Chiếc xe 52 chỗ chở 18 người chúng tôi đến một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Vĩnh Long. Để đến với ngôi trường tiểu học Tân Mỹ B, thầy cô phải đón chúng tôi bằng những chiếc xe máy để vượt qua con đường dài hơn 3km, nhỏ hẹp, lọt tỏm giữa khoảng trống mênh mông của những ruộng lúa xanh ngát.
Phải về những vùng quê như thế này tôi mới được sống lại cảm giác yêu quý, kính trọng thầy cô của những đứa trẻ làng. Chỉ cần thấy thầy cô chạy xe ngang qua, chúng nó liền đứng nghiêm chào hỏi lễ phép. Thế mới thấy nghề giáo cao quý thế nào. Mê chi cái hào nhoáng tiện nghi của đô hội mà cố sức bám trụ, chạy chọt để dạy ở thành phố, cứ về quê, tuy nghèo nhưng cái tình người, tình nghề vẫn mãi tươi xanh.
Đến trường, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây là ngôi trường đa số là học sinh dân tộc Khơ-me. Nơi đây giáo dục cũng được quan tâm nhưng do đời sống người dân nghèo khó, cơm không đủ no, nhà không đủ ấm thì ai mà quan tâm con cái học hành ra sao. Nhìn những đứa nhỏ vui tươi cười đùa trong cái thiếu thốn đó mà cảm thấy chạnh lòng.
Sau khi phân chia các phần quà cho các bé, chúng tôi ra sân để bơm bong bóng và phát cho những bạn nhỏ. Đối với những đứa bé vùng phát triển, có lẽ chúng nó sẽ chẳng màng đến việc xin xỏ mấy cái bong bóng nhàm chán. Nhưng đối với bọn trẻ ở đây, chúng thật sự thích thú đến nỗi chen lấn nhau để lấy. Tiếng nài nỉ “con nữa thầy” ” cho con đi chú” khiến tôi ước mình có thể phân thân để đáp ứng nhu cầu của tụi nó.
Biết rằng đến đây để làm một cái trung thu vui vẻ cho các bé. Nhưng mong muốn của tôi lại cao hơn. Tôi muốn tạo ra một kỷ niệm thay đổi cách ứng xử của tụi nhỏ. Tôi buồn khi những đứa bé đã có bong bóng chơi rồi nhưng vẫn chen lấn xin thêm, mặc cho những người bạn của mình vẫn đứng đó chờ đợi được chạm tay vào quả bong bóng. Tôi hy vọng tinh thần sẻ chia, biết đủ thường vui sẽ được ươm mầm cho những thế hệ mới này. Nhưng đáng buồn hơn là cả những phụ huynh cũng đứng ra bảo chúng tôi cho con họ trước. Ngay cả họ cũng như thế thì ai là người truyền thụ cho chúng cái đạo lý quan tâm người khác kia.
Dù đã cố nở nụ cười trên môi để trông thân thiện nhưng cái cảm xúc bất đồng với hành động của những người xung quanh khiến tôi trông giận dữ. Tôi không muốn bọn trẻ cứ lộn xộn, chen lấn nhau như thế, chúng phải học cách xếp hàng và tuân thủ quy định . Thật không ngờ, chỉ sau khi tôi băt tụi nó xếp hàng thì một hàng dọc đã hình thành. Chúng nó ngoan dễ sợ. Nhân đây cũng xin lỗi tụi con vì đã quá khắt khe và chưa thân thiện với tụi con làm cho buổi trung thu chưa thật sự hoàn hảo. Và cũng xin lỗi câu lạc bộ, có lẽ mình đã làm méo mó hình ảnh của người làm tình nguyện. Nhưng dù chỉ là khoảng cách, bản thân vẫn muốn tạo ra những bài học lâu dài. Có thể bây giờ tụi nhỏ chưa hiểu tại sao phải xếp hàng, nhưng rồi khi lớn lên, chúng nó phải sống theo những quy định thì hy vọng chúng nó sẽ nhớ đến kỷ niệm ngày hôm nay.
Chính vì thấy tôi hơn căng với bọn trẻ nên một chị trong đoàn đến để làm không khí dịu xuống. Và đến tối, tôi và chị đã có giờ tâm sự với nhau. Tôi tâm sự những dự định tình nguyện tương lai của mình và chị chia sẻ rất nhiều chuyện. Điều đọng lại cho tôi khiến tôi phải ghi nhớ đó là: dù tâm trạng của mình như thế nào, hoàn cảnh của mình như thế nào, mình cũng phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của mình (học hành, đi làm, bổn phận với gia đình, người thân…) và dù mong muốn giúp đỡ người khác là tốt nhưng phải đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và nhu cầu của những người trong gia đình.
Tôi thấy mình thật nhỏ bé và khả năng hạn hẹp, làm sao tôi có thể sống với lý tưởng quá xa vời như vậy. Ngài đòi hỏi con nhiều quá hay chính con đang ảo tưởng về bản thân mình???
Tình Nguyện trung thu tại trường tiểu học Tân Mỹ B, Trà Môn, Vĩnh Long, ngày 10-11/9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét