“Nếu không có 400 triệu thì có lẽ tay hoặc chân của em đã bị xã hội đen lấy đi rồi”. Đó là câu nói của một cậu em ở trọ chung thời sinh viên nói với tôi. Em kể câu chuyện của mình cho tôi nghe khi em lướt facebook và thấy những bài đăng về sự tự do theo đuổi đam mê hay những thứ đại loại như ý nghĩa cuộc đời mà tôi chia sẻ. Điều em nói tôi đều công nhận, rằng cuộc đời này nếu không có tiền thì không được đảm bảo. “Bản thân có thể chờ thành công đến nhưng tuổi già của cha mẹ thì không”. Hay như câu giáo huấn của một người thầy trên youtube: “cái ngày mà ba mẹ nằm trong bệnh viện mà bản thân không có tiền chữa chạy thì lúc đó mới biết sự bất lực của một thằng đàn ông”. Vậy thì đam mê là gì? Ý nghĩa cuộc sống là gì khi trách nhiệm cơm, áo, gạo, tiền hay những bổn phận với cha mẹ và những người thân cứ quẩn quanh, bủa vây lấy mình?
Câu trả lời thật khó trả lời. Có lẽ hoàn cảnh sống và tính cách của mỗi người thì sẽ có câu trả lời khác nhau. Chỉ cần bạn biết rằng bạn đã cố gắng làm hết sức trong khả năng và hoàn cảnh của mình là được rồi. Giống như nhân vật trong bộ phim mà tôi đang xem. Cô chấp nhận lấy một người đàn ông không yêu mình và hàng ngày chịu sự tổn thương từ anh ta, vì anh ta có thể lo cho người mẹ già và cô em gái đau bệnh của cô. Việc cô hy sinh hạnh phúc của mình để đổi lấy sự chăm lo vật chất cho mẹ và em gái là điều đáng được sẻ chia và an ủi. Nhưng điều mà bản thân tôi cảm thấy cô đáng thương bởi vì chính cô không thể lấy mẹ và em gái làm liều thuốc xoa dịu những đau khổ của cô. Người ta có thể chấp nhận những nghịch cảnh trong cuộc sống mà vẫn vui vẻ đón nhận khi họ biết rằng điều họ hy sinh là đáng. Hay nói cách khác, giữa lựa chọn theo đuổi hạnh phúc riêng hay hy sinh vì hạnh phúc của người khác, một khi chỉ được lựa chọn một trong hai thì cũng nên chấp nhận việc mình đánh mất thứ còn lại để bản thân không cảm thấy mất mát dằn vặt nữa. Cô chấp nhận chịu khổ vì mẹ và em, thì khi cảm thấy đau khổ, việc nghĩ đến mẹ và em gái đang hạnh phúc có khiến cô thấy nhẹ nhõng hơn không? Hy vọng cô sẽ bớt đau khổ khi chấp nhận với lựa chọn của mình. Dù trên đời này không có bí mật nào có thể giữ mãi được, nhất là việc giả vờ mình đang hạnh phúc, thì tôi cũng mong rằng cô sẽ giấu được mẹ mình cho đến khi bà chết. Để mẹ cô không bị dằn vặt khi biết cô đang hy sinh cho bà bấy lâu nay và đứa em gái luôn cảm thấy mình là gánh nặng cho chị sẽ không bị tâm lý này đè nặng thêm nữa.
Vậy thì tự hỏi, nếu tôi trong hoàn cảnh đó thì tôi sẽ làm
gì? Có lẽ tôi sẽ thẳng thắn nói chuyện với mẹ và em gái, dù có để họ chịu cực
cùng tôi nhưng nếu họ cùng tôi cam lòng xây dựng những hạnh phúc nhỏ nhoi thì
thế cũng không phải là lựa chọn tệ. Còn vì không muốn mẹ và em không phải bận
lòng thì giữ im lặng và tự mình lựa chọn như nhân vật trong phim cũng được.
Nhưng tôi sẽ vô cảm hơn để bớt cảm thấy đau khổ và luôn lấy mẹ và em làm động lực
vượt qua. Nếu đủ bản lĩnh gom góp chứng cứ ngoại tình hay bạo hành để ra toà
chia tài sản thì cũng chẳng có gì đáng trách, đó là phần cô được hưởng sau những
tổn thương về tinh thần và thể xác.
Nói giông dài chuyện phim như thế để thấy rằng bản thân dù
phải có trách nhiệm gì đi nữa thì vẫn có cơ hội để mơ về tương lai và phấn đấu
chứ. Nếu bản thân đã cố gắng mà chưa thể cho gia đình vật chất như mong muốn
thì cũng lấy tình cảm hay những điều khác bù lại. Biết bao người mải mê kiếm tiền
để lo cho gia đình mà không đủ thời gian quan tâm họ. Đến cuối cùng nhìn lại,
thứ họ cần đâu phải là tiền tài vật chất.
Vậy nên hãy thử rõ ràng với nhau xem, trách nhiệm của mình là gì, họ cần mình ở mình và mình có thể cho họ điều gì. Biết đâu mình lại ngộ ra, tự bản thân mình đang tự buộc cho mình những trách nhiệm mà người khác không trông chờ rồi tự mệt mỏi hay từ bỏ cuộc sống của chính mình. Hoặc nếu họ đặt lên bạn trách nhiệm quá sức thì có cần điều chỉnh lại không. Chung quy lại, hãy lựa chọn điều làm bản thân hài lòng dù trong hoàn cảnh nào và buông bỏ những gánh nặng tiêu cực không cần thiết. Tích cực đón nhận cuộc đời mình đang sống thay vì tâm lý là kẻ bị hại và đổ lỗi cho hoàn cảnh thì nên làm, phải không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét