Nhãn

CÁC BƯỚC HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

 


CÁC BƯỚC KHI BẮT ĐẦU HỌC TIẾNG ANH

 

Nếu bạn muốn nghiêm túc chinh phục tiếng Anh nhưng chưa biết từng bước bắt đầu như thế nào thì có thể tham khảo bài viết này.

 

Não bộ của mỗi người sẽ có cách tiếp thu thông tin khác nhau, nếu hiểu cách ghi nhớ thông tin phù hợp với não bộ của bản thân thì sẽ giúp việc học nói chung và việc Tiếng Anh nói riêng hiệu quả và đỡ vất vả hơn. Mình đã viết một ebook về hành trình học tiếng Anh, vì không muốn đưa ra một khuôn mẫu để các bạn ép bản thân làm theo nên nó chỉ gợi mở ý tưởng. Nhưng có vẻ nhiều bạn vẫn cần biết cần làm gì cụ thể nên mình sẽ chia sẻ từng bước chinh phục Tiếng Anh trong bài viết này.

 

Bài viết xuất phát từ những tìm hiểu về việc học ngoại ngữ và áp dụng vào trải nghiệm cá nhân, nó có thể phù hợp với bạn hoặc không, hãy chọn lọc và tìm ra phương pháp phù hợp với chính mình. Bạn có thể tham khảo thêm ebook tại link: https://bit.ly/ebookhuongdanhocTA

 

Đây là những giai đoạn mình áp dụng khi học ngoại ngữ:

 

Giai đoạn 1: Làm quen với âm thanh và học ngữ pháp

 

Điều đầu tiên khi bắt đầu học một ngoại ngữ là làm quen với âm thanh của ngôn ngữ đó. Giống như một đứa trẻ, chúng phải dành 1-2 năm chỉ để nghe ngôn ngữ mẹ đẻ rồi sau đó mới dần hiểu. Do đã nghe quen tiếng mẹ đẻ nên những ngôn ngữ khác chưa từng nghe, chúng ta sẽ xem là âm thanh vô nghĩa (tiếng ồn, tạp âm). Vì thế, khi nghe một người bản xứ nói, ta có thể không nghe rõ từng âm mà chỉ nghe xì là xì lồ gì đó, nhưng khi giáo viên người Việt lặp lại thì ta có thể nghe và lặp lại được. Vì giáo viên người Việt có thể đã phát âm chậm, rõ và hơi giống âm Tiếng Việt, còn người bản ngữ nói những âm không có trong tiếng Việt và nói nhanh.

 

Do đó, giai đoạn đầu, ta nên bật nghe Tiếng Anh nhiều nhất có thể, không cần hiểu, chỉ cần tai nghe quen âm và giai điệu của Tiếng Anh. Quá trình này giúp não ta nhận diện đó không phải là tiếng ồn nữa mà não sẽ phải phân tách âm thanh và dịch nghĩa chúng.

 

Ta cũng có thể dùng những giáo trình luyện âm để hỗ trợ cho việc nhận diện âm thanh: Tiếng Anh có những âm nào, cách đặt khẩu hình miệng để tạo ra âm thanh đó. Link tham khảo: http://bit.ly/luyenam

 

Ta nên nghe những bản âm thanh có ghi lời (transcript) để dùng luyện nghe hiểu sau này. Cứ bật nghe cho đến khi tai bạn phân biệt được từng âm trong một câu nói. Mình nhắc lại là ta không cần hiểu, chỉ cần ghi nhớ chuỗi âm thanh. Nếu có cụm âm thanh nào ta nghe được rõ thì cứ ghi nhớ, sau này khi tra nghĩa ta sẽ hiểu nó là gì và ghi nhớ luôn.

 

Ta không cần nghe nhiều bản âm thanh khác nhau, chỉ cần vài bản thích nghe và nghe đi nghe lại nhiều lần là được. Vì nếu nghe nhiều lần một bản âm thanh thì não ta sẽ quen dần và ghi nhớ tốt hơn. Bí quyết ở đây là sự lặp đi lặp lại.

 

Nguồn nghe đề xuất: Listening Time Podcast

Link Podcast: https://open.spotify.com/show/3GRJb6bwpKEbOOG7QFjRqS?si=5Zx4VcxgRk6qkWog3_CWBw

Link youtube: https://www.youtube.com/c/Polyglossa

Xem video giới thiệu về podcast và cách nghe theo cụm từ: https://youtu.be/xlZTJjbdF14

 

Để đỡ nhàm chán vì nghe mà không hiểu gì, ta có thể xem phim có hoặc không có phụ đề. Nhưng cần ghi nhớ: tập trung nghe âm thanh, không nên bị cuốn theo phim mà chăm chăm đọc phụ đề.

 

Ta cũng có thể nghe Tiếng Anh trước khi ngủ: https://bit.ly/nghetienganhchudong. Tận dụng tối đa thời gian có thể.

 

Một lưu ý là giai đoạn này đừng vội nhìn chữ để đọc, vì nếu bạn chưa biết cách phát âm của từ mà đã nhìn chữ thì sẽ đọc theo kiểu tiếng Việt mà hình thành âm thanh sai trong đầu. Điều này sẽ khiến bạn nhìn chữ thì hiểu nhưng không nghe được khi người khác phát âm đúng từ đó vì trong đầu bạn ghi nhớ bản âm thanh sai.

 

Đồng thời, trong giai đoạn này, ta sẽ học ngữ pháp để biết được cấu trúc của một câu trong tiếng Anh. Khi học ngữ pháp, bạn cũng có thể nghe và học thuộc những câu nói thông dụng chứa ngữ pháp đó và tập phân tích ngữ pháp trong một câu thay vì học thuộc những nguyên tắc và làm bài tập dạng thi cử, máy móc. Mình có làm một series học ngữ pháp theo cách này, bạn có thể tham khảo tại: http://bit.ly/nghenguphap

 

Ghi chú: giai đoạn 1: nghe để nhận diện âm và tìm hiểu về ngữ pháp.

 

Giai đoạn 2: Đồng bộ âm thanh và chữ viết

 

Sau khi đã nhận diện và quen dần với âm thanh của tiếng Anh, ta có thể mở bản ghi lời (transcript) để biết âm thanh đó được viết như thế nào, nghĩa là vừa nghe vừa nhìn transcript. Giai đoạn này ta mới học cách viết âm thanh thành từ và tra từ điển để dịch nghĩa chúng.

 

Ta cũng đã nắm được ngữ pháp của Tiếng Anh ở giai đoạn trước nên việc dịch hiểu sẽ dễ dàng.

 

Sau khi dịch hiểu toàn bộ transcript, ta sẽ học từ vựng theo cụm từ. Vì sao phải học từ vựng theo cụm từ? Vì một từ có thể có nhiều nghĩa, khi đứng với từ này (ngữ cảnh này) thì nó mang nghĩa này, khi đứng với từ khác (ngữ cảnh khác) thì nó mang nghĩa khác. Nên việc học từ vựng theo cụm từ hay đi chung với nhau sẽ giúp ta hiểu được nghĩa của từ trong ngữ cảnh cụ thể, tạo phản xạ hiểu ngay nghĩa của từ, không phải liệt kê tất cả nghĩa rồi xem nghĩa nào phù hợp.

 

Vừa học từ vựng, vừa nghe đi nghe lại bản âm thanh đó. Điều này vừa giúp ghi nhớ từ vựng vừa giúp ghi nhớ âm thanh của từ. Nghe cho đến khi não bạn tự động hiểu được bản âm thanh đó mà không cần nhẩm lại để dịch nghĩa. Ta cũng nên nói theo để tạo phản xạ nói. Bí quyết ở đây vẫn là sự lặp lại và học thuộc lòng.

 

Ghi chú: giai đoạn 2: vừa nghe vừa nhìn transcript, dịch transcript và học thuộc từ vựng, nghe cho đến khi thuộc (tự hiểu mà không tốn thời gian dịch nghĩa).

 

Giai đoạn 3: để tiếng Anh thành ngôn ngữ tự nhiên

 

Khi đã nghe hiểu những bản âm thanh được thu âm để phục vụ việc học (âm thanh của giáo trình, hội thoại chậm), ta nên làm quen và học những đoạn hội thoại tự nhiên của người bản xứ. Ta có thể tiếp xúc giao tiếp với người bản xứ (tìm người bản xứ bắt chuyện, qua các ứng dụng học với người bản xứ… ) hoặc xem phim, game show, talk show, podcast của người bản xứ.

 

Dù ở giai đoạn trước ta có thể nghe hiểu hầu hết, nhưng khi nghe người bản xứ nói cách tự nhiên, ta lại không thể hiểu hết. Đó là điều bình thường. Ta cần thời gian để làm quen với cách phát âm tự nhiên của người bản xứ và tăng tốc độ xử lý thông tin của não bộ khi nghe người bản xứ nói nhanh.

 

Nguồn học đề xuất: phim Netflix vì nó có phụ đề Anh và Việt để đối chiếu xem mình có nghe hiểu đúng nội dung chưa. Ta có thể học thuộc những lời thoại thông dụng và tập biểu cảm theo tình huống trong phim.

 

Ta cũng có thể xem Youtube: Vlog thuộc chủ đề yêu thích. Nói chung là xem những video của người bản xứ mà ta hứng thú để quen cách giao tiếp tự nhiên của họ, nâng cao vốn từ và biểu cảm ngôn ngữ.

 

Sẽ có những lúc ta cảm thấy chán nản vì mãi không thấy tiến bộ, hoặc chỉ cần nghe thấy tiếng Anh là nhức đầu, hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này, vì khi vượt qua được, ta sẽ dễ chịu hơn khi nghe Tiếng Anh vì não ta đã quen và xem tiếng Anh cũng là dạng âm thanh bình thường.

 

Ghi chú: giai đoạn 3: xem phim, vlog, podcast… của người bản xứ để tiếng Anh trở nên tự nhiên hơn.

 

Tuỳ khả năng và mong muốn của mỗi người mà thời gian của từng giai đoạn sẽ khác nhau và có thể đan xen nhau. Trên hết, bạn hãy hiểu cách tiếp thu thông tin của bộ não mình để có cách học phù hợp nhất.

 

Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với vài người. Cảm ơn bạn đã đọc.

Chúc bạn học tốt và thành công.


SỐNG ĐỜI TỰ DO

 

Nhật ký tự do

Ngày 7/7/2022

Đây là nhật ký tự do, nơi chia sẻ hành trình giải phóng bản thân để sống cuộc đời tự do theo mong muốn của mình.

Những gì được chia sẻ chỉ phù hợp với nhận thức trong hoàn cảnh và thời điểm hiện tại của mình. Hy vọng bạn sẽ lắng nghe với tinh thần cởi mở, chọn lọc. Đại từ nhân xưng “mình” trong những chia sẻ, có thể hiểu là bản thân mình đang nói với chính mình và cũng có thể hiểu là chúng mình, một sự phản chiếu để bạn thấy chính mình trong đó và xem đó là câu chuyện của chính bạn.

Nếu bạn đã bỏ thời gian lắng nghe, hy vọng bạn sẽ chắt lọc được điều gì đó cho cuộc sống của chính mình.

 

Hôm nay mình sẽ nói về Tự do. Đây là chủ đề lớn và có nhiều khía cạnh nên mình chỉ mong đưa ra một khía cạnh nhỏ nào đó từ góc nhìn của mình.

 

Tự do, theo định nghĩa của mình là được làm những điều bản thân mong muốn, tốt cho bản thân, không gây hại cho người khác mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì.

Mình nghĩ là với định nghĩa “tốt cho bản thân và không gây hại cho người khác” thì chắc sẽ không phạm pháp và sẽ là những điều tốt nên làm.

 

Một con chim đang bay lượn trên bầu trời sẽ không biết là nó đang tự do cho đến khi nó bị nhốt trong lồng. Một con chim có thể bay lượn trong không gian rộng lớn của sở thú sẽ không biết nó bị mất tự do cho đến khi nó chạm tới và muốn vượt qua những tấm lưới ngăn nó bay ra ngoài. Một con chim đã quen sống trong lồng thì có thể nó không biết nó không được tự do và dù cửa lồng chỉ khép mà không khóa, nó cũng không biết cách bay ra. Nhưng đến khi chiếc lồng được mở, bản năng muốn tung bay của nó sẽ tự khiến nó bay đi. Vậy tự do của con chim cũng được chính nó định nghĩa và được bao bọc bởi chiếc lồng. Mỗi hoàn cảnh sống sẽ cho mình một khái niệm và mong muốn tự do khác nhau. Để xác định đâu là tự do, mình sẽ tìm ra đâu là điều ràng buộc, hạn chế sự tự do. Từ đó giải phóng khỏi những chiếc lồng đó thì sẽ thấy được tự do.

 

Nếu xem tổng thể của cuộc sống này bao gồm bản thân và những yếu tố bên ngoài thì sự ràng buộc có thể xảy ra ở hai khía cạnh đó. Để tự do thì phải tháo gỡ sự ràng buộc của bản thân và những yếu tố bên ngoài.

 

Đầu tiên là giải thoát khỏi chiếc lồng là bản thân. Có rất nhiều điều tạo nên tổng thể con người, nhưng theo cách hiểu đơn giản của mình thì con người gồm 2 phần: thể xác và những thể ngoài thân xác, tạm gọi là tinh thần. Hiểu như thế thì tự do khỏi bản thân sẽ thể hiện ở hai khía cạnh đơn giản: tự do thể xác và tự do tinh thần.

 

Tự do thể xác là có khả năng đáp ứng những nhu cầu mong muốn của cơ thể ví dụ như được ăn uống, vui chơi, đi lại mà không bị ràng buộc. Cơ thể là vật chất nên khi đáp ứng những mong muốn cho nó thì mình thường nghĩ đến nhu cầu vật chất. Vậy thì để đạt được tự do thể xác thì vấn đề cần quan tâm mà ai cũng nghĩ đến, đó chính là tiền. Mục tiêu đạt được tự do khi có nhiều tiền như thế có thể gọi là tự do tài chính.

 

Vậy thì có nhất thiết phải có nhiều tiền thì mới đạt được tự do về thân xác. Những vị thiền sư hay những bộ lạc sống tách biệt với thế giới,  họ có thể sống không cần tiền nhiều tiền mà vẫn thấy đủ đầy. Nhưng có những người lập ra một kế hoạch tự do tài chính và đạt được cột mốc đó, sở hữu một số tiền khá lớn nhưng rồi lạm phát hay ham muốn chi tiêu nhiều hơn, tiêu xài cao cấp hơn thì số tiền đó sẽ chẳng bao giờ đủ, lại phải đi kiếm tiền hoặc cảm thấy vẫn không được tự do tài chính.

 

Như thế, tự do về thể xác có thể đơn giản là thoát khỏi những ham muốn của bản thân. Ăn đủ chất cho cơ thể khỏe mạnh là đủ, mặc đủ ấm, không quá xa xỉ là đủ, chi tiêu theo nhu cầu thật sự của bản thân chứ không phải ra vẻ, khoe khoang với người khác là đủ. Nhưng nếu bản thân thấy nhu cầu thể hiện, tự hào trước mặt người khác cũng là một nhu cầu của bản thân thì điều đó cũng chính đáng. Miễn sao bản thân thấy mình đang tự do, không phải vật lộn chạy theo vật chất là được.

 

“Nhật ký tự do” sẽ chia sẻ về tiền, về ăn uống, sức khỏe để giải phóng thân xác.

 

Khía cạnh thứ hai là tự do tinh thần. Tinh thần theo cách hiểu của mình là những thứ diễn ra trong tâm trí, suy nghĩ. Điều gì khiến tâm trí mệt mỏi, cảm giác như bị mắc kẹt thì đó chính là chiếc lồng hạn chế sự tự do. Nếu việc học khiến mình bị gò bó thì có phải mình đang mất tự do vì nó. Nếu những định kiến của bản thân, của xã hội khiến mình không thể làm những điều bản thân muốn thì có phải mình đang bị mất tự do. Hành trình giải phóng bản thân khỏi tinh thần mà “Nhật ký tự do” muốn chia sẻ sẽ bao gồm những điều đang giam cầm tinh thần, tâm trí của mình.

 

Còn những ràng buộc bên ngoài, đó có thể là những người xung quanh, những mối quan hệ, những thứ xuất hiện trong cuộc sống như vật dụng hàng ngày: điện thoại, quần áo chẳng hạn, những thứ mình tiếp xúc như sự kiện mình chứng kiến hàng ngày, chương trình truyền hình… Những thứ đó có khiến mình mệt mỏi hay cảm thấy bức bối, phụ thuộc hay không?

 

Đó là những điều mình chỉ liệt kê để định hình những gì mà “Nhật ký tự do” sẽ chia sẻ. Mình sẽ cảm thấy tự do khi không còn bị ràng buộc bởi thân xác và môi trường bên ngoài. Cảm ơn bạn đã lắng nghe. Chúc bạn luôn sống an yên và hẹn gặp lại vào video tiếp theo.

 

Link video youtube: https://youtu.be/fcI1CjQKVNQ

KINH NGHIỆM LÀM YOUTUBE phần 1

 


KINH NGHIỆM LÀM YOUTUBE

(nhân ngày kênh Youtube thứ 2 về chủ đề Tiếng Đức được 1k subs và kênh Tiếng Anh gần 50k)


Trong tình hình hiện nay, rất nhiều người làm Youtube bởi những lợi ích của nó. Ngoài việc kiếm tiền (nguồn thu nhập từ chính sách trả tiền đặt quảng cáo trên youtube, những hợp đồng quảng cáo của nhà tài trợ...), chúng ta còn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân cho những hoạt động khác (bán sản phẩm của bản thân, tham gia hoạt động giảng dạy, truyền cảm hứng...). Và hơn thế nữa, đối với mình, việc làm youtube còn là động lực để thúc đẩy mình học hỏi và phát triển thêm nhiều khả năng: sáng tạo, quay dựng video và những kỹ năng khác.

Làm việc gì cũng phải xác định mục đích từ ban đầu. Người chỉ xem Youtube là nơi kiếm tiền thì sẽ sử dụng những thủ thuật và luồng lách những kẽ hở của luật lệ mà chuộc lợi. Mình cũng biết những việc này, nhưng nếu mục đích của bạn không chỉ dừng lại ở kiếm tiền thì thiết nghĩ chúng ta nên tạo nên một cộng đồng lành mạnh và tạo giá trị cho xã hội. Thế nên, mình viết bài để chia sẻ lại một vài kinh nghiệm trong quá trình làm youtube để các bạn tham khảo.

Nhắc lại về mục đích, bạn nên xác định bạn làm Youtube để làm gì? Từ đó sẽ xây dựng hướng đi để đạt được mục đích đó. Nếu chỉ đơn giản muốn kiếm tiền từ Youtube thì bạn phải tập trung những nội dung thu hút nhiều người xem. 

Điều kiện để bắt đầu được Youtube trả tiền là kênh của bạn có 1.000 lượt đăng ký và tổng thời gian mọi người xem video của bạn là 4.000 giờ. Sau khi được Youtube công nhận hợp tác kiếm tiền, thì lượt xem quảng cáo trên kênh của bạn trong vòng một tháng sẽ được tính tiền. Nhớ là tính tiền qua lượt xem quảng cáo, nghĩa là khi một người vô xem video của bạn, họ phải xem quảng cáo thì mới được tính tiền, và nếu một video bạn gắn nhiều quảng cáo thì sẽ có nhiều lượt xem (1.000 lượt xem quảng cáo ở Việt Nam tầm trên dưới 1 đô). Đây là điều kiện cơ bản bạn cần biết, còn những điều khác thì bạn sẽ tìm hiểu sau.

Nếu bạn xem Youtube là một kênh marketing cho thương hiệu cá nhân thì bạn cần sản xuất những video thể hiện hình ảnh cá nhân rõ nét và tạo sự yêu mến cho mọi người. Nếu bạn muốn bán hàng qua Youtube thì bạn sẽ review hay chia sẻ kiến thức về chủ đề quay quanh sản phẩm của bạn. Để khi người khác xem video của bạn, họ biết đến và tin tưởng vào sản phẩm đó.

Còn nếu bạn chỉ muốn chia sẻ? Vậy thì điều bạn chia sẻ là gì? Hành trình phát triển bản thân, quá trình thực hành lối sống tối giản, thực hành các phương pháp tâm linh hay chỉ đơn giản là chia sẻ cuộc sống hàng ngày của bạn? 

Bạn muốn chia sẻ kiến thức? Vậy bạn giỏi về lĩnh vực nào hay bạn hứng thú học hỏi thêm kiến thức nào để chia sẻ lại cho mọi người?

Bạn muốn đem lại tiếng cười, sự giải trí cho mọi người? Vậy bạn có hài hước không? Bạn muốn truyền tải sự hài hước đó qua hình thức nào? Tiểu phẩm hài, tình huống troll đường phố hay kể chuyện cười...

Nên nhớ, một kênh Youtube cần có một chủ đề cụ thể để thu hút đối tượng quan tâm về chủ đề đó. Và khi xác định rõ đối tượng bạn hướng đến, bạn sẽ sản xuất những video đáp ứng nhu cầu của họ thì họ mới xem.

Tóm lại là bạn hãy làm những video thật hay, thật giá trị cho mọi người thì sẽ thành công. Tới đây thì bài viết đã dài rồi, những điều khác mình sẽ chia sẻ vào lần sau nhé!


TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

 


TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?


Hai năm qua, tôi đã sống với suy nghĩ "chán ghét tiền bạc", không phải tôi không cần tiền mà là tôi ghét việc lao đầu kiếm tiền mà lãng quên bản thân.


Kiếm tiền cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và có khả năng chu cấp cho người khác nếu cần. Nhưng nếu nhu cầu của bản thân không cao thì tiền nhiều để làm gì?


Người ta nghĩ có nhiều tiền sẽ được sung túc, vui vẻ. Nhưng lại không nghĩ đến: việc hạnh phúc, đủ đầy là khi nhu cầu của bản thân được thỏa mãn. Đến bao giờ thì nhu cầu mới được lấp đầy khi cái nhu cầu mà nhiều người đang theo đuổi là cái mà xã hội vật chất bị chủ nghĩa tiêu thụ dẫn dắt. Hàng hiệu, cuộc sống chanh xả, xa hoa chỉ là thứ mà xã hội thêu dệt để biến nhiều người thành cỗ máy kiếm tiền. Đâu là nhu cầu thật sự cần thỏa mãn của bản thân? Chỉ khi trả lời được câu hỏi này, ta mới thôi dùng vật chất để lấp đầy sự trống trải của bản thân.


Tôi thấy trên mạng có lan truyền chia sẻ của Shark Phú: "Tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì".


Tôi đồng ý. Việc kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống và thỏa mãn nhu cầu của bản thân là điều hiển nhiên. Nhưng tích lũy và bất chấp kiếm tiền mà không mang lại giá trị cho cộng đồng là đang lấy vật chất tạo ảo ảnh an toàn. Nhiều người chết trên đống vàng cũng vì vậy. Tiền bạc cất một chỗ cũng như giấy vụn, chúng sẽ ý nghĩa hơn nếu nó được lưu thông trong xã hội và tạo ra giá trị cho những người thật sự cần chúng.


LỰA CHỌN VỊ TRÍ ĐỨNG CỦA BẢN THÂN


 Một người mẹ có thể sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để cho con được sống. Nhưng cũng chính người mẹ đó khi đang buồn bực chuyện gì đó mà con còn quấy khóc thì lại lớn tiếng la rầy, thậm chí đánh con.


Tại sao lại có cách hành xử khác nhau như vậy?


Vì khi ta hành động, ta chỉ đang đứng trên vị trí của một nhân vật. Khi hy sinh mạng sống cứu con, người mẹ đứng trên cương vị một nhân vật đầy tình yêu thương. Khi la rầy con, người mẹ đứng ở vị trí một người đầy tổn thương.


Khi phản ứng lại một vấn đề nào đó, ta thường vô thức đứng trên một vị trí nào đó để nhìn nhận vấn đề và có cách hành động tương ứng với những suy nghĩ và trải nghiệm đã từng của bản thân. Và như thế, những vấn đề tương tự nhau sẽ được nhìn nhận và giải quyết bằng những hành động giống nhau (vòng lặp).


Ta thường nói "giận quá mất khôn" hay "không thể kiểm soát được cảm xúc". Đúng là cảm xúc rất khó kiểm soát nhưng thật ra suy nghĩ sẽ đến trước và cảm xúc là kết quả của những suy nghĩ đó.


Trong tình huống con quấy khóc khi bản thân đang buồn bực, sẽ có luồng suy nghĩ "tao đang khổ như vầy mày không thấy hay sao mà còn quấy khóc"... Chính những suy nghĩ đó khiến người mẹ cảm thấy bực bội với đứa con và để giải tỏa cảm xúc đó, bà vô thức lựa chọn cách thức mà trước giờ bà và rất nhiều người hay dùng: la mắng hoặc dùng bạo lực để trấn áp những điều bản thân nghĩ là đang làm khổ mình. Nếu lúc đó bà trấn tỉnh bản thân để lựa chọn là một người mẹ đầy tình yêu thương thì bà sẽ có suy nghĩ: "con mình đang quấy khóc, chắc có chuyện gì với nó, mình không thể ở trong nỗi đau của mình mà bỏ rơi con"... Với những suy nghĩ đó thì bà sẽ phản ứng làm sao?


Do đó, bạn có thể lựa chọn vị trí đứng của bản thân để có cái nhìn khách quan, thấu hiểu nhiều hơn và lựa chọn phản ứng phù hợp. Đó là một quá trình luyện tập lâu dài và không hề dễ dàng. Nhưng hãy bắt đầu với ý thức mình đang làm gì (chánh niệm), nhìn nhận những luồng suy nghĩ diễn ra trong đầu và luôn lựa chọn sự ôn hòa, yêu thương.

TỰ DO TÀI CHÍNH - bến bờ hạnh phúc HAY cạm bẫy khổ đau

 



Theo cách hiểu đơn giản của mình, tự do tài chính là không còn bận tâm kiếm tiền, thoải mái làm những việc mình thích bởi đã có đủ tài chính để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nghĩa là bạn đạt được tự do tài chính là khi bạn có một số tiền đủ để sống hết quãng đời còn lại.


Khoản tiền này gồm 3 khoản cơ bản: tài khoản nhu cầu cuộc sống, tài khoản khẩn cấp, tài khoản phát sinh. Giả sử nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống của mình là 10 triệu một tháng. Mình muốn đạt được tự do tài chính năm 30 tuổi thì đến lúc mình 30 tuổi, mình phải có 4 tỷ 8 trong tài khoản nhu cầu cuộc sống (mình ước chừng sống được 70 tuổi thì khi 30 tuổi, mình phải có số tiền đủ để sống 40 năm còn lại), [10 triệu x 12 (tháng) x 40 (năm) = 4 tỷ 8]. Thêm vào đó là một khoản chi phí khẩn cấp, dự trù trường hợp bất khả thi như ốm đau, sự kiện không ngờ... Khoản này tầm 6-12 tháng chi tiêu cơ bản (60 triệu - 120 triệu). Tài khoản phát sinh cũng có số tiền tương đương 6-12 tháng chi tiêu, để bản thân có thể sắm sửa hay thực hiện một số chuyện phát sinh có dự tính trước. Vậy tổng số tiền cần có làm tròn khoảng 5 tỷ.


Như thế để đạt được cái gọi là tự do tài chính, ta phải kiếm được 5 tỷ. Và để đạt được con số này, ta cần làm 3 việc: Tăng thu nhập, giảm thiểu chi tiêu và đầu tư.


Nhưng điều đầu tiên cần làm đối với những người đang mang nợ chính là trả hết nợ rồi mới tích lũy. Bởi nợ chính là cái bẫy của căng thẳng và thu hút sự thiếu thốn vật chất. Nhiều người nói nợ chính là động lực để kiếm tiền và cần vốn làm ăn thì phải mượn nợ. Điều đó đúng với những người quản lý tài chính tốt, còn nếu vẫn mơ hồ thì đừng vướng vào nợ. Đầu tư là giai đoạn sau khi bạn có khoản nhàn rỗi dù ít cũng được.


Câu hỏi đặt ra là làm sao để tăng thu nhập, giảm chi phí và đầu tư như thế nào. Nếu mình chỉ cho bạn thì chắc bạn sẽ không tin bởi mình cũng đang trong giai đoạn đó, nên tốt hơn hết là bạn nên tìm hiểu và tìm giải pháp phù hợp với bạn.


Còn theo những hiểu biết sơ sài của mình thì tăng thu nhập bằng cách đa dạng hóa nguồn thu, nghĩa là làm nhiều công việc. Những điều khác thì có lẽ vào thời điểm phù hợp mình sẽ chia sẻ sau.


Nhưng bạn hãy nhớ, tài chính chỉ là công cụ để bạn đạt được hạnh phúc. Còn hạnh phúc của bạn là gì thì chỉ có bạn mới quyết định được, không phải tài chính.

TÌM ĐAM MÊ TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH

 



TÌM ĐAM MÊ TRONG NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH


Giãn cách có lẽ là thời gian khó khăn nhất của nhiều người. Nhưng nếu không thể đổi thay được gì thì điều có thể thay đổi chính là cách tư duy, nhìn nhận sự việc của ta.


Nếu nhìn hướng tích cực thì đây là lúc chúng ta tách mình ra khỏi vòng quay cuộc sống thường nhật, có nhiều thời gian hơn để một mình làm những việc mình thích mà trước giờ chưa có thời gian (ngoại trừ việc ra ngoài như đi du lịch...). Khi hứng thú làm một việc gì đó mà không phải vì kiếm tiền thì có lẽ, đó là đam mê của bạn.


Không có một công thức chung nhất nào cho việc tìm ra đam mê. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng nếu bạn thực hành tốt, bạn sẽ tìm được chính mình. Đó là dành nhiều thời gian quan sát bản thân để hiểu mình như thế nào, mình muốn gì, hành động ra sao, điều gì có thể tác động đến mình, và đặc biệt là niềm tin cốt lõi nào đang chi phối ta.


Đối với những người từ lâu có mong muốn tìm kiếm công việc mới phù hợp với bản thân hơn mà chưa có cơ hội thì đây là lúc cho mình những bước khởi đầu: học hỏi thêm kiến thức mới, bắt tay xây dựng những kế hoạch riêng...


Bản thân mình nhận ra mình rất thích học những tạp kỹ: vẽ, nhảy, hát, nấu ăn, ngôn ngữ, ... Mình thật sự muốn học. Nhìn bạn bè lần lượt đi du học hay tham gia nghiên cứu thì cũng muốn, bản thân cũng thấy mình đủ khả năng để làm nhưng ngẫm lại thì đó không phải con đường dành cho mình (Tìm thứ mình cần đừng chạy theo thứ mình muốn).


Khi biết mình thích gì, đam mê gì rồi thì làm sao? Thì phải kiếm tiền để thực hiện đam mê đó hoặc biến đam mê đó thành nguồn nuôi sống bản thân.


Nhiều người lựa chọn làm công việc nhiều tiền để tích góp sau này thực hiện đam mê. Nếu bản thân có thể làm thế thì cũng được. Còn nếu muốn bắt đầu ngay với đam mê cũng được. Nhưng phải nhớ, trước khi theo đuổi đam mê thì phải sống trước đã, nghĩa là phải đủ khả năng chi tiêu nhu cầu cơ bản của cuộc sống.


Tôi cũng đã từng dành thời gian để kiếm tiền, nhưng không phải để có thật nhiều tiền thực hiện đam mê, mà chỉ để có một khoản dự trù khi tôi dành thời gian trau dồi khả năng.


Câu hỏi là bao nhiêu cho đủ? Chẳng bao giờ là đủ nếu bạn không xác định được giới hạn mong muốn, nhu cầu thật sự của bản thân. Đối với tôi, chỉ cần ngày 3 bữa, cơm nước đủ sống và một khoản tiền mua sách hay tham gia khóa học nào đó. Thế thôi. 


Cũng may mắn là thời nay có Internet và Youtube, nơi tôi có thể học bất cứ thứ gì tôi muốn hoàn toàn miễn phí. Hơn nữa, tôi có thể chia sẻ lại điều mình học được và qua đó, tôi có chút thu nhập thêm. Nó không nhiều, nhưng có thể giúp tôi sống và tập trung làm điều mình thích.


Tôi viết những điều này cũng muốn nhắn nhủ rằng: nếu bạn thật sự muốn tìm ra đam mê thì hãy tạm gác lại suy nghĩ kiếm tiền. Còn nếu chỉ muốn kiếm tiền thì loay hoay tìm đam mê làm gì. Đừng nghĩ tìm được đam mê thì như tìm được "con gà đẻ trứng vàng". Không có chuyện đó đâu. 


Còn đối với ai muốn tìm thì hãy vững bước: "Cứ tìm rồi sẽ thấy".

Thay đổi cuộc đời nhờ quy luật vũ trụ

 



Có người hỏi: tại sao tôi hay đọc sách, tìm hiểu về tâm linh vũ trụ.

"Để hiểu quy luật của vũ trụ mà sống theo". Tôi trả lời.

Và trải qua hơn 1 năm "hiểu, ngộ và sống". Tôi thấy cuộc sống tôi dễ thở hơn trước rất nhiều nếu không nói là trọn vẹn hơn.

Tôi không bế tắc, mắc kẹt trong những vấn đề thường tình của cuộc sống quá lâu. Cũng biết mình muốn gì và Vũ Trụ sẽ thành toàn cho tôi.

Để tóm tắt những gì tôi trải nghiệm hay những quy luật mà tôi biết trong một bài viết là không thể. Và không thể liệt kê hết những quy luật Vũ Trụ được, và chúng lại tác động chi phối lẫn nhau nên thật khó để có thể phân tích. (Bài này tôi chỉ liệt kê vài quy luật, còn giải thích thì chắc phải viết trong những bài sau.)

Nhưng với những hạn chế đó mà cuộc sống của tôi đã tốt hơn rất nhiều. Nên hy vọng bài viết này sẽ "gieo hạt" cho những ai cần.

Đã là trải nghiệm cá nhân thì mỗi người mỗi khác. Hãy đón nhận với tinh thần cởi mở và chọn lọn, đón nhận những điều phù hợp với bản thân nhé!

- Bạn sinh ra đã trọn vẹn. Mọi điều bạn tìm kiếm đều ở bên trong bạn. Tìm kiếm những điều bên ngoài chỉ khiến bạn xa rời những thứ bạn sẵn có, nhưng đến khi mệt mỏi không tìm được thứ bạn muốn ở bên ngoài, bạn sẽ biết cách tìm thứ bạn cần đã luôn ở bên trong bạn. Yêu thương, kết nối với bản thân sẽ khiến bạn trở về với bản chất đủ đầy, trọn vẹn của mình.

- Mọi câu trả lời đều nằm ở trái tim, không phải trí óc. Hãy hỏi trái tim mình, nó sẽ cho bạn câu trả lời. Hỏi, lắng nghe và chú ý dấu hiệu mà trái tim bạn chỉ dẫn.

- "Thế giới bên ngoài là phản ánh thế giới bên trong". Bạn nhìn cuộc đời thông qua lăng kính của bạn thân (kiến thức, kinh nghiệm, cơ thể...). Những thứ bên ngoài sẽ khác đi nếu bạn thay đổi bên trong, thay đổi lăng kính.

Luật hấp dẫn cũng vậy. Bên trong bạn như thế nào, bạn sẽ thu hút điều như vậy.

- Bạn không phải là cơ thể này, tính cách này, con người này. Bạn là "nhận thức đầy tình yêu thương" (loving awareness). Chán ghét, phán xét bản thân hay bám víu vào thực tại vật chất là do bạn đánh đồng mình chính là con người, nhân vật bạn đang sống. Nếu thoát khỏi nó, đứng ở phương diện của "nhận thức đầy tình yêu thương" (loving awareness), bạn sẽ nhìn rõ mọi vấn đề.

Nhìn sang người khác, vạn vật, bạn cũng không đánh giá, phán xét hay đánh đồng con người họ là thế này thế kia. Từ đó bạn sẽ biết yêu thương và trân trọng mọi thứ.

- Bạn sinh ra với những lập trình nhưng đừng sống như một cỗ máy. Sinh ra là đứa trẻ ngây thơ, nhưng tuổi thơ sẽ cài những lập trình vào bạn (những dạy bảo của người lớn, quan sát học hỏi từ họ, những trải nghiệm thơ ấu, những văn hóa, phong tục, quy tắc xã hội...). Rồi bạn sẽ suy nghĩ và hành động trên những lập trình đó (niềm tin cốt lõi). Nếu không nhận thức, quan sát và ý thức thay đổi, bạn sẽ sống theo lập trình đó mà không hề biết "Đó có phải cuộc sống mình muốn hay không?" (sinh ra, lớn lên, ăn học, đi làm, kết hôn, sinh con, dưỡng già, chết đi... như vòng đời một cỗ máy)

- Thuận tự nhiên. Cuộc sống là một dòng chảy năng lượng, cố bám víu, níu kéo điều gì đó chỉ khiến bản thân mệt mỏi. Xuôi theo dòng, bạn sẽ thấy thoải mái. Và những thứ dành cho bạn luôn nằm ở phía trước dòng chảy. "Thời tới cản không kịp" hay "gặp hạn" cũng là nương theo dòng chảy năng lượng này. Mọi thứ đều vô thường.

......

(viết đến đây thôi nhé! Có dịp lại viết tiếp)

LỘ TRÌNH HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI MẤT GỐC

 


Khuyến cáo: Đây là những điều mình học hỏi và trải nghiệm riêng của mình. Nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn. Hãy đón nhận với tinh thần cởi mở, chọn lọc.

(những link video chưa đầy đủ và sẽ được cập nhật theo tiến trình, bạn có thể theo dõi nếu thấy phù hợp)


NGHE LÀ CHÌA KHÓA CỦA VIỆC HỌC NGOẠI NGỮ


Ngôn ngữ là một chuỗi những âm thanh không ngắt quãng. Để hiểu được ta cần giải mã nó bằng cách tách rời tiếng nói thành những đơn vị có thể xử lý được. Khi lần đầu tiên bạn nghe Tiếng Anh, bạn chỉ nghe được mấy âm thanh xì xì, nghe có vẻ hỗn tạp và âm nào cũng giống âm nào, chẳng khác nhau cái gì thì làm sao phân biệt được thành từng từ (Nếu bạn đã học Tiếng Anh mà quên đi trải nghiệm này, hãy thử nghe một thứ tiếng bạn chưa từng học để xem bạn có nhận thấy thế không). Tách rời âm thanh thành những đơn vị có thể xử lý được nghĩa là phân biệt được những âm trong đó. Ví dụ khi bạn nghe câu nói: “Good morning” thì trước hết bạn phải nghe rõ được ba âm /ɡʊd/ /ˈmɔːr/ và /nɪŋ/. 

