Nhãn

KHỞI NGHIỆP HAY HỌC ĐẠI

 



"Có bao giờ mày nghĩ đến việc tự tử không?" Đó là câu hỏi bạn nói với tôi để bắt đầu câu chuyện.

5 năm trước tôi và bạn cùng chung một xuất phát điểm. Hai đứa có khá nhiều điểm tương đồng nên đôi khi đi chung, nhiều người vẫn hay so sánh hai đứa. Xét về khả năng, tôi và bạn cũng có những điểm chung, bạn có tài nào thì tôi có tài đó, ngang tài ngang sức, mỗi người một vẻ, thật khó để so sánh ai hơn ai. Nhưng một điểm tôi hơn bạn chính là tôi học giỏi hơn.

Khi bạn và tôi tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học đại học còn bạn thì tự lập nghiệp kinh doanh. Hai chúng ta đều thích kinh doanh nhưng cách làm lại khác nhau. Điểm cuối sự nghiệp hai đứa đều mơ giống nhau nhưng cách thực hiện nó thì lại khác. Tôi có phần ngưỡng mộ bạn bởi bạn chọn cách khởi nghiệp, sống với đam mê của mình ngay khi có thể còn bản thân tôi vẫn do dự, suy tính. Tôi tự an ủi cho sự yếu kém đó bằng suy nghĩ con đường khởi nghiệp của bạn có thể thành công đấy nhưng so với việc tôi đi học đại học thì con đường khởi nghiệp sau này của tôi sẽ dài hơn, sẽ đi xa hơn bạn. Bạn và tôi ngầm cố gắng để chứng tỏ bản thân mình thành công hơn người kia.

Và giờ đây, khi có dịp ngồi lại bên nhau để chia sẻ hành trình của mình. Tôi thật sự cảm thấy mình thua bạn rất nhiều. Tôi không ngờ một người nhỏ nhắn như bạn giờ đây lại có thể gồng gánh cả gia đình, thậm chí cả gia đình của anh chị mình. Tôi không ngờ một người không được học về quản trị, kinh tế hay kế toán mà lại có thể tính toán cách kinh doanh, xoay vòng vốn mà chính tôi khi nghe bạn nói mà lỗ tai cứ bùng nhùng. Tôi không ngờ một người mỏng manh như bạn lại có thể đương đầu với những sóng gió mà chính bản thân bạn thấy không biết tại sao bạn lại vượt qua được. Và tôi không ngờ một người như tôi lại thua bạn nhiều đến thế.

Tôi đã tốt nghiệp đại học mà vẫn phải để cho ba mẹ lo lắng về công ăn việc làm của mình. Tôi cũng có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng bản thân tôi lại không có được cái liều trong kinh doanh như bạn. Như lời bạn chia sẻ: bạn rất liều, bạn nghĩ cứ làm đi rồi tính tiếp và chắc chắn thành công, hay táo bạo hơn là, không ai ăn thịt người đâu, mình không trả nợ nổi thì mình khất, mình trả dần. Tôi thật lòng ngưỡng mộ tinh thần đó của bạn. Và bạn cũng đủ cần cù, đủ bản lĩnh và khéo léo để vượt qua những thách thức cuộc sống. Từ con số không, bạn đã có được số vốn mà chính bản thân tôi cũng không dám nghĩ tới.

Bạn có chia sẻ: nếu đến năm 30 tuổi, sự nghiệp của bạn không thành công, bạn sẽ từ giã cõi đời, còn nếu thành công, bạn sẽ dành quãng đời còn lại để phục vụ tha nhân. Đúng là tuổi trẻ, sức trai thì phải vẫy vùng khắp bốn bể mới không phải tiếc nuối về những việc mình chưa làm. Nhưng tôi không đồng tình việc bạn nhắc đến chuyện từ bỏ mọi thứ mà ra đi nhẹ nhàng như vậy, nhưng tôi tin với những gì bạn có và trải nghiệm vào lứa tuổi này thì đến năm 30 tuổi, bạn sẽ thành công. Mong rằng lúc đó hai chúng ta sẽ lại có buổi trò chuyện về hành trình thành công của mình bạn nhé!

Buổi trò chuyện bên tô hủ tiếu trong góc hẻm thoi thóp ánh đèn

0h00 ngày 06/9/2016

TẬN HƯỞNG THÀNH QUẢ CUỘC SỐNG

 



"Nhiều bạn trẻ lấy việc làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa làm phương châm sống. Bạn có đồng tình với phương châm đó không?"

Đầu tiên, cho phép em được bỏ qua phần chào hỏi ban giám khảo, khán giả hay nói khán giả vỗ tay cổ vũ cho mình để câu giờ trong khi suy nghĩ câu trả lời.

Em xin phép được trả lời câu hỏi của mình.

Em luôn có quan điểm: người thông minh, nhanh nhạy là người biết đâu là điểm dừng. Bởi vì dừng lại quá sớm đôi khi khiến ta tiếc nuối và sự vô độ, xa đà nhiều lúc lại rất tai hại. "Làm việc hết mình" ở đây, em xin được chia sẻ là việc cống hiến hết khả năng để tạo ra những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, khẳng định bản thân và mưu ích cho xã hội trong giới hạn của bản thân (sức khỏe, tri thức, tài năng...). Còn việc "hưởng thụ tối đa" thì chỉ nên là "tận hưởng công việc mình đã làm". Ở đây là việc thưởng thức (enjoy) cuộc sống, không nhất thiết là hưởng thụ những của cải, vật chất mà lao động đem lại.

Không phải sống trong giàu sang, tiện nghi, uy quyền mà người ta nói là mình đang tận hưởng cuộc sống. Chỉ khi nào biết đủ, biết đủ cả trong lúc thiếu thốn, gian nan thì người ta mới thật sự đang tận hưởng cuộc sống. Còn nếu lao mình vào kiếm tiền, vun vén cho cuộc sống vật chất bản thân thì người ta chỉ đang mang những gánh nặng tham vọng, khao khát vơ vét thật nhiều cho mình thì có cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mà nói rằng họ đang tận hưởng cuộc sống không. Thưởng thức mọi thứ cuộc sống mang lại, dù thiếu thốn, khó khăn thì người ta mới đang sống để tận hưởng. Phải có sự hài lòng với thực tại và một trái tim biết yêu thương thì người ta mới biết cách thưởng thức cuộc sống. Còn không, mọi sự hưởng thụ của họ chỉ là những vô cảm. Ví như việc một ca sĩ nổi tiếng post lên trang cá nhân của mình tấm hình đang ngồi trong siêu xe thưởng thức champagne kế bên một người lao động nghèo khổ.

Bản thân mỗi người khi lao động hết mình đều có quyền tận hưởng thành quả của mình. Nhưng điều em muốn hướng tới là sự sẻ chia đối với mọi người, sẻ chia niềm vui thành quả, sẻ chia những gì dư thừa so với mức nhu cầu cần thiết của bản thân. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu thương mà một hoa hậu cần có.

Em xin hết.


(Câu hỏi vòng thi của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Hoa Hậu Việt Nam 2016)

30/8/2016

CUỘC SỐNG LUÔN TỒN TẠI THỨ GỌI LÀ CÔNG BẰNG?

 



Sáng nay tôi xem The Face, một chương trình đang thu hút hiện nay. Họ nói những người chơi có tố chất, tài năng, thể hiện xuất sắc nhưng vẫn phải dừng cuộc chơi, rằng chương trình dàn dựng hay thiếu công bằng đối với thí sinh... Bản thân tôi thì thấy rằng: một khi bạn đã tham gia cuộc chơi thì bạn phải chấp nhận quyền quyết định thuộc về ban tổ chức.

