểm tra giấy. Ra trường xem như thoát nạn và cũng chẳng mảy may đụng chạm đến tiếng Anh nữa.

Thế thì xác định tiếng Anh của mình không phải dạng thượng thừa hay có thể giao tiếp lưu loát đâu. Nói đến đây có thể nhiều bạn sẽ vỡ mộng vì từng nghĩ mình giỏi tiếng Anh và có thể nhờ mình chia sẻ để cải thiện tiếng Anh.

Vậy thì mình có tư cách gì để làm kênh học tiếng Anh? Như mình đã nói, mục đích ban đầu không phải làm về tiếng Anh và sau này cũng sẽ không phải để dạy tiếng Anh hay thể hiện khả năng tiếng Anh của mình. Chỉ đơn giản mình cũng đang trên hành trình học lại tiếng Anh từ đầu nên muốn đăng tải những tài liệu mình học để lưu lại và những người cùng cách học với mình có thể tham khảo.

Là một người chán ghét tiếng Anh, giờ đang học tiếng Đức và từng tiếp xúc với tiếng Thái, tiếng Pháp, mình vỡ lẽ ra nhiều điều về ngôn ngữ và cũng biết cách học phù hợp với tính cách của bản thân. Vậy là mình quay lại học tiếng Anh và cũng có ý định sau này sẽ học tiếng Hàn hay tiếng Trung…

Trải nghiệm học ngôn ngữ là điều riêng biệt đối với mỗi người. Nên những chia sẻ của mình sẽ là duy nhất và chỉ phù hợp với những người cùng tính cách và cách học giống mình.

Đối với mình, giai đoạn đầu tiên khi học ngôn ngữ là cảm âm. Bạn nào theo dõi kênh của mình thì cũng biết. Đó là giai đoạn nghe một cách thụ động trong khi làm, khi ngủ, không nhất thiết phải hiểu, chỉ cần nghe được từng âm phát ra như thế nào, một từ có những âm nào, cách ngắt nghỉ, nhịp điệu ra sao…Sau đó sẽ đến nghe chủ động. Nghĩa là nghe hiểu nội dung.

Hai giai đoạn này mình đã làm thành hai playlist riêng và có bài viết về hai giai đoạn này trong phần mô tả của những clip đó.

Mình sẽ post những clip này liên tục mỗi ngày vào 21h30. Bạn nào thấy phù hợp thì chịu khó nghe mỗi tối trước khi đi ngủ (mình chỉ chèn quảng cáo đầu clip nên sẽ không bị gián đoạn vì quảng cáo. Mong các bạn ủng hộ xem quảng cáo để mình có động lực tiếp tục J )

Tiếp theo hai giai đoạn này thì sắp tới mình có chuẩn bị giáo trình học tiếng Anh từ đầu, lồng ghép giao tiếp và ngữ pháp cho người không biết gì học lại. Hiểu được vấn đề là nhiều kênh làm về tiếng Anh nhưng ít có kênh làm bài bản từ đầu và theo lộ trình học cụ thể nên mình sẽ ráng làm tốt nhất có thể.

Ngoài ra, mình sẽ post những bài viết truyền động lực hay những chia sẻ về hành trình học tiếng Anh trên tab cộng đồng. Các bạn có thể đón đọc vào tối thứ 7.

Lời cuối cùng thì mình vẫn muốn cảm ơn những người đã ủng hộ mình một lần nữa. Và hy vọng chúng ta sẽ có những trải nghiệm thú vị khi cùng nhau chinh phục lại tiếng Anh. Trên hành trình này, chúng ta sẽ không cô đơn vì bên ngoài kia vẫn có biết bao nhiêu người đang cố gắng học tiếng Anh mỗi ngày. Mình sẽ rất vui khi được nghe những góp ý và phản hồi tích cực từ mọi người.

 KÊNH YUTUBE: https://www.youtube.com/channel/UCKAR4nna9j3oTAXkZR5r6XQ

Hãy kết nối với mình qua:

- Facebook: euroyofficial (EuRoy)

- instagram: euroyofficial

- Email: [email protected]

- Blog: euroyofficial.com

 

Chúc các bạn học tốt!

