Nhãn

KINH NGHIỆM LÀM YOUTUBE phần 1

 


KINH NGHIỆM LÀM YOUTUBE

(nhân ngày kênh Youtube thứ 2 về chủ đề Tiếng Đức được 1k subs và kênh Tiếng Anh gần 50k)


Trong tình hình hiện nay, rất nhiều người làm Youtube bởi những lợi ích của nó. Ngoài việc kiếm tiền (nguồn thu nhập từ chính sách trả tiền đặt quảng cáo trên youtube, những hợp đồng quảng cáo của nhà tài trợ...), chúng ta còn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân cho những hoạt động khác (bán sản phẩm của bản thân, tham gia hoạt động giảng dạy, truyền cảm hứng...). Và hơn thế nữa, đối với mình, việc làm youtube còn là động lực để thúc đẩy mình học hỏi và phát triển thêm nhiều khả năng: sáng tạo, quay dựng video và những kỹ năng khác.

Làm việc gì cũng phải xác định mục đích từ ban đầu. Người chỉ xem Youtube là nơi kiếm tiền thì sẽ sử dụng những thủ thuật và luồng lách những kẽ hở của luật lệ mà chuộc lợi. Mình cũng biết những việc này, nhưng nếu mục đích của bạn không chỉ dừng lại ở kiếm tiền thì thiết nghĩ chúng ta nên tạo nên một cộng đồng lành mạnh và tạo giá trị cho xã hội. Thế nên, mình viết bài để chia sẻ lại một vài kinh nghiệm trong quá trình làm youtube để các bạn tham khảo.

Nhắc lại về mục đích, bạn nên xác định bạn làm Youtube để làm gì? Từ đó sẽ xây dựng hướng đi để đạt được mục đích đó. Nếu chỉ đơn giản muốn kiếm tiền từ Youtube thì bạn phải tập trung những nội dung thu hút nhiều người xem. 

Điều kiện để bắt đầu được Youtube trả tiền là kênh của bạn có 1.000 lượt đăng ký và tổng thời gian mọi người xem video của bạn là 4.000 giờ. Sau khi được Youtube công nhận hợp tác kiếm tiền, thì lượt xem quảng cáo trên kênh của bạn trong vòng một tháng sẽ được tính tiền. Nhớ là tính tiền qua lượt xem quảng cáo, nghĩa là khi một người vô xem video của bạn, họ phải xem quảng cáo thì mới được tính tiền, và nếu một video bạn gắn nhiều quảng cáo thì sẽ có nhiều lượt xem (1.000 lượt xem quảng cáo ở Việt Nam tầm trên dưới 1 đô). Đây là điều kiện cơ bản bạn cần biết, còn những điều khác thì bạn sẽ tìm hiểu sau.

Nếu bạn xem Youtube là một kênh marketing cho thương hiệu cá nhân thì bạn cần sản xuất những video thể hiện hình ảnh cá nhân rõ nét và tạo sự yêu mến cho mọi người. Nếu bạn muốn bán hàng qua Youtube thì bạn sẽ review hay chia sẻ kiến thức về chủ đề quay quanh sản phẩm của bạn. Để khi người khác xem video của bạn, họ biết đến và tin tưởng vào sản phẩm đó.

Còn nếu bạn chỉ muốn chia sẻ? Vậy thì điều bạn chia sẻ là gì? Hành trình phát triển bản thân, quá trình thực hành lối sống tối giản, thực hành các phương pháp tâm linh hay chỉ đơn giản là chia sẻ cuộc sống hàng ngày của bạn? 

Bạn muốn chia sẻ kiến thức? Vậy bạn giỏi về lĩnh vực nào hay bạn hứng thú học hỏi thêm kiến thức nào để chia sẻ lại cho mọi người?

Bạn muốn đem lại tiếng cười, sự giải trí cho mọi người? Vậy bạn có hài hước không? Bạn muốn truyền tải sự hài hước đó qua hình thức nào? Tiểu phẩm hài, tình huống troll đường phố hay kể chuyện cười...