Nếu tôi là thí sinh, tôi có thể được chọn vì tài năng hay tôi có điều chương trình mong muốn, nhưng người khác có thể được chọn chỉ vì mối quan hệ hoặc chỉ vì ban tổ chức thích chọn họ, đơn giản chỉ thế thôi, không cần phải lý giải cho tôi biết và cũng không cần phải thể hiện sự công bằng nếu như đó không phải là điều họ mong muốn. Và tôi được đi đến tập mấy cũng là công bằng với tôi rồi, bởi tôi đến đây không phải vì tôi quá xuất sắc, quá tài năng mà chỉ đơn giản là họ đã chọn tôi. Những điều tôi học hỏi, những trải nghiệm và những gì tôi thể hiện cho người khác thấy mới là điều quan trọng. Nếu tôi thấy cuộc chơi nào đó không công bằng và tôi tìm kiếm sự công bằng ở đấy thì tôi nên ra đi.

Còn nếu tôi là khán giả truyền hình, tôi không thích chương trình dàn dựng, bất công hoặc đơn giản thí sinh tôi thích bị loại, tôi có thể không theo dõi nữa. Không tranh cãi, không chỉ trích về vấn đề mình không thích là lựa chọn làm mình vui nhất.

Khi đứng trước một vấn đề không như mong muốn, người ta có thể lựa chọn: chấp nhận, thay đổi hoặc từ bỏ.

Còn bạn đang băn khoăn: liệu rằng trong cuộc sống này có tồn tại hay không chữ "công bằng" thật sự, hay mọi thứ trên đời đều chỉ là tương đối thì tôi xin được chia sẻ thêm quan điểm của mình.

Có lúc tôi nghĩ cuộc đời thật không công bằng. Những sinh linh chưa kịp sinh ra đời thì đã bị sự ích kỷ của bố mẹ mà tước đoạt của em sự sống. Những em bé sắp sinh đâu được chọn lựa sinh ra trong gia đình giàu sang hay nghèo khó, tri thức hay bình dân, gia đình yên ấm hay lục đục... Những đứa trẻ mới sinh đâu có tội tình gì mà phải trân mình chịu đựng những căn bệnh hiểm nghèo hay phải nhìn đời bằng một thân thể khiếm khuyết... Và khi vào đời, nó lại thấy biết bao điều bản thân nó cho là bất công: người hiền thường chịu thiệt thòi, kẻ ăn chơi thì được dư dật trong khi nhiều người cầy cuốc khổ cực mà phải chạy vạy từng miếng ăn... Phải chăng cuộc đời này không tồn tại công bằng hay chính bản thân tôi chỉ toàn thấy những điều bất công?

Nhưng trải qua thời gian, tôi nghĩ tại sao bản thân mình cứ phải sống trong bất mãn, muộn phiền khi nghĩ rằng cuộc đời toàn bất công. Tôi dần học được cách chấp nhận và nhìn nhận cuộc sống này chỉ tồn tại thứ công bằng tương đối. Công bằng hay không công bằng chỉ do bản thân mình lượng định. Nếu suy nghĩ khác đi, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác tích cực hơn, bản thân sẽ thấy được sự công bằng trong đó, và điều quan trọng vẫn là bản thân sẽ cảm thấy dễ chịu và vui vẻ hơn.

Rồi đến thời điểm hiện tại, tôi có thể nói cuộc đời này luôn công bằng. Những thứ "tôi là", "tôi có", những điều xảy đến với tôi đều mang một ý nghĩa của nó và nó dành riêng cho một mình tôi, và thế là đủ cho tôi. Khi bản thân tôi thấy đủ thì còn điều gì bản thân tôi thấy là không công bằng nữa. Người ta thường thấy bất công khi họ ôm ấp và vơ vét quá nhiều thứ và khi những thứ họ mong muốn không đạt được, họ thất vọng và cảm thấy cuộc sống bất công với họ.

Đúng là mọi thứ trên đời đều mang tính tương đối và chỉ nơi Đấng Tạo Hóa mới tồn tại sự trọn hảo. Vậy một Đấng Tạo Hóa luôn công bằng lại đối xử không công bằng với tôi ư? Tôi không nghĩ như vậy. Nếu tất cả những gì tôi nhận được trong cuộc sống chỉ toàn bất công thì những bất công đó tôi sẽ chẳng có khi tôi không được đón nhận sự sống nhưng không này, qua sự quảng đại của cha mẹ tôi. Tôi đã làm gì để nhận được sự sống này mà tôi còn đòi hỏi mình phải là người có ngoại hình, có gia thế và sống trong gia đình giàu có, hạnh phúc, thế này thế kia. Những thứ đó tôi nói tôi không thể chọn lựa chỉ bởi vì tôi đón nhận một cách nhưng không từ cha mẹ tôi. Vậy tại sao tôi lại oán trách thân phận của mình hay oán hờn cha mẹ mình khi họ không cho tôi thứ tôi mong muốn mà bản thân tôi không nghĩ lại: cha mẹ tôi đang chịu đựng những gì tôi gây ra cho họ, có lẽ, cuộc đời họ sẽ tốt hơn nếu họ không cho tôi ra đời. Vậy là sự sống, thân phận mà tôi nhận được đã là công bằng đối với tôi.

Và tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời tôi, dù tốt hay xấu ở phương diện này hay phương diện khác, trong nhìn nhận của tôi nó đều rất công bằng vì nó phù hợp để rèn luyện tôi, cho tôi những trải nghiệm, những bài học và cơ hội hoàn thiện mình và đạt được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Nếu tôi nhận thấy bản thân tôi không nhận được những gì xứng đáng với cố gắng, năng lực của mình hoặc người kia chẳng có gì hơn tôi mà họ lại nhận được thứ tôi muốn là tôi đang đánh giá thiếu công bằng và đôi khi là tôi đang ghen tị với họ. Đánh giá một cách khách quan, tôi đã nỗ lực hết sức mình và thể hiện điều đó để mọi người nhìn nhận chưa? Và dù kết quả đạt được là gì thì tôi cũng đã công bằng với chính mình và đủ để tôi tự hào và ngẩng cao đầu. Còn quyết định thuộc về người khác thì đó là quyền của họ, họ đưa ra đánh giá và chọn lựa theo cách của họ, đó là công bằng của họ.

Công bằng cũng có tính tương đối. Đối với tôi như này là công bằng, nhưng đối với người khác thế kia mới là công bằng. Vậy thì có bất công hay không vẫn nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người. Nếu muốn công bằng theo cách của mình, bản thân phải giành được quyền quyết định. Khi đó, thế nào là công bằng và đối xử như thế nào là lựa chọn của bạn.

Người ta thường đòi hỏi người khác phải công bằng với mình mà bản thân mình thì đã thật sự công bằng với bản thân, công bằng với người khác để tạo dựng sự công bằng cho cuộc sống này chưa?

Đối với chính mình, tôi thường chọn những thứ dễ dãi nhưng tai hại cho bản thân để từ chối những điều khó khăn nhưng mang lại ích lợi. Như thế tôi đã thực sự công bằng với bản thân mình. Công bằng là người khác phải đem đến cho tôi những điều tốt nhất mà tôi lại không cố gắng đối xử với bản thân cách công bằng. Tôi đã nỗ lực như thế nào để đạt được điều mà tôi nói theo lẽ công bằng tôi phải có bởi tôi xứng đáng.

Trong mỗi hoàn cảnh, dù ngặt nghèo hay khó khăn đến đâu, bạn cũng có quyền lựa chọn cách ứng xử và giải quyết nó. Đứng trước thách thức lớn nhất là sống chết, bạn vẫn có thể lựa chọn chết vinh hay là sống nhục. Thế đã là công bằng cho bạn.