PHƯƠNG PHÁP HỌC NGOẠI NGỮ HIỆU QUẢ NHẤT

 


Một điều thường thấy ở người học ngoại ngữ là họ luôn khao khát biết một cách học ngoại ngữ hiệu quả nhất, vừa nhanh nhớ, vừa lâu quên và có thể giúp họ nói thông thạo trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu nhìn một đứa trẻ khi bắt đầu học tiếng mẹ đẻ, nó cũng không hiểu gì và xem đó như một ngoại ngữ. Nhưng chúng có bao giờ hỏi bạn: làm sao để học tiếng việt hiệu quả không? Chúng chỉ hỏi: “Cái này là cái gì? Cái này là cái gì?” Mà chắc chúng cũng không xem quá trình tiếp thu ngôn ngữ của nó là học nữa. Chỉ đơn giản là nó thích thú khi nghe hiểu và nói lại được những gì người lớn dạy.

Nhưng nói với người lớn là hãy cứ học ngôn ngữ theo cách đơn giản của trẻ nhỏ thì chắc không ai nghe. Người lớn “hiểu chuyện” và luôn muốn mọi thứ tốt nhất, nhanh nhất. Nên nếu phải trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào học ngoại ngữ hiệu quả nhất?” hay “phương pháp học ngoại ngữ tốt nhất” thì mình có thể nói là “hiểu bản thân”. Trong mọi việc, nếu hiểu rõ bản thân thì sẽ có cách giải quyết và phương pháp làm phù hợp với mình.

Khi hiểu bản thân thì bạn sẽ biết thời gian  nào trong ngày bản thân tập trung và tiếp thu tốt nhất, điều gì làm bản thân dễ xao nhãng, để lựa chọn thời gian và không gian học phù hợp. Nhưng trong bài này mình chỉ nói xơ về việc hiểu bản thân giúp bạn lựa chọn phương pháp và tài liệu học.

Nếu tìm hiểu về phương pháp học ngoại ngữ thì chắc hẳn trên mạng đầy rẫy câu trả lời. Nhưng đã bao giờ bạn áp dụng một phương pháp được nhiều người ca tụng và rất nhiều người đã áp dụng thành công mà bản thân bạn lại không thể tiếp thu được gì chưa. Phương pháp là thế nhưng vẫn phải biết cách áp dụng phù hợp với bản thân. Chỉ những cái xuất phát từ trải nghiệm của bản thân thì mình mới dễ tiếp nhận, còn không thì chỉ là lý thuyết, sách vở.

Có những người nhạy cảm với âm nhạc nên học từ vựng phải gắn cho nó tiết tấu, học qua bài hát rất hiệu quả. Có những người lưu trữ thông tin âm thanh, họ không thể yên lặng ngồi học, phải nghe người khác lặp đi lặp lại, thâu âm và nghe âm thanh bài học thì họ mới nhớ. Có người ghi nhớ hình ảnh rất tốt, họ lưu trữ thông tin qua màu sắc, hình vẽ… Còn có những người lại thích học ngoại ngữ qua phim ảnh.

Nếu bạn là người học tiếng Anh qua phim ảnh thì chắc bạn sẽ nghe nhiều người học qua phim Friends. Nhưng đối với mình, mình không hứng thú khi xem phim đó nên cũng không thể học. Do đó, lời khuyên “phải bắt đầu từ những chủ đề mà bản thân hứng thú” hay “chọn tài liệu phù hợp với trình độ của bản thân” đặt ra vấn đề là phải hiểu bản thân. Hiểu bản thân tính cách thế nào, thích gì, phù hợp với cái gì sẽ giúp bạn lựa chọn tài liệu và cách học phù hợp, giúp tập trung và duy trì hứng thú khi học.

Nếu bạn chưa hiểu bản thân, chưa biết phương pháp nào phù hợp với mình thì hãy tìm hiểu những phương pháp trên mạng. Thử để biết nó có thích hợp với mình không. Và khi chọn được phương pháp hiệu quả với bản thân rồi thì đừng tìm kiếm phương pháp hiệu quả hơn nữa. Cứ kiên trì theo phương pháp đó bởi phương pháp nào thì cũng cần phải luyện tập thường xuyên. Thay vì dành thời gian tìm kiếm phương pháp này phương pháp kia thì hãy tập trung học từng chút một, tích đủ lượng thì chất sẽ thay đổi, học đủ nhiều thì bạn sẽ giỏi.

Mình không phù hợp với những tài liệu ngữ pháp khô khan hay những video ồn ào, nhịp độ nhanh nên chọn những clip nhẹ nhàng kiểu tâm sự dễ nghe. Vì thế, nếu bạn thấy những video mình làm phù hợp với bạn thì cứ thử kiên trì học nó nhé. Chúc bạn thành công.

 

CÁC BẠN CÓ THỂ GHÉ KÊNH YOUTUBE HỌC NGOẠI NGỮ CỦA MÌNH

Tiếng Anh: https://www.youtube.com/channel/UCKAR4nna9j3oTAXkZR5r6XQ

Tiếng Đức: https://www.youtube.com/channel/UCg4uNDyP2N8kBAXv9mpYPeg


LUYỆN NGHE NGOẠI NGỮ CHỦ ĐỘNG

 


Như mình đã nói trong bài trước, giai đoạn cảm âm chỉ có hiệu quả lúc ban đầu và chỉ có thể giúp bạn nhận biết, phân tách các âm giúp bạn nghe rõ âm chứ không thể nghe hiểu. Muốn nghe hiểu thì bạn phải luyện nghe chủ động, nghĩa là chú ý lắng nghe và cố gắng hiểu ý người nói.

Sau những tháng nghe mà không hiểu thì những đứa trẻ sẽ dần biết cách để hiểu ý người lớn nói gì. Chúng sẽ tự biết gán ghép lời nói của người lớn vào những sự vật, hành động mà chúng nhìn thấy. Những biểu hiện của cảm xúc, hành động của người nói và ngữ điệu cũng giúp chúng hiểu ngữ cảnh của từ ngữ khi nghe. Chúng ta học ngoại ngữ thì không có môi trường bản ngữ như đứa trẻ học nói. Do đó, để học một cách hiểu quả chính là tạo ra môi trường ngôn ngữ, việc học qua phim ảnh phần nào hữu ích vì các cảnh phim mô tả lại hoạt động sống có ngữ cảnh, sự vật, sự việc, âm thanh và cảm xúc chân thật.

Tiếp theo giai đoạn này thì những người xung quanh bắt đầu dạy trẻ những từ đơn như ba, mẹ, cơm, cháo… Giai đoạn này thì chúng bắt đầu hiểu người lớn nói gì nhưng lại không thể nói, chỉ có thể ú a ú ớ. Như thế, khi người lớn học ngoại ngữ cũng phải chấp nhận một sự thật là phải nghe hiểu trước khi nói được.

Có một điều mà khi học ngoại ngữ, người lớn khác trẻ em đó là người lớn phải hiểu mới nói lại được hay rất khó để nhớ được một câu, một cụm từ hay thậm chí là một từ đơn khi chúng ta không nhìn mặt chữ hoặc không hiểu. Do đó, thay vì theo tiến trình của đứa trẻ học nghe, nói, đọc, viết thì người lớn lại học nghe, đọc sau đó mới đến nói, viết.

Do đó, để luyện nghe hiểu thì nên kiếm tài liệu có âm thanh và phụ đề để vừa nghe, vừa đọc hiểu. Khi vừa nghe vừa nhìn mặt chữ thì não bộ sẽ đồng bộ âm thanh và chữ viết, giúp ghi nhớ tốt hơn.

