Nhãn

LỘ TRÌNH HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI MẤT GỐC

 


Khuyến cáo: Đây là những điều mình học hỏi và trải nghiệm riêng của mình. Nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Hãy đón nhận với tinh thần cởi mở, chọn lọc.

(những link video chưa đầy đủ và sẽ được cập nhật theo tiến trình, bạn có thể theo dõi nếu thấy phù hợp)


NGHE LÀ CHÌA KHÓA CỦA VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ


Ngôn ngữ là một chuỗi những âm thanh không ngắt quãng. Để hiểu được ta cần giải mã nó bằng cách tách rời tiếng nói thành những đơn vị có thể xử lý được. Khi lần đầu tiên bạn nghe Tiếng Anh, bạn chỉ nghe được mấy âm thanh xì xì, nghe có vẻ hỗn tạp và âm nào cũng giống âm nào, chẳng khác nhau cái gì thì làm sao phân biệt được thành từng từ (Nếu bạn đã học Tiếng Anh mà quên đi trải nghiệm này, hãy thử nghe một thứ tiếng bạn chưa từng học để xem bạn có nhận thấy thế không). Tách rời âm thanh thành những đơn vị có thể xử lý được nghĩa là phân biệt được những âm trong đó. Ví dụ khi bạn nghe câu nói: “Good morning” thì trước hết bạn phải nghe rõ được ba âm /ɡʊd/ /ˈmɔːr/ và /nɪŋ/. 

Tiếp theo là bước gán nghĩa cho chúng bằng cách đối chiếu với kho lưu trữ trong não. Kho lưu trữ này đối với người lớn là quá trình học hỏi, còn với đứa trẻ có thể là việc nghe và ghi nhớ từ giao tiếp của người lớn. Nếu như không được dạy và dịch nghĩa từng từ như người lớn thì đứa bé sẽ lấy dữ liệu ba âm đó đối chiếu với những gì nó đã từng nghe được. Nó từng nghe âm /ɡʊd/ rất nhiều và trong những tình huống như thế nào để hiểu nghĩa của nó. Nó đã từng nghe người ta ghép /ɡʊd/ và /ˈmɔːr/ lại với nhau để tạo thành từ chưa để biết rằng hai âm này có thể tạo thành từ có nghĩa không. Và so với tất cả những gì nó từng nghe thì nó biết rằng người ta không ghép hai âm này thành một từ. Vậy thì /ɡʊd/ là một từ có ý nghĩa riêng biệt và /ˈmɔːr/ là bắt đầu của một từ khác. Nó lại tiếp tục xem /ˈmɔːr/ có nghĩa không và /ˈmɔːr/ có ghép với /nɪŋ/ không. Qua đó thì nó biết trong câu đó có 2 từ và ý nghĩa của 2 từ là gì và khi 2 từ đó đi với nhau thì thể hiện ý nghĩa gì.

Hai quá trình này kể ra thì có vẻ phức tạp và tốn thời gian. Nhưng bộ não của đứa trẻ có khả năng làm được điều đó rất nhuần nhuyễn.

Vậy thì khi bắt đầu học một ngoại ngữ, người lớn cũng trải qua hai quá trình này. Nên việc luyện nghe để nhận ra các âm và phân biệt ranh giới giữa các từ là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng người lớn thì có khả năng học chủ động, nghĩa là chúng ta có thể không cần học như đứa trẻ mà có thể học từ vựng (từ đó phát âm như thế nào và mang nghĩa gì…).

Do đó, bước đầu tiên là luyện nghe và học từ vựng.

Luyện nghe thì nên nghe những tài liệu có lời thoại. Nghĩa là học từ những tài liệu có bản ghi âm và lời thoại ghi sẵn. Bằng việc vừa nghe vừa nhìn lời thoại, chúng ta sẽ phân tách âm thanh thành những từ và ghi nhớ dễ dàng hơn (chưa kể chúng ta có thể đọc và luyện viết khi nhớ mặt chữ).

Trong giai đoạn này, không nhất thiết phải hiểu người ta đang nói gì. Chỉ cần nghe để làm quen với âm thanh, từ này ghi như vậy thì đọc làm sao, cách ngắt nghỉ, phân tách các từ, các câu, ngữ điệu lên xuống, tông giọng như thế nào. Quá trình nghe này tạm gọi là nghe bị động, có thể nghe khi đang làm việc, trên tàu xe hoặc trong khi ngủ. Lâu lâu bất chợt ta nghe được đoạn âm thanh nào đó mà nhận ra đoạn đó là một từ hay vài từ trong đó là được (không hiểu nghĩa cũng không sao).

Khi nhận diện được âm thanh của từ rồi thì để tăng hiệu quả, ta có thể luyện âm và học từ vựng và ngữ pháp trong quá trình nghe bị động này.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

TIẾNG ANH NGHE CHỦ ĐỘNG: 

https://bit.ly/nghetienganhchudong

TIẾNG ANH NGHE THỤ ĐỘNG: 

http://bit.ly/tienganhthudong


LUYỆN  ÂM


Như đã nói, nghe là chìa khóa bước vào cánh cửa ngôn ngữ. Việc luyện âm cũng cần đi từ việc luyện nghe.

Nói đến luyện âm thì nhiều người nghĩ phải biết đặt lưỡi ở đâu, khẩu hình miệng như thế nào, thanh quảng rung ra sao… Nhưng tất cả những thứ đó đều là lý thuyết cần thực hành rất nhiều.

Bạn có cần chỉ cho đứa trẻ những quy tắc khẩu hình để phát âm không. Hay bạn chỉ lặp lại từ để trẻ bắt chước phát âm theo. Do đó, đầu tiên vẫn là nghe nhiều.

Mỗi ngôn ngữ có những hệ thống bảng âm khác nhau và sự kết hợp những âm này tạo ra từ. Nên để nghe được từ thì phải nghe được những âm này. Nghe được thì mới bắt chước phát âm theo được. Những âm này được thể hiện trong bảng phiên âm quốc tết IPA.

Cần phải phân biệt chữ cái viết và âm (hệ thống phiên âm quốc tế IPA). Chữ viết chỉ biểu hiện ngôn ngữ viết, không hoàn toàn thể hiện âm thanh. Có những từ viết giống nhau nhưng phát âm khác, có những từ phát âm khác giống nhau nhưng chữ viết lại khác và số lượng chữ viết và âm cũng không bằng nhau.

Ví dụ từ "is" có 2 chữ cái và âm cũng có 2 âm  /ɪz/

"this" có 4 chữ cái nhưng có 3 âm /ðɪs/

"six" có 3 chữ cái nhưng có 4 âm /sɪks/

Như thế để phát âm được từ, ta dựa vào phiên âm của nó và nên học IPA của ngôn ngữ đó.

Trong Tiếng Anh có hơn 40 âm. Rất may là có những âm khá tương đồng với tiếng Việt nên cũng dễ nhận biết và phát âm. Còn lại những âm không tương đồng trong phát âm tiếng Việt thì chúng ta cần luyện nghe và tập phát âm những âm này. Đặc biệt có những âm khá giống nhau nên cần phải tập luyện nhiều để có thể phân biệt được. Từ đó sẽ nghe và nói tốt hơn.

Nếu đã nghe và thử nghiệm phát âm nhiều lần mà không được thì bạn có thể tham khảo những tài liệu hướng dẫn ngữ âm (khẩu hình phát âm). Nhưng vẫn cần nhớ, nghe nhiều để phân biệt sự khác nhau của các âm và luyện tập phát âm, thử nghiệm nhiều lần xem cách nào sẽ giúp mình phát âm gần giống âm bản ngữ nhất.

Và việc bạn chưa thể phát âm chuẩn như người bản ngữ cũng là điều hết sức bình thường. Đừng gò ép bản thân quá mức mà hãy chăm chỉ tập luyện và đánh giá đúng khả năng của bản thân.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

LUYỆN  ÂM: http://bit.ly/luyenam


HỌC TỪ VỰNG


Từ vựng và ngữ pháp là hai thứ cấu thành nên ngôn ngữ (các từ vựng được liên kết, sắp xếp thành câu và biến đổi theo nguyên tắc ngữ pháp). Cho nên, việc học từ vựng là bắt buộc và số lượng từ vừng bạn có cũng thể hiện trình độ ngoại ngữ của bạn.

Ta có thể lấy từ vựng trong bài nghe bị động để tra cứu và lập thành một danh sách từ vựng để học.