Nên nhớ, một kênh Youtube cần có một chủ đề cụ thể để thu hút đối tượng quan tâm về chủ đề đó. Và khi xác định rõ đối tượng bạn hướng đến, bạn sẽ sản xuất những video đáp ứng nhu cầu của họ thì họ mới xem.

Tóm lại là bạn hãy làm những video thật hay, thật giá trị cho mọi người thì sẽ thành công. Tới đây thì bài viết đã dài rồi, những điều khác mình sẽ chia sẻ vào lần sau nhé!


TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

 


TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?


Hai năm qua, tôi đã sống với suy nghĩ "chán ghét tiền bạc", không phải tôi không cần tiền mà là tôi ghét việc lao đầu kiếm tiền mà lãng quên bản thân.


Kiếm tiền cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và có khả năng chu cấp cho người khác nếu cần. Nhưng nếu nhu cầu của bản thân không cao thì tiền nhiều để làm gì?


Người ta nghĩ có nhiều tiền sẽ được sung túc, vui vẻ. Nhưng lại không nghĩ đến: việc hạnh phúc, đủ đầy là khi nhu cầu của bản thân được thỏa mãn. Đến bao giờ thì nhu cầu mới được lấp đầy khi cái nhu cầu mà nhiều người đang theo đuổi là cái mà xã hội vật chất bị chủ nghĩa tiêu thụ dẫn dắt. Hàng hiệu, cuộc sống chanh xả, xa hoa chỉ là thứ mà xã hội thêu dệt để biến nhiều người thành cỗ máy kiếm tiền. Đâu là nhu cầu thật sự cần thỏa mãn của bản thân? Chỉ khi trả lời được câu hỏi này, ta mới thôi dùng vật chất để lấp đầy sự trống trải của bản thân.


Tôi thấy trên mạng có lan truyền chia sẻ của Shark Phú: "Tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì".


Tôi đồng ý. Việc kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống và thỏa mãn nhu cầu của bản thân là điều hiển nhiên. Nhưng tích lũy và bất chấp kiếm tiền mà không mang lại giá trị cho cộng đồng là đang lấy vật chất tạo ảo ảnh an toàn. Nhiều người chết trên đống vàng cũng vì vậy. Tiền bạc cất một chỗ cũng như giấy vụn, chúng sẽ ý nghĩa hơn nếu nó được lưu thông trong xã hội và tạo ra giá trị cho những người thật sự cần chúng.


LỰA CHỌN VỊ TRÍ ĐỨNG CỦA BẢN THÂN


 Một người mẹ có thể sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cho con được sống. Nhưng cũng chính người mẹ đó khi đang buồn bực chuyện gì đó mà con còn quấy khóc thì lại lớn tiếng la rầy, thậm chí đánh con.


Tại sao lại có cách hành xử khác nhau như vậy?


Vì khi ta hành động, ta chỉ đang đứng trên vị trí của một nhân vật. Khi hy sinh mạng sống cứu con, người mẹ đứng trên cương vị một nhân vật đầy tình yêu thương. Khi la rầy con, người mẹ đứng ở vị trí một người đầy tổn thương.


Khi phản ứng lại một vấn đề nào đó, ta thường vô thức đứng trên một vị trí nào đó để nhìn nhận vấn đề và có cách hành động tương ứng với những suy nghĩ và trải nghiệm đã từng của bản thân. Và như thế, những vấn đề tương tự nhau sẽ được nhìn nhận và giải quyết bằng những hành động giống nhau (vòng lặp).


Ta thường nói "giận quá mất khôn" hay "không thể kiểm soát được cảm xúc". Đúng là cảm xúc rất khó kiểm soát nhưng thật ra suy nghĩ sẽ đến trước và cảm xúc là kết quả của những suy nghĩ đó.


Trong tình huống con quấy khóc khi bản thân đang buồn bực, sẽ có luồng suy nghĩ "tao đang khổ như vầy mày không thấy hay sao mà còn quấy khóc"... Chính những suy nghĩ đó khiến người mẹ cảm thấy bực bội với đứa con và để giải tỏa cảm xúc đó, bà vô thức lựa chọn cách thức mà trước giờ bà và rất nhiều người hay dùng: la mắng hoặc dùng bạo lực để trấn áp những điều bản thân nghĩ là đang làm khổ mình. Nếu lúc đó bà trấn tỉnh bản thân để lựa chọn là một người mẹ đầy tình yêu thương thì bà sẽ có suy nghĩ: "con mình đang quấy khóc, chắc có chuyện gì với nó, mình không thể ở trong nỗi đau của mình mà bỏ rơi con"... Với những suy nghĩ đó thì bà sẽ phản ứng làm sao?