Bước đầu tiên khi luyện nghe hiểu chủ động là đọc, dịch phụ đề để lọc từ vựng, học từ mới để hiểu nội dung bài nói rồi mới nghe xem mình hiểu được bao nhiêu. Sau đó vừa nghe vừa nhìn phụ đề đến khi tốc độ nghe hiểu ổn thì bỏ phụ đề đi, cứ nghe đi nghe lại bài đó cho đến khi bản thân nghe hiểu được nội dung hoặc theo kịp tiến độ của người nói.

Lúc này, chất lượng tốt hơn số lượng, nghĩa là đã học bài nào thì học cho đến khi nghe hiểu và nhớ được từ vựng của bài đó mới chuyển sang bài khác.

Hiện nay có rất nhiều kênh học tiếng anh nên tài liệu rất phong phú. Còn mình làm clip nhẹ nhàng, những câu chuyện nghe trước khi ngủ nên mình sẽ cố gắng làm engsub, vietsub và list từ vựng cho những bài nghe này. Hy vọng sẽ giúp được mọi người. Chúc các bạn học tốt.

TRUY CẬP KÊNH YOUTUBE:

https://www.youtube.com/channel/UCKAR4nna9j3oTAXkZR5r6XQ


NGẠI BẮT ĐẦU

 


Hôm qua, thật không may khi tôi tải tài liệu chứa virus về máy. Thế là nguyên đống dữ liệu trong máy đã bị phá hỏng. Phải cài lại máy và mất hết dữ liệu. Buồn, tiếc nuối, tự trách vì sao không cẩn thận với mấy phần mềm miễn phí trên mạng, nhưng biết làm sao bây giờ ngoài việc tự nhủ bản thân ráng lấy lại tinh thần rồi bắt tay vào làm lại từ đầu.

So với việc mất laptop vào giai đoạn làm đồ án tốt nghiệp thì giờ còn đỡ hơn nhiều. Ít ra tôi chỉ tốn công làm lại những tài liệu đã mất chứ không phải bỏ tiền mua laptop mới. Biết là thế nhưng việc bắt đầu lại mọi thứ khiến tôi thật ngán ngẩm. Nghĩ đến biết bao nhiêu thứ phải làm khiến tôi chẳng muốn bắt đầu chút nào.

“Trước sau gì cũng phải làm, vậy tại sao phải nghĩ nhiều, cứ bắt tay vào làm rồi sẽ xong”. Nếu cứ đứng ngoài mà nhìn một núi công việc thì chẳng muốn làm đâu. Cứ xắn tay áo lên và lao vào thôi. Cảm giác khó chịu lúc đầu rồi sẽ dần quen. Chứ cứ chần chừ và nghĩ ngợi thì càng lười nhác và công việc thì càng chất chồng. Nghĩ thế, nguyên ngày hôm nay tôi đã tập trung làm lại những tài liệu quan trọng và bỏ qua những thứ không quá cần thiết.

Lúc trước laptop của tôi luôn đầy dữ liệu mà khi muốn dọn dẹp tôi cứ tiếc cái này, xót cái kia, thậm chí có những dữ liệu tôi biết sẽ hiếm khi mở ra nhưng lại không muốn bỏ. Xem ra qua tai nạn này, tôi cũng biết phải buông bỏ, dọn dẹp những thứ ít quan trọng để nhẹ nhàng, thoải mái và tập trung cho điều chính yếu hơn.

Đúng là trên đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Không phải cứ cố gắng thì sẽ đạt được điều mình muốn và mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Luôn có những trở ngại khiến bản thân nhụt chí. Khi gặp trở ngại, bản thân tôi luôn tự hỏi tại sao mình lại phải “sống khác” như vậy. Có phải lựa chọn “ngày đi làm, tối về ngủ” thì đỡ mông lung, vô định hơn không? Nhưng nói gì thì nói không ai có thể chắc chắn tương lai sẽ như thế nào nên không có lựa chọn nào tốt hơn lựa chọn nào. Đã quyết định thì phải quyết tâm tiến về phía trước cho đến khi bản thân nhận rõ đích đến là thành công hay thất bại.