Từ vựng có thể chia làm ba loại: từ vựng học thuật, bài báo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành; từ vựng văn học; và từ vựng đời sống hàng ngày. Chúng có những từ chung nhưng cũng có những khác biệt nhất định. Tùy vào mục đích học ngôn ngữ của bạn mà chọn loại từ vựng nào và lấy nguồn học từ đâu. Hoặc có thể lấy từ vựng ở bất cứ nguồn nào bạn hứng thú, miễn là nó có phát âm của từ và có bối cảnh cụ thể.

Một từ có thể có nhiều nghĩa nên việc học từ trong bối cảnh cụ thể có thể giúp ta ghi nhớ chính xác hơn ý nghĩa và cảm xúc của từ đó. Trong một bối cảnh thì một từ chỉ mang một ý nghĩa nhất định nên không nhất thiết phải học thuộc hết tất cả nghĩa của một từ. Học từ trong bối cảnh nghĩa là nhớ được sự tương tác của từ đó với những từ cùng chung bối cảnh. Khi từ đó được đặt chung với những từ khác trong bối cảnh cụ thể này ta sẽ nhớ ngay đến nghĩa đang sử dụng của từ.

Ví dụ, “tôi có một cái bàn bạc” với “ tôi có một buổi bàn bạc”. Trong hai câu này, từ “bàn bạc” có hai nghĩa khác nhau và phải dựa vào những từ khác ta mới hiểu đúng nghĩa của nó trong từng trường hợp.

Do đó, học thuộc những câu ví dụ chứa từ mới muốn học sẽ giúp hiểu chính xác nghĩa của từ và ghi nhớ sâu.

Trong giai đoạn mới học này, việc đặt câu và tự dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngoại ngữ khác có thể giúp bạn ghi nhớ nhưng cũng có những rủi ro vì có thể bạn chưa biết sử dụng chính xác từ hoặc sẽ thiếu tự nhiên do bạn không chắc người bản ngữ có nói như thế không. 

Ví dụ, câu nói “Anh ấy đã từ bỏ hy vọng trở thành bác sĩ”, tiếng Anh có thể diễn đạt như sau: “He abandoned his hope of becoming a doctor”. Câu này nếu dịch sát từ vựng ra thì có nghĩa là “Anh ấy đã rời bỏ hy vọng của anh ấy của việc trở thành bác sĩ”. Bạn thấy sự khác biệt trong ngôn từ khi dùng diễn tả một ý nghĩa tương đồng không. Đó là lý do tôi thích dịch từng từ để biết cách diễn đạt của họ.

 Nếu ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì có rất nhiều lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt. Nhưng ta có biết chắc chắn người bản ngữ hay dùng cách nào chưa? Vậy nên hãy học từ những ví dụ thực tế của người bản ngữ để nói tự nhiên hơn.

Điều tiếp theo là hãy học với cảm xúc và mọi giác quan của bản thân, hạn chế dùng ngôn ngữ mẹ để để diễn đạt nghĩa của từ. Ngôn ngữ dùng để diễn tả mong muốn, cảm xúc của con người nên khi học từ vựng diễn tả những mong muốn, cảm xúc đó thì hãy tái hiện và ghi nhớ chúng cùng với nhau. Bạn học từ “chua” thì hãy nhớ đến vị giác chua là như thế nào, khi ăn chua thì cơ thể phản ứng ra sao để bạn phải tự nhiên thốt lên “chua quá”. Đến khi gặp trường hợp ăn chua, bạn sẽ thốt câu đó ra một cách tự nhiên đầy biểu cảm.

Bạn học từ “apple” thì bạn không nhất thiết phải học “apple” là “quả táo”. Bạn chỉ cần tưởng tượng ra một quả táo đỏ, tròn, căng bóng ra làm sao, vị ăn của táo đó như thế nào. Lần sau khi nghe ai nói “apple” hình ảnh quả táo liền hiện ra mà bạn không cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ.

Đó là đối với những từ tượng hình, tượng thanh, những từ có khái niệm cụ thể. Còn những từ trừu tượng, khó giải thích khác thì đành chấp nhận gán cho nó nghĩa tiếng mẹ đẻ. Nhưng hãy đặt nó trong bối cảnh cụ thể và luyện tập sử dụng thường xuyên để quá trình chuyển ngữ được nhanh chóng và sử dụng nó lưu loát hơn.