Tiếp theo là bước gán nghĩa cho chúng bằng cách đối chiếu với kho lưu trữ trong não. Kho lưu trữ này đối với người lớn là quá trình học hỏi, còn với đứa trẻ có thể là việc nghe và ghi nhớ từ giao tiếp của người lớn. Nếu như không được dạy và dịch nghĩa từng từ như người lớn thì đứa bé sẽ lấy dữ liệu ba âm đó đối chiếu với những gì nó đã từng nghe được. Nó từng nghe âm /ɡʊd/ rất nhiều và trong những tình huống như thế nào để hiểu nghĩa của nó. Nó đã từng nghe người ta ghép /ɡʊd/ và /ˈmɔːr/ lại với nhau để tạo thành từ chưa để biết rằng hai âm này có thể tạo thành từ có nghĩa không. Và so với tất cả những gì nó từng nghe thì nó biết rằng người ta không ghép hai âm này thành một từ. Vậy thì /ɡʊd/ là một từ có ý nghĩa riêng biệt và /ˈmɔːr/ là bắt đầu của một từ khác. Nó lại tiếp tục xem /ˈmɔːr/ có nghĩa không và /ˈmɔːr/ có ghép với /nɪŋ/ không. Qua đó thì nó biết trong câu đó có 2 từ và ý nghĩa của 2 từ là gì và khi 2 từ đó đi với nhau thì thể hiện ý nghĩa gì.

Hai quá trình này kể ra thì có vẻ phức tạp và tốn thời gian. Nhưng bộ não của đứa trẻ có khả năng làm được điều đó rất nhuần nhuyễn.

Vậy thì khi bắt đầu học một ngoại ngữ, người lớn cũng trải qua hai quá trình này. Nên việc luyện nghe để nhận ra các âm và phân biệt ranh giới giữa các từ là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng người lớn thì có khả năng học chủ động, nghĩa là chúng ta có thể không cần học như đứa trẻ mà có thể học từ vựng (từ đó phát âm như thế nào và mang nghĩa gì…).

Do đó, bước đầu tiên là luyện nghe và học từ vựng.

Luyện nghe thì nên nghe những tài liệu có lời thoại. Nghĩa là học từ những tài liệu có bản ghi âm và lời thoại ghi sẵn. Bằng việc vừa nghe vừa nhìn lời thoại, chúng ta sẽ phân tách âm thanh thành những từ và ghi nhớ dễ dàng hơn (chưa kể chúng ta có thể đọc và luyện viết khi nhớ mặt chữ).

Trong giai đoạn này, không nhất thiết phải hiểu người ta đang nói gì. Chỉ cần nghe để làm quen với âm thanh, từ này ghi như vậy thì đọc làm sao, cách ngắt nghỉ, phân tách các từ, các câu, ngữ điệu lên xuống, tông giọng như thế nào. Quá trình nghe này tạm gọi là nghe bị động, có thể nghe khi đang làm việc, trên tàu xe hoặc trong khi ngủ. Lâu lâu bất chợt ta nghe được đoạn âm thanh nào đó mà nhận ra đoạn đó là một từ hay vài từ trong đó là được (không hiểu nghĩa cũng không sao).

Khi nhận diện được âm thanh của từ rồi thì để tăng hiệu quả, ta có thể luyện âm và học từ vựng và ngữ pháp trong quá trình nghe bị động này.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

TIẾNG ANH NGHE CHỦ ĐỘNG: 

https://bit.ly/nghetienganhchudong

TIẾNG ANH NGHE THỤ ĐỘNG: 

http://bit.ly/tienganhthudong


LUYỆN  ÂM


Như đã nói, nghe là chìa khóa bước vào cánh cửa ngôn ngữ. Việc luyện âm cũng cần đi từ việc luyện nghe.

Nói đến luyện âm thì nhiều người nghĩ phải biết đặt lưỡi ở đâu, khẩu hình miệng như thế nào, thanh quảng rung ra sao… Nhưng tất cả những thứ đó đều là lý thuyết cần thực hành rất nhiều.

Bạn có cần chỉ cho đứa trẻ những quy tắc khẩu hình để phát âm không. Hay bạn chỉ lặp lại từ để trẻ bắt chước phát âm theo. Do đó, đầu tiên vẫn là nghe nhiều.

Mỗi ngôn ngữ có những hệ thống bảng âm khác nhau và sự kết hợp những âm này tạo ra từ. Nên để nghe được từ thì phải nghe được những âm này. Nghe được thì mới bắt chước phát âm theo được. Những âm này được thể hiện trong bảng phiên âm quốc tết IPA.

Cần phải phân biệt chữ cái viết và âm (hệ thống phiên âm quốc tế IPA). Chữ viết chỉ biểu hiện ngôn ngữ viết, không hoàn toàn thể hiện âm thanh. Có những từ viết giống nhau nhưng phát âm khác, có những từ phát âm khác giống nhau nhưng chữ viết lại khác và số lượng chữ viết và âm cũng không bằng nhau.

Ví dụ từ "is" có 2 chữ cái và âm cũng có 2 âm  /ɪz/

"this" có 4 chữ cái nhưng có 3 âm /ðɪs/

"six" có 3 chữ cái nhưng có 4 âm /sɪks/

Như thế để phát âm được từ, ta dựa vào phiên âm của nó và nên học IPA của ngôn ngữ đó.

Trong Tiếng Anh có hơn 40 âm. Rất may là có những âm khá tương đồng với tiếng Việt nên cũng dễ nhận biết và phát âm. Còn lại những âm không tương đồng trong phát âm tiếng Việt thì chúng ta cần luyện nghe và tập phát âm những âm này. Đặc biệt có những âm khá giống nhau nên cần phải tập luyện nhiều để có thể phân biệt được. Từ đó sẽ nghe và nói tốt hơn.

Nếu đã nghe và thử nghiệm phát âm nhiều lần mà không được thì bạn có thể tham khảo những tài liệu hướng dẫn ngữ âm (khẩu hình phát âm). Nhưng vẫn cần nhớ, nghe nhiều để phân biệt sự khác nhau của các âm và luyện tập phát âm, thử nghiệm nhiều lần xem cách nào sẽ giúp mình phát âm gần giống âm bản ngữ nhất.

Và việc bạn chưa thể phát âm chuẩn như người bản ngữ cũng là điều hết sức bình thường. Đừng gò ép bản thân quá mức mà hãy chăm chỉ tập luyện và đánh giá đúng khả năng của bản thân.


Có thể tham khảo link bài nghe sau:

LUYỆN  ÂM: http://bit.ly/luyenam


HỌC TỪ VỰNG


Từ vựng và ngữ pháp là hai thứ cấu thành nên ngôn ngữ (các từ vựng được liên kết, sắp xếp thành câu và biến đổi theo nguyên tắc ngữ pháp). Cho nên, việc học từ vựng là bắt buộc và số lượng từ vừng bạn có cũng thể hiện trình độ ngoại ngữ của bạn.

Ta có thể lấy từ vựng trong bài nghe bị động để tra cứu và lập thành một danh sách từ vựng để học.

Từ vựng có thể chia làm ba loại: từ vựng học thuật, bài báo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành; từ vựng văn học; và từ vựng đời sống hàng ngày. Chúng có những từ chung nhưng cũng có những khác biệt nhất định. Tùy vào mục đích học ngôn ngữ của bạn mà chọn loại từ vựng nào và lấy nguồn học từ đâu. Hoặc có thể lấy từ vựng ở bất cứ nguồn nào bạn hứng thú, miễn là nó có phát âm của từ và có bối cảnh cụ thể.

Một từ có thể có nhiều nghĩa nên việc học từ trong bối cảnh cụ thể có thể giúp ta ghi nhớ chính xác hơn ý nghĩa và cảm xúc của từ đó. Trong một bối cảnh thì một từ chỉ mang một ý nghĩa nhất định nên không nhất thiết phải học thuộc hết tất cả nghĩa của một từ. Học từ trong bối cảnh nghĩa là nhớ được sự tương tác của từ đó với những từ cùng chung bối cảnh. Khi từ đó được đặt chung với những từ khác trong bối cảnh cụ thể này ta sẽ nhớ ngay đến nghĩa đang sử dụng của từ.

Ví dụ, “tôi có một cái bàn bạc” với “ tôi có một buổi bàn bạc”. Trong hai câu này, từ “bàn bạc” có hai nghĩa khác nhau và phải dựa vào những từ khác ta mới hiểu đúng nghĩa của nó trong từng trường hợp.

Do đó, học thuộc những câu ví dụ chứa từ mới muốn học sẽ giúp hiểu chính xác nghĩa của từ và ghi nhớ sâu.

Trong giai đoạn mới học này, việc đặt câu và tự dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngoại ngữ khác có thể giúp bạn ghi nhớ nhưng cũng có những rủi ro vì có thể bạn chưa biết sử dụng chính xác từ hoặc sẽ thiếu tự nhiên do bạn không chắc người bản ngữ có nói như thế không. 

Ví dụ, câu nói “Anh ấy đã từ bỏ hy vọng trở thành bác sĩ”, tiếng Anh có thể diễn đạt như sau: “He abandoned his hope of becoming a doctor”. Câu này nếu dịch sát từ vựng ra thì có nghĩa là “Anh ấy đã rời bỏ hy vọng của anh ấy của việc trở thành bác sĩ”. Bạn thấy sự khác biệt trong ngôn từ khi dùng diễn tả một ý nghĩa tương đồng không. Đó là lý do tôi thích dịch từng từ để biết cách diễn đạt của họ.

 Nếu ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì có rất nhiều lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt. Nhưng ta có biết chắc chắn người bản ngữ hay dùng cách nào chưa? Vậy nên hãy học từ những ví dụ thực tế của người bản ngữ để nói tự nhiên hơn.

Điều tiếp theo là hãy học với cảm xúc và mọi giác quan của bản thân, hạn chế dùng ngôn ngữ mẹ để để diễn đạt nghĩa của từ. Ngôn ngữ dùng để diễn tả mong muốn, cảm xúc của con người nên khi học từ vựng diễn tả những mong muốn, cảm xúc đó thì hãy tái hiện và ghi nhớ chúng cùng với nhau. Bạn học từ “chua” thì hãy nhớ đến vị giác chua là như thế nào, khi ăn chua thì cơ thể phản ứng ra sao để bạn phải tự nhiên thốt lên “chua quá”. Đến khi gặp trường hợp ăn chua, bạn sẽ thốt câu đó ra một cách tự nhiên đầy biểu cảm.

Bạn học từ “apple” thì bạn không nhất thiết phải học “apple” là “quả táo”. Bạn chỉ cần tưởng tượng ra một quả táo đỏ, tròn, căng bóng ra làm sao, vị ăn của táo đó như thế nào. Lần sau khi nghe ai nói “apple” hình ảnh quả táo liền hiện ra mà bạn không cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ.

Đó là đối với những từ tượng hình, tượng thanh, những từ có khái niệm cụ thể. Còn những từ trừu tượng, khó giải thích khác thì đành chấp nhận gán cho nó nghĩa tiếng mẹ đẻ. Nhưng hãy đặt nó trong bối cảnh cụ thể và luyện tập sử dụng thường xuyên để quá trình chuyển ngữ được nhanh chóng và sử dụng nó lưu loát hơn.

Đó cũng là những điều khiến tôi thấy việc học ngoại ngữ qua phim khá phù hợp. Nhân vật trong phim sử dụng từ ngữ thông dụng hàng ngày, lời thoại tự nhiên kèm biểu cảm khi nói… Nhưng đừng sa đà vào việc xem phim mà không tập trung học nhé! Chỉ cần xem từng phân cảnh và học cách diễn đạt, từ vựng cần, không nhất thiết phải xem hết phim đâu.

Và điều đặc biệt quan trọng trong việc học từ vựng là sự lặp lại ngắt quãng. Nghĩa là phải lặp đi lặp lại từ vựng nhiều lần (lặp lại) và lâu lâu lại ôn lại (ngắt quãng) thì sẽ ghi nhớ được lâu dài.

Bạn có thể viết một danh sách những từ mới, đọc từ trên xuống vài lần để ghi nhớ. Khi đọc, không phải đọc kiểu “apple” là “quả táo”... mà chỉ cần đọc tiếng Anh và trong đầu hình dung ra quả táo như tôi đã nói (nghĩa là hình dung ra ý nghĩa của từ cùng lúc với phát âm). Đối với những từ chưa nhớ thì lại viết sang một danh sách khác, đọc tiếp vài lần nữa cho đến khi nhớ. Vài ngày sau lại lấy ra đọc tiếp. Sự lặp lại này sẽ giúp ghi nhớ lâu hơn và có thể gợi nhớ dễ hơn để sử dụng khi cần.


Bạn có thể tham khảo danh sách học từ vựng qua những video này:

3000 TỪ TIẾNG ANH THÔNG DỤNG: http://bit.ly/3000tutienganhthongdung


Một điều lưu ý là có những từ phải đi với những từ khác để tạo thành cụm từ có nghĩa. Đối với những cụm từ này, ta phải học thuộc lòng cả cụm và cách sử dụng nó. Những thành ngữ, động từ đi với giới từ… cũng có thể tạm xem là cụm từ.


Bạn có thể tham khảo danh sách học cụm từ và thành ngữ thông dụng qua những video này (cập nhật sau)


NGỮ PHÁP


Ngữ pháp có thể tạm xem là chất điều hòa các từ vựng với nhau: trật tự sắp xếp của từ, sự hài hòa của động từ với chủ ngữ (chia động từ)…

Nhưng đừng xem ngữ pháp là những công thức như toán học, phải học thuộc lòng quy tắc chỉ để làm bài kiểm tra trên giấy, thấy có từ này trong câu thì áp dụng quy tắc này, khi áp dụng quy tắc này thì thêm cái này bỏ cái kia, biến đổi vế câu, đẩy ra trước, kéo ra sau…

Trẻ em không cần học ngữ pháp vẫn nói chuyện rất tự nhiên, thuần thục. Bí quyết vẫn là học thuộc lòng câu.

Chẳng ai trước khi nói phải nghĩ xem mình dùng thì nào, chia động từ ra sao. Đợi rặn ra được một câu thì người nghe đã bỏ đi rồi. Và nhất là, một giây có thể nói ra đươc ba từ thì thời gian đâu mà kịp suy nghĩ người nói đang nói thì hiện tại hay quá khứ, thời gian đâu mà xử lý thông tin để bắt kịp nhịp nói của đối phương.

Do đó, ngữ pháp không phải cứ hiểu và thuộc lòng nguyên tắc và làm bài tập thuần thục là được. Ta cần học thuộc cả những câu nói và biết ngữ pháp của câu văn đó. Khi cần diễn tả ý đó thì nói nguyên câu đó ra, không cần suy nghĩ moi móc từ vựng ra, rồi lại áp dụng quy tắc ngữ pháp vào. Mọi thứ đều tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn, và đều chính xác. Bạn “cảm nhận” ngữ pháp, giống như một người nói tiếng Anh bản ngữ.

Đó cũng là lý do tôi khuyên nên học từ vựng theo tình huống, theo câu ví dụ, vừa học từ vựng, luyện nghe, nói, đọc và áp dụng cả ngữ pháp.

Và để biết được những câu đó sử dụng ngữ pháp gì thì tất nhiên ta phải học ngữ pháp. Nhưng ý tôi muốn nói là: không nhất thiết phải ngồi tụng ngữ pháp như tụng kinh. Chỉ đơn giản học để hiểu có cấu trúc ngữ pháp này và khi nhìn vào một câu, ta biết nó dùng ngữ pháp gì. Việc phân tích ngữ pháp trong những câu hay gặp cũng giúp ghi nhớ rồi. Còn nếu bạn thích ngồi làm bài tập ngữ pháp cũng được. Nhưng nếu làm xong và học thuộc nguyên câu đó và vận dụng nó trong đời sống thì sẽ giúp bạn sử dụng câu chuẩn ngữ pháp cách thuần thục hơn.

Vẫn quay lại vấn đề cũ là việc nghe, đọc nhiều.


Bạn có thể tham khảo video học ngữ pháp dưới đây:

http://bit.ly/nghenguphap


LUYỆN NÓI


Quá trình nói cần phải có ý nghĩ trong đầu, sau đó cần sự vận dụng các bộ phận tạo âm thanh của miệng, thanh quảng để phát ra câu nói. Nếu trong một cuộc hội thoại thì bạn cần nghe hiểu đối phương trước, sau đó mới phát sinh ý tưởng và nói ra.

Như thế, muốn nói được bạn cần phải nghe hiểu trước. Sau đó phải phát âm đúng. Hai điều này, chúng ta đã có thời gian luyện tập trước đó rồi.

Trong quá trình luyện nghe, có phải bạn đã được học cách người bản ngữ nói chuyện như thế nào rồi phải không. Giờ bạn chỉ việc học nói lại theo họ thôi. Nếu bạn luyện nghe đủ nhiều thì việc ghi nhớ cũng dễ dàng bởi vì âm thanh đó đã được não lưu trữ. Chỉ cần nghe vài từ là bạn biết đoạn tiếp theo là gì. Như kiểu bạn xem phim và bị ám ảnh bởi những câu nói của nhân vật.

Nhưng một điều quan trọng cần biết là khu vực lưu trữ dữ liệu nghe và nói hoàn toàn khác nhau. Nên việc bạn nghe được không quyết định bạn sẽ nói được. Cũng may là những điều bạn nói không rộng bằng những điều bạn nghe. Bởi bạn chỉ nói những điều của bản thân và những thứ bạn quan tâm. Khi nói về gia đình, công việc thì bạn chỉ nói về gia đình của bạn, công việc của bạn, vốn từ, cấu trúc chỉ có thể. Nói cách đơn giản, có những câu nói bạn sẽ nói đi nói lại một cách thuộc lòng để diễn tả bản thân về một vấn đề nào đó. Nhưng khi nghe thì bạn lại phải nghe biết bao nhiêu cuộc đời kể về họ, nên vốn nghe phải nhiều hơn.

Còn đối với những vấn đề bạn không quan tâm, không tìm hiểu thì chắc chắn bạn sẽ không có gì để nói, cả trong tiếng mẹ đẻ cũng vậy, thậm chí bạn còn chẳng muốn nói đến.

Như thế đừng áp lực vì phải học nói về tất cả mọi thứ trên đời.

Theo dẫn chứng đó, chúng ta cần phải cá nhân hóa từ vựng khi học để nói. Nghĩa là khi học thì biết từ này mình hay dùng khi nào, câu nào bản thân sẽ dùng khi nói và luyện nói đi luyện nói lại câu đó. Để khi muốn diễn đạt ý đó, ta đã có sẵn câu cửa miệng để nói. Nhưng như đã nói là hạn chế tự dịch từ tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần học những cách nói của người bản xứ.

Một phương pháp khá hiệu quả là nghe người bản ngữ nói và nhại lại. Nghe nhiều nguồn tài liệu, luyện nghe thật nhiều, bạn sẽ biết người bản ngữ nói như thế nào.

Và một điều quan trọng nhất là hãy tự tin nói. Bạn phải chấp nhận trở thành một người ngây thơ như một đứa bé, có khi bị xem là ngớ ngẩn để dám nói ngoại ngữ bất chấp. Đây mới thật sự là năng khiếu của những người giỏi ngoại ngữ, họ nói mà không sợ sai, chứ không phải họ có năng khiếu học ngoại ngữ như nhiều người thường nghĩ.

Nhưng bạn hãy để ý mà xem, những người ngoại quốc họ rất vui khi có người học ngôn ngữ của họ. Và những sai lầm của bạn chỉ là sự ngớ ngẩn dễ thương làm họ thích thú, chứ không hề có sự phán xét, chê trách nào ở đây. Bởi vì người Việt hay khen chê, đánh giá những người muốn học ngoại ngữ nên mới tạo ra rào cản khiến chúng ta sợ nói, sợ sai sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Cho nên nếu có điều kiện hãy luyện nói thật nhiều với những người mà bạn tin tưởng, nếu có người yêu ngoại quốc càng tốt, bạn sẽ luyên thuyên cả ngày và trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ cải thiện đáng kể.

Nhưng nếu không được thế thì luyện tập một mình cũng không phải là không có hiệu quả. Bạn có thể nói chuyện một mình, nói ra những suy nghĩ của bản thân và nhất là tập chuyển sang suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Bạn đã luyện suy nghĩ bằng ngoại ngữ thì việc nói ra cũng sẽ dễ dàng hơn.


LUYỆN ĐỌC


Đọc là kỹ năng giải mã mặt chữ. Đọc chủ yếu là kỹ năng của mắt và nó phụ thuộc vào việc ghi nhớ hình ảnh. Những con chữ trên giấy như những hình ảnh đối chiếu với kho dữ liệu từ vựng của bạn để giải mã ý nghĩa của nó. Đọc to chỉ là việc kết hợp giữa việc đọc bằng mắt và phát âm ra. Cho nên mình sẽ tập trung nói về việc đọc bằng mắt.

Trong quá trình luyện nghe như đã nói, chúng ta đã vừa nghe vừa nhìn lời thoại, như thế chúng ta cũng đã luyện được kỹ năng đọc. Việc đọc nhiều, nhìn đi nhìn lại mặt chữ cũng giúp ghi nhớ từ vựng tốt hơn, nhất là đặt từ vựng đó trong văn cảnh bài đọc cụ thể.

Các bạn có thấy trẻ em học nghe nói 6 năm trời, sau đó khi lên lớp một mới bắt đầu học đọc không? Nhưng người lớn chúng ta không cần như trẻ em bởi chúng ta đã có khả năng đọc rồi. Ở đây tôi chỉ một lần nữa phải nhắc lại, phải bắt đầu bằng việc vừa nghe vừa đọc thật nhiều. Và việc đọc cũng bắt đầu từ từng từ, cụm từ, rồi mới đến câu đơn, câu ghép, rồi đoạn văn, bài văn… Việc luyện đọc cũng cần nhiều thời gian không kém. 

Đọc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào khả năng luyện tập đọc nhiều hay không. Nhiều người lớn vẫn đọc chữ bản ngữ chậm do không có thói quen đọc. Vậy nên chẳng có bí quyết đọc nào cả ngoài việc đọc nhiều. Khi bạn đọc đủ nhiều thì bạn cũng sẽ có kỹ năng đọc lướt, đọc quét… như mọi người hay cho đó là kỹ năng đọc.

Nên nhớ đọc ở đây là việc đọc văn bản bằng ngoại ngữ mà hiểu được chứ không phải nhìn chữ rồi dịch sang tiếng mẹ đẻ. Nên việc dịch khi đọc sẽ không phải rèn luyện kỹ năng đọc.


LUYỆN VIẾT


Viết là kỹ năng cuối cùng và khó nhất. Viết ở đây không chỉ đơn giản là viết đúng chính tả từ hay viết được một câu, mà là viết một bài sao cho logic, cho hay. Giống việc bạn học tập làm văn, không phải ai nghe hiểu và nói, đọc được thì đều có thể viết văn hay. Viết cũng cần luyện tập. Bạn học tập làm văn và ngữ văn 12 năm trời, bạn thấy mình đã viết giỏi chưa?

Và việc luyện viết lại liên hệ mật thiết với việc đọc. Đọc càng nhiều viết càng hay. Đọc để biết nhiều cấu trúc, cách diễn đạt ý hay, đọc nhiều để có cảm nhận về ngôn ngữ viết. Cho nên học đọc đủ nhiều sẽ cải thiện được kỹ năng viết.


Tóm lại là cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều được rèn luyện song hành và bổ trợ cho nhau. Và bí quyết học tốt ngôn ngữ đó là vừa nghe vừa đọc và luyện tập thật nhiều.

Chúc các bạn học tốt!



Bài học từ sách “ĐỌC VỊ BẤT CỨ AI” (phần 1)

 



LIỆU ĐỐI PHƯƠNG CÓ ĐANG CHE GIẤU ĐIỀU GÌ?


Thủ thuật 1: Đọc tâm trí, xem người đó có thoải mái khi nghe vấn đề đó không?

– Hỏi bâng quơ người đó có biết sự việc đó không


– Nói suy nghĩ của mình về vấn đề đó cho người đó nghe


– Nói với họ người quen của mình đang gặp vấn đề đó để xem lời khuyên của họ


Thủ thuật 2: Gọi bác sĩ Bombay

Một người sẽ có mức độ quan tâm như nhau tới điều mà họ không biết trước nhưng dồn sự chú ý vào điều họ biết hoặc đang che giấu. Sau đó vờ qua điều khác.


– Cung cấp cho đối tượng những lựa chọn tương đương nhau. Nếu sự chú ý của người ta hướng về một phía, việc anh ta có điều che giấu liên quan đến chuyện đó là hoàn toàn có thể.


– Nếu với người đó toàn bộ dữ kiện mình có nhưng thay đổi một vài điểm quan trọng. Nếu hắn làm thì hắn sẽ biết toàn bộ chuyện nên sẽ tập trung vào dữ kiện sai.


Thủ thuận 3: Bạn đang nghĩ gì?

Thông báo cho người đó về sự việc đó. Người bị nghi ngờ nhầm sẽ dễ dàng nổi giận vì cho rằng mình bị xúc phạm, còn người mắc lỗi sẽ mặc định cho mình trạng thái phòng ngự và tìm cách thuyết phục mình không làm.


Thủ thuật 4: Lảng tránh hoặc biểu lộ

Nói với họ người làm việc này hay có thái độ/thói quen này. Nếu không làm, họ sẽ bác bỏ ý kiến này. Nếu làm, họ sẽ lẳng lặng không làm thái độ/ thói quen đó, dù trước đó họ có làm thái độ/ thói quen đó.


Thủ thuật 5: Đề phòng sẽ gây ra hành động dại dột

– Thông báo với người tình nghi và người cộng sự (được cài vào) rằng 1 trong 2 người là thử phạm. Gắn 1 đặc điểm vào thủ phạm. Nếu người tình nghi quan tâm, để ý người cộng sự thì vô tội. Nếu họ không để ý vì họ là người làm nên có đặc điểm đó thì là thủ phạm.


– Đối với một nhóm người thì thông báo: người phạm lỗi bị phạt, người khác được thưởng. Nếu người nào hào hứng tham gia và hỏi thưởng cái gì… thì họ vô tội. Người phạm lỗi sẽ khép nép, im lặng từ đầu đến cuối.


Thủ thuật 6: Bạn sẽ làm chuyện đó thế nào?

Khi biết được cách thức phạm tội và đó là cách làm duy nhất, dễ dàng nhất, ta hỏi họ: nếu bạn là tội phạm, bạn sẽ làm thế nào? Nếu họ trả lời thẳng thắn cách làm đúng thì họ vô tội. Bằng không, họ sẽ trả lời lòng vòng, sai cách.

NHỮNG ĐIỀU TRƯỚC KHI HỌC NGOẠI NGỮ NÊN BIẾT - phần 1 - ĐỘNG LỰC HỌC NGOẠI NGỮ

 


Trải qua thời gian tiếp xúc và học tiếng Anh, Pháp, Đức, Thái và những người bạn học tiếng Hàn, Trung, Nhật… (chỉ tiếp xúc và học chứ mình chưa dám nhận là giỏi nhé) tôi nhận ra vài điều giống nhau giữa các ngôn ngữ và hình thành quá trình học một ngoại ngữ mới cho bản thân.

Điều đầu tiên khi làm bất cứ điều gì, không chỉ riêng việc học ngoại ngữ bạn cần phải làm đó chính là xác định động lực, tại sao bạn muốn học ngoại ngữ đó. Và việc xác định mục tiêu này cần cụ thể và xuất phát từ mong muốn nội lực bên trong của bản thân. Điều gì khiến bạn không học ngoại ngữ là không thể sống tốt được.

Với một đứa trẻ, đứa nào cũng phải biết nói để giao tiếp, thể hiện mong muốn với người lớn. Có bao giờ bạn thấy một đứa trẻ bực bội, nằng nặc đòi bạn làm cái gì cho nó mà vì không thể nói cho bạn hiểu để đáp ứng nhu cầu của nó chưa. Nó cũng ức chế và đó sẽ là động lực để nó phải tập nói. Khi bạn tập nói cho nó thì có phải bạn dùng cách “gọi ba đi” rồi bạn mới cho nó bánh hay làm gì cho nó không? Đó là lúc bạn thúc đẩy nó phải học nói.

Ta lại nói do trẻ em có môi trường nên nó học được. Nhưng bạn có thấy những người dù ở nước nói tiếng Anh nhưng họ lại dùng tiếng bồi hoặc không nói được tiếng Anh không? Là bởi vì họ sống cùng người Việt hoặc chỉ cần biết vài từ thông dụng hay dùng trong đời sống để mua bán với người nước ngoài là đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ nên họ không có động lực học.

Bạn đã bao giờ có mục đích học tiếng Anh để có cơ hội đi nước ngoài, để thay đổi công việc tốt hơn, thậm chí có những người được hứa hẹn vị trí nếu cải thiện được trình độ tiếng Anh. Ấy thế mà bạn hừng hực nhiệt huyết được mấy ngày rồi lại thấy nản. Đó có phải là bởi vì nếu không có tiếng Anh, không có công việc mới tốt hơn, sống ở Việt Nam thì cuộc sống bạn vẫn ổn. Như thế bạn sẽ thấy khó khăn của việc học tiếng Anh nặng nhọc hơn công việc hay hoàn cảnh sống của bạn hiện tại. Từ đó bạn cũng không còn động lực học nữa.

Vậy thì muốn có động lực bên trong và duy trì được động lực đó, bạn phải nghĩ rằng nếu mình không biết tiếng Anh thì mình không thể sống tốt lên được. Ở đây mình chỉ nói thế để chúng ta có động lực thôi. Chứ thật ra không có tiếng Anh thì cuộc sống của bạn vẫn ổn, tùy mục tiêu cuộc sống của bạn là gì.