Và đôi khi, công bằng là việc tôi phải bỏ đi cái tôi, sự ích kỷ để thực thi công bằng đối với người khác. Không xét đoán, tôn trọng cuộc sống và quyết định của người khác là đang thể hiện sự công bằng. Giúp đỡ, chia sẻ với mọi người để mình và mọi người đều cảm thấy cuộc đời này thật công bằng.

Tại sao sự công bằng trong cuộc đời mình lại trao phó hay phụ thuộc vào người khác mà không phải bạn là người tạo nên sự công bằng cho chính mình. Ý tôi muốn nói là sự tự chủ.

Căn phòng 861/27/10, 28/8/2016

TONY BUỔI SÁNG-KHAO KHÁT VẪY VÙNG BIỂN LỚN

 



Người ta nói: cuộc đời của một con người sẽ thay đổi khi họ đọc một cuốn sách hay gặp được một người phù hợp. Tôi nghĩ mình đã gặp được Người đó và tôi cũng đọc được cuốn sách đó-Tony Buổi Sáng.

Sự thay đổi đó có thể hiện tại những người xung quanh tôi chưa nhận ra bởi tôi đâu phải là người đa nhân cách, chỉ cần tích tắc là có thể thay đổi được ngay. Sự thay đổi nào cũng cần quyết tâm và thời gian, sự đào luyện không ngừng để hướng đến con người hoàn thiện mà bán thân hướng tới. Sự nóng vội và nghĩ rằng bản thân có thể đổi thay được ngay và giữ vững điều đó chỉ là sự ảo tưởng và đôi khi khiến ta chai lỳ trong cảm thức tự mãn về bản thân mà không canh tân chính mình. Nhưng chính trong bản thân mình, tôi cảm nhận mình đang làm mới chính bản thân mình. Từng tế bào trong cơ thể hay sự thể hiện rõ nhất là từng nơ-ron từ từ biến đổi mạnh mẽ khiến cho tư duy, lối sống của tôi cũng đổi mới. Nói như thế có thể chỉ là cách nói cường điệu nhưng chỉ khi nào bạn chạm tới và cảm nhận, bạn sẽ thấy những năng lượng trong bạn được thức tỉnh và dâng trào mạnh mẽ khiến bạn phải thay đổi, phải biến đổi... Tôi dám nói như thế bởi tôi đã gặp được Người và đọc được cuốn sách khiến tôi thức tỉnh. Còn trong giới hạn của bài viết này, tôi xin chia sẻ những điều tôi có thể cảm nhận trong cuốn Cà phê cùng Tony và Trên Đường Băng của tác giả Tony Buổi Sáng.

Không phải sự tình cờ mà tôi đọc một cuốn sách. Chính thời gian loay hoay kiếm việc khiến tôi chông chênh, mất định hướng về cuộc đời mình. Và trong sự mất phương hướng đó, tôi đã tìm được kim chỉ nam cho mình. Có lẽ chính là thời điểm, hoàn cảnh khiến tôi khao khát tìm ra lối thoát nên tôi mới cảm nhận được sự ý nghĩa mà cuốn sách đó đem lại.

Tôi lướt web tìm việc và thấy tin tuyển trợ giảng cho một trung tâm dạy ielts. Điều đặc biệt khiến tôi tò mò là trong phần yêu cầu công việc có dòng chữ "ưu tiên ứng viên đã đọc qua Tony Buổi Sáng". Thế là tôi phải tìm và đọc Tony Buổi Sáng là cái gì?

Điều đầu tiên phải nói là tôi bị cuốn hút bởi giọng văn hài hước, dí dỏm nhưng sâu sắc của một người từng trải và phóng khoáng. Cứ mỗi lần đọc là tôi lại say sưa thức đêm dù rất buồn ngủ. Và cứ thế, càng đọc tôi lại càng muốn thay đổi nếp sống của mình để vươn ra biển lớn.