Đó cũng là những điều khiến tôi thấy việc học ngoại ngữ qua phim khá phù hợp. Nhân vật trong phim sử dụng từ ngữ thông dụng hàng ngày, lời thoại tự nhiên kèm biểu cảm khi nói… Nhưng đừng sa đà vào việc xem phim mà không tập trung học nhé! Chỉ cần xem từng phân cảnh và học cách diễn đạt, từ vựng cần, không nhất thiết phải xem hết phim đâu.

Và điều đặc biệt quan trọng trong việc học từ vựng là sự lặp lại ngắt quãng. Nghĩa là phải lặp đi lặp lại từ vựng nhiều lần (lặp lại) và lâu lâu lại ôn lại (ngắt quãng) thì sẽ ghi nhớ được lâu dài.

Bạn có thể viết một danh sách những từ mới, đọc từ trên xuống vài lần để ghi nhớ. Khi đọc, không phải đọc kiểu “apple” là “quả táo”... mà chỉ cần đọc tiếng Anh và trong đầu hình dung ra quả táo như tôi đã nói (nghĩa là hình dung ra ý nghĩa của từ cùng lúc với phát âm). Đối với những từ chưa nhớ thì lại viết sang một danh sách khác, đọc tiếp vài lần nữa cho đến khi nhớ. Vài ngày sau lại lấy ra đọc tiếp. Sự lặp lại này sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn và có thể gợi nhớ dễ hơn để sử dụng khi cần.


Bạn có thể tham khảo danh sách học từ vựng qua những video này:

3000 TỪ TIẾNG ANH THÔNG DỤNG: http://bit.ly/3000tutienganhthongdung


Một điều lưu ý là có những từ phải đi với những từ khác để tạo thành cụm từ có nghĩa. Đối với những cụm từ này, ta phải học thuộc lòng cả cụm và cách sử dụng nó. Những thành ngữ, động từ đi với giới từ… cũng có thể tạm xem là cụm từ.


Bạn có thể tham khảo danh sách học cụm từ và thành ngữ thông dụng qua những video này (cập nhật sau)


NGỮ PHÁP


Ngữ pháp có thể tạm xem là chất điều hòa các từ vựng với nhau: trật tự sắp xếp của từ, sự hài hòa của động từ với chủ ngữ (chia động từ)…

Nhưng đừng xem ngữ pháp là những công thức như toán học, phải học thuộc lòng quy tắc chỉ để làm bài kiểm tra trên giấy, thấy có từ này trong câu thì áp dụng quy tắc này, khi áp dụng quy tắc này thì thêm cái này bỏ cái kia, biến đổi vế câu, đẩy ra trước, kéo ra sau…

Trẻ em không cần học ngữ pháp vẫn nói chuyện rất tự nhiên, thuần thục. Bí quyết vẫn là học thuộc lòng câu.

Chẳng ai trước khi nói phải nghĩ xem mình dùng thì nào, chia động từ ra sao. Đợi rặn ra được một câu thì người nghe đã bỏ đi rồi. Và nhất là, một giây có thể nói ra đươc ba từ thì thời gian đâu mà kịp suy nghĩ người nói đang nói thì hiện tại hay quá khứ, thời gian đâu mà xử lý thông tin để bắt kịp nhịp nói của đối phương.

Do đó, ngữ pháp không phải cứ hiểu và thuộc lòng nguyên tắc và làm bài tập thuần thục là được. Ta cần học thuộc cả những câu nói và biết ngữ pháp của câu văn đó. Khi cần diễn tả ý đó thì nói nguyên câu đó ra, không cần suy nghĩ moi móc từ vựng ra, rồi lại áp dụng quy tắc ngữ pháp vào. Mọi thứ đều tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn, và đều chính xác. Bạn “cảm nhận” ngữ pháp, giống như một người nói tiếng Anh bản ngữ.

Đó cũng là lý do tôi khuyên nên học từ vựng theo tình huống, theo câu ví dụ, vừa học từ vựng, luyện nghe, nói, đọc và áp dụng cả ngữ pháp.

Và để biết được những câu đó sử dụng ngữ pháp gì thì tất nhiên ta phải học ngữ pháp. Nhưng ý tôi muốn nói là: không nhất thiết phải ngồi tụng ngữ pháp như tụng kinh. Chỉ đơn giản học để hiểu có cấu trúc ngữ pháp này và khi nhìn vào một câu, ta biết nó dùng ngữ pháp gì. Việc phân tích ngữ pháp trong những câu hay gặp cũng giúp ghi nhớ rồi. Còn nếu bạn thích ngồi làm bài tập ngữ pháp cũng được. Nhưng nếu làm xong và học thuộc nguyên câu đó và vận dụng nó trong đời sống thì sẽ giúp bạn sử dụng câu chuẩn ngữ pháp cách thuần thục hơn.

Vẫn quay lại vấn đề cũ là việc nghe, đọc nhiều.


Bạn có thể tham khảo video học ngữ pháp dưới đây:

http://bit.ly/nghenguphap


LUYỆN NÓI


Quá trình nói cần phải có ý nghĩ trong đầu, sau đó cần sự vận dụng các bộ phận tạo âm thanh của miệng, thanh quảng để phát ra câu nói. Nếu trong một cuộc hội thoại thì bạn cần nghe hiểu đối phương trước, sau đó mới phát sinh ý tưởng và nói ra.

Như thế, muốn nói được bạn cần phải nghe hiểu trước. Sau đó phải phát âm đúng. Hai điều này, chúng ta đã có thời gian luyện tập trước đó rồi.

Trong quá trình luyện nghe, có phải bạn đã được học cách người bản ngữ nói chuyện như thế nào rồi phải không. Giờ bạn chỉ việc học nói lại theo họ thôi. Nếu bạn luyện nghe đủ nhiều thì việc ghi nhớ cũng dễ dàng bởi vì âm thanh đó đã được não lưu trữ. Chỉ cần nghe vài từ là bạn biết đoạn tiếp theo là gì. Như kiểu bạn xem phim và bị ám ảnh bởi những câu nói của nhân vật.

Nhưng một điều quan trọng cần biết là khu vực lưu trữ dữ liệu nghe và nói hoàn toàn khác nhau. Nên việc bạn nghe được không quyết định bạn sẽ nói được. Cũng may là những điều bạn nói không rộng bằng những điều bạn nghe. Bởi bạn chỉ nói những điều của bản thân và những thứ bạn quan tâm. Khi nói về gia đình, công việc thì bạn chỉ nói về gia đình của bạn, công việc của bạn, vốn từ, cấu trúc chỉ có thể. Nói cách đơn giản, có những câu nói bạn sẽ nói đi nói lại một cách thuộc lòng để diễn tả bản thân về một vấn đề nào đó. Nhưng khi nghe thì bạn lại phải nghe biết bao nhiêu cuộc đời kể về họ, nên vốn nghe phải nhiều hơn.

Còn đối với những vấn đề bạn không quan tâm, không tìm hiểu thì chắc chắn bạn sẽ không có gì để nói, cả trong tiếng mẹ đẻ cũng vậy, thậm chí bạn còn chẳng muốn nói đến.

Như thế đừng áp lực vì phải học nói về tất cả mọi thứ trên đời.

Theo dẫn chứng đó, chúng ta cần phải cá nhân hóa từ vựng khi học để nói. Nghĩa là khi học thì biết từ này mình hay dùng khi nào, câu nào bản thân sẽ dùng khi nói và luyện nói đi luyện nói lại câu đó. Để khi muốn diễn đạt ý đó, ta đã có sẵn câu cửa miệng để nói. Nhưng như đã nói là hạn chế tự dịch từ tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần học những cách nói của người bản xứ.

Một phương pháp khá hiệu quả là nghe người bản ngữ nói và nhại lại. Nghe nhiều nguồn tài liệu, luyện nghe thật nhiều, bạn sẽ biết người bản ngữ nói như thế nào.

Và một điều quan trọng nhất là hãy tự tin nói. Bạn phải chấp nhận trở thành một người ngây thơ như một đứa bé, có khi bị xem là ngớ ngẩn để dám nói ngoại ngữ bất chấp. Đây mới thật sự là năng khiếu của những người giỏi ngoại ngữ, họ nói mà không sợ sai, chứ không phải họ có năng khiếu học ngoại ngữ như nhiều người thường nghĩ.