Như kiểu của vài giáo viên dạy Tiếng Anh, họ bắt buộc phải trau dồi trở thành những người giỏi Tiếng Anh thì họ mới có thể sống bằng nghề đó. Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp chờ đợi bạn và cuộc đời bạn sẽ thay đổi như thế nào khi học có Tiếng Anh. Đừng vì tạm chấp nhận cuộc sống hiện tại mà bỏ đi mục tiêu trau dồi tiếng Anh hàng ngày. Cực nhọc bây giờ nhưng đổi lại tương lai tươi sáng dài hạn còn hơn là cứ sống nhàn nhàn như vầy đúng không?

Cũng có những người mục đích của họ đơn giản là có thể xem phim tiếng Anh mà không cần phụ đề. Và nếu mệt mỏi khi học tiếng Anh mà học nghĩ thời nay đầy trang web có phụ đề và họ vẫn thoải mái xem như thế thì chắc họ cũng sẽ không tiếp tục học. Nếu có nghĩ thế thì nên ngưng xem phim phụ đề cho đến khi chịu học tiếng Anh.

Có những người muốn nghe nhạc hoặc đu theo idol nào đó thì cũng nên lấy đó là động lực. Thay vì theo dõi những bài báo, bài phỏng vấn, video về idol đó bằng tiếng Việt thì hãy chuyển sang xem tiếng Anh. Không hiểu thì phải học để hiểu. Lấy idol làm động lực. Hãy thúc bản thân, biến những đam mê, sở thích đó thì mục tiêu giúp ích cho bản thân.

Nhưng trên hết, hãy nhớ “đường xa mới biết ngựa hay” cũng không nên ép bản thân quá để thấy áp lực mà nên biết sức học và hoàn cảnh của bản thân để có lộ trình học phù hợp.

Khi xác định rõ động lực bên trong rồi thì bắt đầu tiếp cận ngôn ngữ đó. Những bước tiếp theo như thế nào mình sẽ chia sẻ trong những bài sau nhé. Chúc mọi người tận hưởng quá trình trau dồi ngoại ngữ.


VUI NHANH HAY GIÁO DỤC LÂU DÀI

 


Chiếc xe 52 chỗ chở 18 người chúng tôi đến một vùng quê hẻo lánh của tỉnh Vĩnh Long. Để đến với ngôi trường tiểu học Tân Mỹ B, thầy cô phải đón chúng tôi bằng những chiếc xe máy để vượt qua con đường dài hơn 3km, nhỏ hẹp, lọt tỏm giữa khoảng trống mênh mông của những ruộng lúa xanh ngát.


Phải về những vùng quê như thế này tôi mới được sống lại cảm giác yêu quý, kính trọng thầy cô của những đứa trẻ làng. Chỉ cần thấy thầy cô chạy xe ngang qua, chúng nó liền đứng nghiêm chào hỏi lễ phép. Thế mới thấy nghề giáo cao quý thế nào. Mê chi cái hào nhoáng tiện nghi của đô hội mà cố sức bám trụ, chạy chọt để dạy ở thành phố, cứ về quê, tuy nghèo nhưng cái tình người, tình nghề vẫn mãi tươi xanh.


Đến trường, tôi ngỡ ngàng nhận ra đây là ngôi trường đa số là học sinh dân tộc Khơ-me. Nơi đây giáo dục cũng được quan tâm nhưng do đời sống người dân nghèo khó, cơm không đủ no, nhà không đủ ấm thì ai mà quan tâm con cái học hành ra sao. Nhìn những đứa nhỏ vui tươi cười đùa trong cái thiếu thốn đó mà cảm thấy chạnh lòng.


Sau khi phân chia các phần quà cho các bé, chúng tôi ra sân để bơm bong bóng và phát cho những bạn nhỏ. Đối với những đứa bé vùng phát triển, có lẽ chúng nó sẽ chẳng màng đến việc xin xỏ mấy cái bong bóng nhàm chán. Nhưng đối với bọn trẻ ở đây, chúng thật sự thích thú đến nỗi chen lấn nhau để lấy. Tiếng nài nỉ “con nữa thầy” ” cho con đi chú” khiến tôi ước mình có thể phân thân để đáp ứng nhu cầu của tụi nó.


Biết rằng đến đây để làm một cái trung thu vui vẻ cho các bé. Nhưng mong muốn của tôi lại cao hơn. Tôi muốn tạo ra một kỷ niệm thay đổi cách ứng xử của tụi nhỏ. Tôi buồn khi những đứa bé đã có bong bóng chơi rồi nhưng vẫn chen lấn xin thêm, mặc cho những người bạn của mình vẫn đứng đó chờ đợi được chạm tay vào quả bong bóng. Tôi hy vọng tinh thần sẻ chia, biết đủ thường vui sẽ được ươm mầm cho những thế hệ mới này. Nhưng đáng buồn hơn là cả những phụ huynh cũng đứng ra bảo chúng tôi cho con họ trước. Ngay cả họ cũng như thế thì ai là người truyền thụ cho chúng cái đạo lý quan tâm người khác kia.


Dù đã cố nở nụ cười trên môi để trông thân thiện nhưng cái cảm xúc bất đồng với hành động của những người xung quanh khiến tôi trông giận dữ. Tôi không muốn bọn trẻ cứ lộn xộn, chen lấn nhau như thế, chúng phải học cách xếp hàng và tuân thủ quy định . Thật không ngờ, chỉ sau khi tôi băt tụi nó xếp hàng thì một hàng dọc đã hình thành. Chúng nó ngoan dễ sợ. Nhân đây cũng xin lỗi tụi con vì đã quá khắt khe và chưa thân thiện với tụi con làm cho buổi trung thu chưa thật sự hoàn hảo. Và cũng xin lỗi câu lạc bộ, có lẽ mình đã làm méo mó hình ảnh của người làm tình nguyện. Nhưng dù chỉ là khoảng cách, bản thân vẫn muốn tạo ra những bài học lâu dài. Có thể bây giờ tụi nhỏ chưa hiểu tại sao phải xếp hàng, nhưng rồi khi lớn lên, chúng nó phải sống theo những quy định thì hy vọng chúng nó sẽ nhớ đến kỷ niệm ngày hôm nay.


Chính vì thấy tôi hơn căng với bọn trẻ nên một chị trong đoàn đến để làm không khí dịu xuống. Và đến tối, tôi và chị đã có giờ tâm sự với nhau. Tôi tâm sự những dự định tình nguyện tương lai của mình và chị chia sẻ rất nhiều chuyện. Điều đọng lại cho tôi khiến tôi phải ghi nhớ đó là: dù tâm trạng của mình như thế nào, hoàn cảnh của mình như thế nào, mình cũng phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của mình (học hành, đi làm, bổn phận với gia đình, người thân…) và dù mong muốn giúp đỡ người khác là tốt nhưng phải đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và nhu cầu của những người trong gia đình.


Tôi thấy mình thật nhỏ bé và khả năng hạn hẹp, làm sao tôi có thể sống với lý tưởng quá xa vời như vậy. Ngài đòi hỏi con nhiều quá hay chính con đang ảo tưởng về bản thân mình???


Tình Nguyện trung thu tại trường tiểu học Tân Mỹ B, Trà Môn, Vĩnh Long, ngày 10-11/9/2016

SỐNG TRỌN VẸN CUỘN ĐỜI CỦA MÌNH

 


Sống cuộc đời của mình để người khác được sống cuộc đời của họ.
Con người sống trong cộng đồng và có sự ràng buộc, ảnh hưởng nhất định với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mình phải hy sinh cuộc đời của mình cho người khác hay phải quản việc của họ nếu điều đó không xuất phát từ mong muốn tốt lành của bản thân. Bởi khi đó, sự hy sinh này sẽ kèm với điều kiện người kia phải thế này thế kia. Chính vì điều đó lại khiến cho người khác không thể tự do sống cuộc đời của họ.
Đôi khi người ta dùng danh nghĩa vì yêu thương, quan tâm nên mới lo lắng, muốn người khác phải sống thế này thế kia. Đúng là ở phương diện của bản thân thì sống như thế là tốt thật, nhưng đối với người khác, điều đó chưa chắc đã tốt và phù hợp với mong muốn của họ.
Có bao giờ ta nhìn nhận lại điều ẩn chứa bên trong "vỏ bọc vì yêu thương đó" là vấn đề gì nơi bản thân không? Vì muốn tốt cho sức khoẻ của người yêu nên hay cằn nhằn, bắt họ bỏ hút thuốc. Điều đó xuất phát vì tình yêu hay vì lý do nào khác nơi bản thân mình (vì mình không thể chịu nổi mùi thuốc...). Nếu vì tình yêu thì có lẽ người đó sẽ tìm hiểu vì sao người yêu hút thuốc, vì áp lực công việc, vì thói quen... Từ đó mà giải quyết vấn đề bên trong đó của người yêu, khiến họ có mong muốn bỏ thuốc: chia sẻ áp lực, từ từ cùng họ vượt qua thói quen hút thuốc... Cằn nhằn, ép buộc có khiến họ tình nguyện bỏ thuốc không hay chỉ khiến cuộc sống của mình và người đó thêm nặng nề. Nếu đã cho họ đủ tình yêu mà họ vẫn không thay đổi thì bản thân mình, một là chấp nhận, hai là ra đi. Ra đi hay chấp nhận bên họ đều là hành động sống vì cuộc đời của mình chứ không phải vì hy sinh, chịu đựng vì họ. Đến bản thân họ còn không muốn cuộc đời của họ tốt hơn thì sự hy sinh của mình có giúp họ sống tốt hơn không?
Mặt khác, khi đã quá yêu thương, bao bọc người khác thì có phải mình đã tước đi quyền va vấp, trải nghiệm và trưởng thành của họ. Rồi một ngày không còn ta, họ sẽ sống thế nào?
Cho nên, tôi tin chắc rằng nếu bản thân tập trung sống tốt cuộc đời của mình thì mọi người xung quanh đều có thể sống cuộc đời của họ.