Do đó, bạn có thể lựa chọn vị trí đứng của bản thân để có cái nhìn khách quan, thấu hiểu nhiều hơn và lựa chọn phản ứng phù hợp. Đó là một quá trình luyện tập lâu dài và không hề dễ dàng. Nhưng hãy bắt đầu với ý thức mình đang làm gì (chánh niệm), nhìn nhận những luồng suy nghĩ diễn ra trong đầu và luôn lựa chọn sự ôn hòa, yêu thương.

TỰ DO TÀI CHÍNH - bến bờ hạnh phúc HAY cạm bẫy khổ đau

 



Theo cách hiểu đơn giản của mình, tự do tài chính là không còn bận tâm kiếm tiền, thoải mái làm những việc mình thích bởi đã có đủ tài chính để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nghĩa là bạn đạt được tự do tài chính là khi bạn có một số tiền đủ để sống hết quãng đời còn lại.


Khoản tiền này gồm 3 khoản cơ bản: tài khoản nhu cầu cuộc sống, tài khoản khẩn cấp, tài khoản phát sinh. Giả sử nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống của mình là 10 triệu một tháng. Mình muốn đạt được tự do tài chính năm 30 tuổi thì đến lúc mình 30 tuổi, mình phải có 4 tỷ 8 trong tài khoản nhu cầu cuộc sống (mình ước chừng sống được 70 tuổi thì khi 30 tuổi, mình phải có số tiền đủ để sống 40 năm còn lại), [10 triệu x 12 (tháng) x 40 (năm) = 4 tỷ 8]. Thêm vào đó là một khoản chi phí khẩn cấp, dự trù trường hợp bất khả thi như ốm đau, sự kiện không ngờ... Khoản này tầm 6-12 tháng chi tiêu cơ bản (60 triệu - 120 triệu). Tài khoản phát sinh cũng có số tiền tương đương 6-12 tháng chi tiêu, để bản thân có thể sắm sửa hay thực hiện một số chuyện phát sinh có dự tính trước. Vậy tổng số tiền cần có làm tròn khoảng 5 tỷ.


Như thế để đạt được cái gọi là tự do tài chính, ta phải kiếm được 5 tỷ. Và để đạt được con số này, ta cần làm 3 việc: Tăng thu nhập, giảm thiểu chi tiêu và đầu tư.


Nhưng điều đầu tiên cần làm đối với những người đang mang nợ chính là trả hết nợ rồi mới tích lũy. Bởi nợ chính là cái bẫy của căng thẳng và thu hút sự thiếu thốn vật chất. Nhiều người nói nợ chính là động lực để kiếm tiền và cần vốn làm ăn thì phải mượn nợ. Điều đó đúng với những người quản lý tài chính tốt, còn nếu vẫn mơ hồ thì đừng vướng vào nợ. Đầu tư là giai đoạn sau khi bạn có khoản nhàn rỗi dù ít cũng được.


Câu hỏi đặt ra là làm sao để tăng thu nhập, giảm chi phí và đầu tư như thế nào. Nếu mình chỉ cho bạn thì chắc bạn sẽ không tin bởi mình cũng đang trong giai đoạn đó, nên tốt hơn hết là bạn nên tìm hiểu và tìm giải pháp phù hợp với bạn.


Còn theo những hiểu biết sơ sài của mình thì tăng thu nhập bằng cách đa dạng hóa nguồn thu, nghĩa là làm nhiều công việc. Những điều khác thì có lẽ vào thời điểm phù hợp mình sẽ chia sẻ sau.


Nhưng bạn hãy nhớ, tài chính chỉ là công cụ để bạn đạt được hạnh phúc. Còn hạnh phúc của bạn là gì thì chỉ có bạn mới quyết định được, không phải tài chính.