CÁC BƯỚC KHI BẮT ĐẦU HỌC TIẾNG ANH
Nếu bạn muốn nghiêm túc chinh phục tiếng Anh nhưng chưa biết
từng bước bắt đầu như thế nào thì có thể tham khảo bài viết này.
Não bộ của mỗi người sẽ có cách tiếp thu thông tin khác
nhau, nếu hiểu cách ghi nhớ thông tin phù hợp với não bộ của bản thân thì sẽ
giúp việc học nói chung và việc Tiếng Anh nói riêng hiệu quả và đỡ vất vả hơn.
Mình đã viết một ebook về hành trình học tiếng Anh, vì không muốn đưa ra một
khuôn mẫu để các bạn ép bản thân làm theo nên nó chỉ gợi mở ý tưởng. Nhưng có vẻ
nhiều bạn vẫn cần biết cần làm gì cụ thể nên mình sẽ chia sẻ từng bước chinh phục
Tiếng Anh trong bài viết này.
Bài viết xuất phát từ những tìm hiểu về việc học ngoại ngữ
và áp dụng vào trải nghiệm cá nhân, nó có thể phù hợp với bạn hoặc không, hãy
chọn lọc và tìm ra phương pháp phù hợp với chính mình. Bạn có thể tham khảo
thêm ebook tại link: https://bit.ly/ebookhuongdanhocTA
Đây là những giai đoạn mình áp dụng khi học ngoại ngữ:
Giai đoạn 1: Làm quen với âm thanh và học ngữ pháp
Điều đầu tiên khi bắt đầu học một ngoại ngữ là làm quen với
âm thanh của ngôn ngữ đó. Giống như một đứa trẻ, chúng phải dành 1-2 năm chỉ để
nghe ngôn ngữ mẹ đẻ rồi sau đó mới dần hiểu. Do đã nghe quen tiếng mẹ đẻ nên những
ngôn ngữ khác chưa từng nghe, chúng ta sẽ xem là âm thanh vô nghĩa (tiếng ồn, tạp
âm). Vì thế, khi nghe một người bản xứ nói, ta có thể không nghe rõ từng âm mà
chỉ nghe xì là xì lồ gì đó, nhưng khi giáo viên người Việt lặp lại thì ta có thể
nghe và lặp lại được. Vì giáo viên người Việt có thể đã phát âm chậm, rõ và hơi
giống âm Tiếng Việt, còn người bản ngữ nói những âm không có trong tiếng Việt
và nói nhanh.
Do đó, giai đoạn đầu, ta nên bật nghe Tiếng Anh nhiều nhất
có thể, không cần hiểu, chỉ cần tai nghe quen âm và giai điệu của Tiếng Anh.
Quá trình này giúp não ta nhận diện đó không phải là tiếng ồn nữa mà não sẽ phải
phân tách âm thanh và dịch nghĩa chúng.
Ta cũng có thể dùng những giáo trình luyện âm để hỗ trợ cho
việc nhận diện âm thanh: Tiếng Anh có những âm nào, cách đặt khẩu hình miệng để
tạo ra âm thanh đó. Link tham khảo: http://bit.ly/luyenam
Ta nên nghe những bản âm thanh có ghi lời (transcript) để
dùng luyện nghe hiểu sau này. Cứ bật nghe cho đến khi tai bạn phân biệt được từng
âm trong một câu nói. Mình nhắc lại là ta không cần hiểu, chỉ cần ghi nhớ chuỗi
âm thanh. Nếu có cụm âm thanh nào ta nghe được rõ thì cứ ghi nhớ, sau này khi
tra nghĩa ta sẽ hiểu nó là gì và ghi nhớ luôn.
Ta không cần nghe nhiều bản âm thanh khác nhau, chỉ cần vài
bản thích nghe và nghe đi nghe lại nhiều lần là được. Vì nếu nghe nhiều lần một
bản âm thanh thì não ta sẽ quen dần và ghi nhớ tốt hơn. Bí quyết ở đây là sự lặp
đi lặp lại.
Nguồn nghe đề xuất: Listening Time Podcast
Link Podcast:
https://open.spotify.com/show/3GRJb6bwpKEbOOG7QFjRqS?si=5Zx4VcxgRk6qkWog3_CWBw
Link youtube: https://www.youtube.com/c/Polyglossa
Xem video giới thiệu về podcast và cách nghe theo cụm từ:
https://youtu.be/xlZTJjbdF14
Để đỡ nhàm chán vì nghe mà không hiểu gì, ta có thể xem phim
có hoặc không có phụ đề. Nhưng cần ghi nhớ: tập trung nghe âm thanh, không nên
bị cuốn theo phim mà chăm chăm đọc phụ đề.
Ta cũng có thể nghe Tiếng Anh trước khi ngủ:
https://bit.ly/nghetienganhchudong. Tận dụng tối đa thời gian có thể.
Một lưu ý là giai đoạn này đừng vội nhìn chữ để đọc, vì nếu
bạn chưa biết cách phát âm của từ mà đã nhìn chữ thì sẽ đọc theo kiểu tiếng Việt
mà hình thành âm thanh sai trong đầu. Điều này sẽ khiến bạn nhìn chữ thì hiểu
nhưng không nghe được khi người khác phát âm đúng từ đó vì trong đầu bạn ghi nhớ
bản âm thanh sai.