Bạn sẽ bắt gặp chính mình trong những tư duy yếu kém hay lối sống tiêu cực, buông thả. Bạn sẽ học hỏi từ những con người cố vươn lên, đè bẹp hoàn cảnh khốn khó của cuộc sống và đã gặt hái được thành công. Bạn mời gọi phải có lối tư duy tích cực, năng động, phải sống phóng khoáng, yêu thương và cho đi  để thay đổi "tư duy tiểu nông" thấp kém. Điều quan trọng là bạn luôn phải vượt lên chính mình, cố gắng học hỏi để tự hào sánh vai với bạn bè quốc tế. Và điều bạn có thể tìm được chính là tư duy làm chủ và định hướng khởi nghiệp.

Có thể bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn thế nữa khi đọc 2 cuốn sách trên hoặc theo dõi Fanpage Tony Buổi Sáng.

HỌC ĐẠI HỌC LÀ QUÃNG THỜI GIAN NÓ TIẾC NUỐI NHẤT

 


Giờ đây ở cái tuổi mà bạn bè nó đã yên bề gia thất thì nó vẫn đang quay cuồng học tiếng Đức để bắt đầu hành trình du học Đức của mình. Có quá trễ với nó hay không thì nó chỉ chặc lưỡi mà nói: nếu thấy trễ mà không làm thì biết đến bao giờ mới làm, còn vứt luôn cái mong muốn đó vào sọt rác thì nó không biết trong đời nó còn bao nhiêu lần hối tiếc vì đã không bắt đầu. Mà nói thật, lâu rồi không tập trung học nên rất cần thời gian tập lại thói quen này.

Nó không biết trong quãng thời gian bốn năm đại học nó đã làm gì mà giờ nó không thể cầm tấm bằng loại khá đó để đi xin việc. Thậm chí khi có người hỏi đã từng học ngành gì, nó cũng không dám trả lời bởi vì khả năng chuyên môn của nó chẳng hề tương xứng với tấm bằng nó đạt được. Hãy thôi hỏi nó học ngành gì, trường gì, bởi vì lỗi chẳng phải ở những kiến thức được giảng dạy, mức độ uy tín, danh tiếng của nhà trường hay khả năng của thầy cô mà ở chính tại người học. Dẫu biết rằng hệ thống giáo dục Đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng tư duy của người học mới quyết định quãng thời gian học đại học có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của họ sau này.

Bốn năm là quãng thời gian không dài so với đời người nhưng nó cũng không ngắn để hình thành hệ tư tưởng sống cũng như lượng kiến thức có thể được tiếp thu. Không quan trọng người ta dạy nó cái gì mà quan trọng là nó muốn học cái gì và phương pháp học của nó ra sao. Nếu thật sự muốn thì nó sẽ tự tìm hiểu và đào sâu kiến thức đó. Trải nghiệm nhiều phương pháp học để biết phương pháp nào giúp nó tiếp thu nhanh, cũng như tiếp nhận được lượng kiến thức lớn và tạo cảm giác hứng thú khi học. Bốn năm chịu khó, chăm chỉ học hành và phát triển bản thân để một quãng thời gian dài sau này hưởng những thành quả cũng đáng để đánh đổi chứ. Học cách đón nhận cảm giác khó chịu khi làm những việc khó khăn cũng là một kỹ năng cần rèn luyện. Mà thật ra cũng chẳng cần nghĩ là đánh đổi nếu biết tận hưởng trọn vẹn từng giây phút: Học ra học, chơi ra chơi.

Đáng lẽ quãng thời gian bốn năm đó nó phải làm những điều này chứ không phải đợi đến bây giờ. Nhưng chuyện gì cũng cần trải qua quá trình nhận thức. Nó nhận thức trễ hơn người khác thì giờ nó đi sau người khác là điều hiển nhiên. Nó có chút nuối tiếc nhưng nó đã dũng cảm đứng dậy để sau này không còn mãi tiếc hoài tuổi trẻ. Nó còn trẻ mà. Ừ thì nó tự nhủ mình còn trẻ nên phải bắt đầu sống cho đáng tuổi trẻ.