Nếu lạc quan thì xem trở ngại này là thử thách, vượt qua được sẽ khiến bản thân mạnh mẽ hơn. Nếu bi quan chút thì đó lại là khó khăn rồi hoài nghi lựa chọn của bản thân. Thôi thì lựa chọn lạc quan.

Không có thứ gì trên đời bản thân có thể kiểm soát hoàn toàn cả. Chỉ biết cố gắng làm chủ bản thân để phòng tránh những điều đáng tiếc trong cuộc sống và luôn đối mặt với những thử thách với tinh thần lạc quan.

Trái đất vẫn cứ quay , mọi thứ vẫn phải vận hành. Nếu không cố gắng làm việc này thì cũng cố gắng làm việc khác. Chẳng thể mãi tự nhủ bản thân đang rất ổn hoặc ở lì để mãi tồn tại trong sự lười biếng được.


CỐ GẮNG BAO NHIÊU LÀ ĐỦ


 

Dù đã nghe danh tiếng nhiều lần nhưng chỉ sau những thành công vang dội của ca khúc Dynamite mới đưa tôi đến với BTS. Tôi bắt đầu ngưỡng mộ họ không đơn giản vì họ hát hay, nhảy đẹp hay có phong cách thu hút mà còn bởi vì tinh thần tích cực họ truyền tải qua âm nhạc. Tôi có thói quen tìm hiểu về hành trình phát triển của những người thành công để học hỏi. Và một lần nữa, tôi cảm phục họ vì những cố gắng dấn thân lớn lao trên bước đường theo đuổi đam mê. Điều đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.

Tôi cực kỳ bị xúc động khi chứng kiến những cố gắng, tinh thần chịu khó vươn lên của người khác. Chẳng khó hiểu khi tôi khóc trong lúc xem “Cuộc đua kỳ thú” hay bất cứ chương trình nào mà có cảnh nhân vật chấp nhận những khó khăn, thử thách, mãi không đầu hàng mà bất chấp mọi thứ để vượt qua.

Nếu vào trang facebook cá nhân của tôi, bạn sẽ thấy châm ngôn sống “Đừng chọn an nhàn vào lúc bản thân còn có thể cố gắng”. Tôi luôn tin rằng kiên trì cố gắng đúng cách thì sẽ thành công. Nếu chưa có kết quả thì một là kiên trì thêm, hai là cố gắng thêm, ba là thay đổi cách thức.

Vậy thì phải cố gắng như thế nào, cố gắng đến mức độ nào là hết sức. Cố gắng đến khi không có thời gian nghỉ ngơi, cố gắng đến phải nhập viện vì kiệt sức. Nếu thế thì tôi vẫn chưa cố gắng hết sức.

Chỉ có bản thân mới là người hiểu rõ nhất bản thân đã cố gắng hay chưa và đã cố gắng đến mức độ nào. Bản thân tôi, khi người khác nhìn vào, họ có thể thấy tôi không đi làm, không kiếm ra tiền, ngày ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà hay dán mắt vào màn hình laptop hay điện thoại. Họ có thể nói bất cứ điều gì tệ hại về tôi. Nhưng chỉ tôi mới biết rằng: có những hôm 23 giờ tôi vẫn chưa ngủ nhưng thức dậy lúc 4 giờ để làm gì và vì điều gì. Dù có cố gắng như thế nào thì những điều tôi làm có nghĩa gì khi cái mọi người cần là kết quả.

Kết quả là điều quan trọng, tôi đồng ý. Nhưng điều tôi nhắm đến vẫn là hưởng thụ quá trình. Chẳng ai biết chắc chắn rằng việc mình làm sẽ đem lại thành quả hay không. Nên quá trình sẽ vô nghĩa khi chỉ chăm chăm, thục mạng vì chờ đợi kết quả mà không được gì. Nếu mỗi giây phút trên hành trình tiến về đích đến mong muốn mà bản thân luôn biết cách tận hưởng nó thì dù kết quả có như thế nào, bản thân cũng đã có những phút giây tuyệt vời. Nhưng luôn nhớ rằng đừng bao giờ bản thân phải hối tiếc vì mình chưa cố gắng.

Khi tôi biết đâu là giới hạn của bản thân, cân bằng để bản thân cảm thấy vui vẻ bước tiếp trên hành trình mình chọn thì dẫu có cố gắng bao nhiêu, sẽ không có khi nào là quá sức. Khi động lực đủ lớn thì cứ thêm một chút cố gắng, cố gắng thêm chút nữa cũng chẳng sao.  Và khi tôi mệt mỏi, chỉ cần cho phép bản thân nghỉ mệt mà không sợ bản thân bị tụt lùi rồi lại đứng lên, tiếp tục cố gắng thì hành trình vươn lên những điều tốt đẹp luôn chờ đợi tôi.

Hoặc giả dụ tôi không muốn cố gắng cũng không sao. Có lẽ tôi hài lòng với hiện tại và đây chưa phải lúc cần tôi phải cố gắng. Nếu muốn cố gắng thì cũng phải biết mình cố gắng vì điều gì hay tại sao mình phải cố gắng, chứ thấy người khác cố gắng mà đem lòng trách cứ bản thân chưa cố gắng thì tội nghiệp lắm. Không cần cố gắng vì những việc to tát, hãy cứ thêm một chút cố gắng trong những việc dù là nhỏ nhặt hằng ngày, rồi sẽ đến một ngày mình sẽ biết cố gắng vì những điều vĩ đại.

BỨC THƯ KHÔNG GỬI BỐ MẸ

 


Bức thư không địa chỉ gửi cũng không địa chỉ nhận. Bức thư không bao giờ gửi bởi con sẽ giữ nó. Để mỗi khi con làm điều gì khiến bố mẹ phiền lòng, hoặc khi tìm một lý do để sống tốt hơn, con sẽ đọc lại nó.

Đã nhiều lần con muốn hỏi bố mẹ một câu: “Bố mẹ có thấy xấu hổ khi có người con như con không?”. Nhưng rồi tự con cũng tự tìm được câu trả lời. Càng trưởng thành, càng va chạm với cuộc sống, con càng cảm nhận được tình thương của bố mẹ dành cho những tụi con. Con hiểu rằng: không phải cha mẹ nào cũng thương con cái như bố mẹ. Tình thương của bố mẹ thật to lớn mới có thể làm được những việc mà không phải thứ trách nhiệm ràng buộc nào có thể khiến người ta cam tâm tình nguyện thực hiện đến thế. Nhưng tình thương ấy thật sự đã khiến cho cuộc đời của bố mẹ hạnh phúc hay chỉ mang lại những nỗi đau chất chồng.

Những năm tháng lăn lộn trên trường đời khiến con học được nhiều bài học về cuộc sống nhưng những tháng qua sống với bố mẹ lại giúp con hiểu được những bài học về làm con. Nhìn cách sống của những đứa em nhỏ mà con giật mình nhìn lại: không biết lúc trước mình có đối xử với bố mẹ như thế không?

Con đã từng nói với bố mẹ: “Sau này, con sẽ không sống cuộc đời giống bố mẹ”. Có bao giờ cuộc đời bố mẹ cảm thấy hạnh phúc vì đàn con này chưa hay chúng con chỉ mang lại lo âu, phiền muộn, thậm chí là tai họa cho bố mẹ. Con không sống cuộc đời lam lũ vì con cái như bố mẹ. Con sẽ không hy sinh vì con cái như bố mẹ. Con sẽ không sống vì con cái như bố mẹ.