Đồng thời, trong giai đoạn này, ta sẽ học ngữ pháp để biết
được cấu trúc của một câu trong tiếng Anh. Khi học ngữ pháp, bạn cũng có thể
nghe và học thuộc những câu nói thông dụng chứa ngữ pháp đó và tập phân tích ngữ
pháp trong một câu thay vì học thuộc những nguyên tắc và làm bài tập dạng thi cử,
máy móc. Mình có làm một series học ngữ pháp theo cách này, bạn có thể tham khảo
tại: http://bit.ly/nghenguphap
Ghi chú: giai đoạn 1: nghe để nhận diện âm và tìm hiểu về ngữ
pháp.
Giai đoạn 2: Đồng bộ âm thanh và chữ viết
Sau khi đã nhận diện và quen dần với âm thanh của tiếng Anh,
ta có thể mở bản ghi lời (transcript) để biết âm thanh đó được viết như thế
nào, nghĩa là vừa nghe vừa nhìn transcript. Giai đoạn này ta mới học cách viết
âm thanh thành từ và tra từ điển để dịch nghĩa chúng.
Ta cũng đã nắm được ngữ pháp của Tiếng Anh ở giai đoạn trước
nên việc dịch hiểu sẽ dễ dàng.
Sau khi dịch hiểu toàn bộ transcript, ta sẽ học từ vựng theo
cụm từ. Vì sao phải học từ vựng theo cụm từ? Vì một từ có thể có nhiều nghĩa,
khi đứng với từ này (ngữ cảnh này) thì nó mang nghĩa này, khi đứng với từ khác
(ngữ cảnh khác) thì nó mang nghĩa khác. Nên việc học từ vựng theo cụm từ hay đi
chung với nhau sẽ giúp ta hiểu được nghĩa của từ trong ngữ cảnh cụ thể, tạo phản
xạ hiểu ngay nghĩa của từ, không phải liệt kê tất cả nghĩa rồi xem nghĩa nào
phù hợp.
Vừa học từ vựng, vừa nghe đi nghe lại bản âm thanh đó. Điều
này vừa giúp ghi nhớ từ vựng vừa giúp ghi nhớ âm thanh của từ. Nghe cho đến khi
não bạn tự động hiểu được bản âm thanh đó mà không cần nhẩm lại để dịch nghĩa.
Ta cũng nên nói theo để tạo phản xạ nói. Bí quyết ở đây vẫn là sự lặp lại và học
thuộc lòng.
Ghi chú: giai đoạn 2: vừa nghe vừa nhìn transcript, dịch
transcript và học thuộc từ vựng, nghe cho đến khi thuộc (tự hiểu mà không tốn
thời gian dịch nghĩa).
Giai đoạn 3: để tiếng Anh thành ngôn ngữ tự nhiên
Khi đã nghe hiểu những bản âm thanh được thu âm để phục vụ
việc học (âm thanh của giáo trình, hội thoại chậm), ta nên làm quen và học những
đoạn hội thoại tự nhiên của người bản xứ. Ta có thể tiếp xúc giao tiếp với người
bản xứ (tìm người bản xứ bắt chuyện, qua các ứng dụng học với người bản xứ… )
hoặc xem phim, game show, talk show, podcast của người bản xứ.
Dù ở giai đoạn trước ta có thể nghe hiểu hầu hết, nhưng khi
nghe người bản xứ nói cách tự nhiên, ta lại không thể hiểu hết. Đó là điều bình
thường. Ta cần thời gian để làm quen với cách phát âm tự nhiên của người bản xứ
và tăng tốc độ xử lý thông tin của não bộ khi nghe người bản xứ nói nhanh.
Nguồn học đề xuất: phim Netflix vì nó có phụ đề Anh và Việt
để đối chiếu xem mình có nghe hiểu đúng nội dung chưa. Ta có thể học thuộc những
lời thoại thông dụng và tập biểu cảm theo tình huống trong phim.
Ta cũng có thể xem Youtube: Vlog thuộc chủ đề yêu thích. Nói
chung là xem những video của người bản xứ mà ta hứng thú để quen cách giao tiếp
tự nhiên của họ, nâng cao vốn từ và biểu cảm ngôn ngữ.
Sẽ có những lúc ta cảm thấy chán nản vì mãi không thấy tiến
bộ, hoặc chỉ cần nghe thấy tiếng Anh là nhức đầu, hãy cố gắng vượt qua giai đoạn
này, vì khi vượt qua được, ta sẽ dễ chịu hơn khi nghe Tiếng Anh vì não ta đã
quen và xem tiếng Anh cũng là dạng âm thanh bình thường.
Ghi chú: giai đoạn 3: xem phim, vlog, podcast… của người bản
xứ để tiếng Anh trở nên tự nhiên hơn.
Tuỳ khả năng và mong muốn của mỗi người mà thời gian của từng
giai đoạn sẽ khác nhau và có thể đan xen nhau. Trên hết, bạn hãy hiểu cách tiếp
thu thông tin của bộ não mình để có cách học phù hợp nhất.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với vài người. Cảm ơn bạn
đã đọc.
Chúc bạn học tốt và thành công.