Nhưng bạn hãy để ý mà xem, những người ngoại quốc họ rất vui khi có người học ngôn ngữ của họ. Và những sai lầm của bạn chỉ là sự ngớ ngẩn dễ thương làm họ thích thú, chứ không hề có sự phán xét, chê trách nào ở đây. Bởi vì người Việt hay khen chê, đánh giá những người muốn học ngoại ngữ nên mới tạo ra rào cản khiến chúng ta sợ nói, sợ sai sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Cho nên nếu có điều kiện hãy luyện nói thật nhiều với những người mà bạn tin tưởng, nếu có người yêu ngoại quốc càng tốt, bạn sẽ luyên thuyên cả ngày và trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ cải thiện đáng kể.

Nhưng nếu không được thế thì luyện tập một mình cũng không phải là không có hiệu quả. Bạn có thể nói chuyện một mình, nói ra những suy nghĩ của bản thân và nhất là tập chuyển sang suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Bạn đã luyện suy nghĩ bằng ngoại ngữ thì việc nói ra cũng sẽ dễ dàng hơn.


LUYỆN ĐỌC


Đọc là kỹ năng giải mã mặt chữ. Đọc chủ yếu là kỹ năng của mắt và nó phụ thuộc vào việc ghi nhớ hình ảnh. Những con chữ trên giấy như những hình ảnh đối chiếu với kho dữ liệu từ vựng của bạn để giải mã ý nghĩa của nó. Đọc to chỉ là việc kết hợp giữa việc đọc bằng mắt và phát âm ra. Cho nên mình sẽ tập trung nói về việc đọc bằng mắt.

Trong quá trình luyện nghe như đã nói, chúng ta đã vừa nghe vừa nhìn lời thoại, như thế chúng ta cũng đã luyện được kỹ năng đọc. Việc đọc nhiều, nhìn đi nhìn lại mặt chữ cũng giúp ghi nhớ từ vựng tốt hơn, nhất là đặt từ vựng đó trong văn cảnh bài đọc cụ thể.

Các bạn có thấy trẻ em học nghe nói 6 năm trời, sau đó khi lên lớp một mới bắt đầu học đọc không? Nhưng người lớn chúng ta không cần như trẻ em bởi chúng ta đã có khả năng đọc rồi. Ở đây tôi chỉ một lần nữa phải nhắc lại, phải bắt đầu bằng việc vừa nghe vừa đọc thật nhiều. Và việc đọc cũng bắt đầu từ từng từ, cụm từ, rồi mới đến câu đơn, câu ghép, rồi đoạn văn, bài văn… Việc luyện đọc cũng cần nhiều thời gian không kém. 

Đọc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng luyện tập đọc nhiều hay không. Nhiều người lớn vẫn đọc chữ bản ngữ chậm do không có thói quen đọc. Vậy nên chẳng có bí quyết đọc nào cả ngoài việc đọc nhiều. Khi bạn đọc đủ nhiều thì bạn cũng sẽ có kỹ năng đọc lướt, đọc quét… như mọi người hay cho đó là kỹ năng đọc.

Nên nhớ đọc ở đây là việc đọc văn bản bằng ngoại ngữ mà hiểu được chứ không phải nhìn chữ rồi dịch sang tiếng mẹ đẻ. Nên việc dịch khi đọc sẽ không phải rèn luyện kỹ năng đọc.


LUYỆN VIẾT


Viết là kỹ năng cuối cùng và khó nhất. Viết ở đây không chỉ đơn giản là viết đúng chính tả từ hay viết được một câu, mà là viết một bài sao cho logic, cho hay. Giống việc bạn học tập làm văn, không phải ai nghe hiểu và nói, đọc được thì đều có thể viết văn hay. Viết cũng cần luyện tập. Bạn học tập làm văn và ngữ văn 12 năm trời, bạn thấy mình đã viết giỏi chưa?

Và việc luyện viết lại liên hệ mật thiết với việc đọc. Đọc càng nhiều viết càng hay. Đọc để biết nhiều cấu trúc, cách diễn đạt ý hay, đọc nhiều để có cảm nhận về ngôn ngữ viết. Cho nên học đọc đủ nhiều sẽ cải thiện được kỹ năng viết.


Tóm lại là cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được rèn luyện song hành và bổ trợ cho nhau. Và bí quyết học tốt ngôn ngữ đó là vừa nghe vừa đọc và luyện tập thật nhiều.

Chúc các bạn học tốt!