Nếu phải kể ra những gánh nặng mà bố mẹ phải chịu khi nuôi nấng con thì kể đến bao giờ. Kể về những lần trắng đêm khi con trở bệnh hay kể về những lần một mình mẹ phải cáng đáng việc nhà cả tháng trời khi bố phải cùng con nằm ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Kể về nước sữa, cơm gạo nuôi con hay còn phải kể về những món đồ con đòi hỏi bố mẹ mua cho bằng được. Kể về những nỗi lo cho con học hành nên người hay kể về những bận tâm vì tương lai mịt mù của con. Kể về những buồn giận khi con ngỗ nghịch không vâng lời hay còn phải kể về những đau đớn, mát mất khi con vấp ngã trên đường đời. Kể, kể và ...  kể. Sẽ phải kể đến bao giờ nhưng bố mẹ lại không kể. “Bố mẹ chẳng mong con trả ơn hay chăm sóc bố mẹ lúc về già”. Đó là lời bố mẹ vẫn hay nói với con. Chỉ một mình con thôi đã khiến bố mẹ vất vả nhiều đến thế thì nhà mình có tám đứa con, bố mẹ có dành cả đời để kể không? Đúng là chẳng còn hơi sức để kể.

Bố từng post facebook câu nói này:

“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo khó.

Rồi lớn lên với cuộc sống cơ hàn

nên tôi quý trọng những thứ tôi đang có.

Biết làm gì lúc sóng gió gian nan.

Cha mẹ tôi là nông dân lam lũ

tấm lưng chẳng kịp ráo mồ hôi ..

nhưng tôi không cúi đầu hay tủi hổ

Bởi riêng tôi họ đẹp nhất trên đời”

Đọc xong, con tính bình luận nhưng sợ bố mẹ không hiểu hết ý của con sẽ khiến bố mẹ buồn.

Nhà mình được như hiện nay là do bố mẹ đã hy sinh, phấn đấu rất nhiều. Con hiểu điều đó. Không cần phải nói về “công cuộc làm việc” xây dựng gia đình của bố mẹ, chỉ cần nhìn bố lom khom đổ từng bình nước, mẹ cặm cụi nướng từng cái bánh tráng để nhặt nhạnh từng đồng thì cũng đủ thấy sự cố gắng đến nhường nào. Lời lãi gì một ngàn như thế. Bản thân con cũng thử làm, nó đâu sung sướng gì nhưng bố mẹ vẫn chấp nhận làm chỉ để lo cho đàn con.

Nhưng có đứa nào vì thế mà phụ giúp bố mẹ hay cố gắng phấn đấu vì tương lai phụng dưỡng bố mẹ đâu. Khác câu trên facebook bố post, nhà mình không nghèo khó để con cái trân quý những gì đang có hay phấn đấu vươn lên. Nhà mình cũng chẳng thuộc hạng giàu có để con cái thoải mái ăn xài mãi không hết. Nhà mình cứ tà tà như này nên hiện tại, cuộc đời đứa nào cũng lưng chừng như thế. Hoặc đáng buồn hơn là còn không biết bố mẹ đã cực khổ thế nào mà cứ dựa dẫm vào bố mẹ.

Không biết sau này, mấy đứa em có biết ơn vì bố mẹ đã chăm sóc tụi nó tận tâm đến thế hay lại đi trách cứ bố mẹ đã giành hết việc để tụi nó không biết làm gì cả. Cũng không thể trách được ai vì tụi nó vẫn cần trải nghiệm để trưởng thành hơn. Nhưng con hy vọng rằng: những gì bố mẹ đang hy sinh vì tụi con là vì bố mẹ vẫn cảm thấy vui vẻ khi làm điều đó.

Thôi chắc con sẽ dừng tại đây thôi. Viết dài quá sau này đọc lại mệt lắm. Đấy! Con vẫn lười như thế bố mẹ à. Nên dù có nhận thức mình phải thay đổi để sống vui lòng bố mẹ hơn nhưng con vẫn không thể sửa đổi ngay được đâu. Con chỉ biết luôn ý thức lời nói và hành động của mình để không làm bố mẹ phiền lòng thêm nữa.

Để kết lại thì chắc con sẽ phải hứa gì đó để bố mẹ yên lòng, nhưng con sợ trách nhiệm lắm bố mẹ. Con sẽ không hứa, nhưng sẽ cố gắng hết sức làm tròn bổn phận của mình và cầu mong bố mẹ luôn bình an, mạnh khỏe.